17/12/2006 16:00 GMT+7

Tạp bút: Người xa quê

NGUYỄN MINH HẢI
NGUYỄN MINH HẢI

TTCT - Trong Thương nhớ mười hai, nhà văn Vũ Bằng viết: “Lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đập vào thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra những tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo.

4UvgidyN.jpgPhóng to
Ảnh: Sâm Ngọc

Đọc đến đây, tôi ngồi thừ ra, lòng xao động với muôn vàn con sóng. Tôi đang nhớ quê, nhớ nhà.

Tôi xa quê năm 13 tuổi, cái tuổi bắt đầu nhận thức được những điều xung quanh một cách tương đối đầy đủ. Ở tuổi ấy, những gì đọng lại trong tâm trí giống như một chiếc máy ghi âm, ghi lại đầy đủ những gì nó nhận ra, nhưng rối bời, chẳng biết âm chính, tạp âm là gì nữa.

Tha hương qua nhiều nơi, đôi lúc tôi tìm thấy hình ảnh quê hương của mình ở đó. Nhưng tất cả đều nhòa nhạt, chẳng ra hình thù gì cả. Này nhé, cũng dòng kinh trong xanh thì những dòng kinh bất kỳ nào đó lại thiếu cái ụ xuồng quen thuộc, thiếu cả bờ sậy xanh rì; cũng những cánh đồng thì những cánh đồng ấy lại thiếu đám cỏ lông heo màu cỏ úa, thiếu luôn đám chim ba kiến ẩn trong các gốc rạ kiếm ăn trong mùa nước kém; cũng những vườn dừa, thì những vườn dừa ấy thiếu một cây dừa lửa thấp lè tè luôn sai trái, thiếu cả những cái tổ chim sẻ lủng lẳng...

Không chỉ vậy, ở đâu cũng có người, nhưng người ở quê tôi còn mang những nét riêng chẳng lẫn vào đâu được. Đôi chân đóng phèn, mái tóc luôn có chòm ngọn hoe nắng, tiếng nói rổn rảng nhưng bao giờ cũng phát âm sai vài chữ, đại loại như “cừ” (cười), “cái gổ” (cái rổ)... Đó những gì thân thuộc, gần gũi với tôi trong những ngày thơ ấu.

Quê tôi mùa nắng, gió nồm thổi khô ran. Đất nẻ ra toang hoác. Mấy con nước liền, dòng kinh thiếu phù sa nên trong xanh, có lúc nước ròng kiệt cạn sát đáy. Bù mắt cắn điên người. Mùa mưa, nước trắng đồng, đường đất thịt trơn như đổ mỡ. Dòng kinh ngầu đục, chảy xiết. Đám sậy mọc sát bờ kinh cũng như run rẩy. Bữa nào bên ngoài dông, chỉ thèm nằm ủ trong mền, nghe tiếng mưa tí tách đổ trên mái lá, miệng ngậm hột me rang thơm lừng...

Ra trường, mỗi năm tôi luôn về quê dịp giỗ ngoại. Ngoại mất khi tôi chưa đến mười tuổi nhưng ngoại và những gì gắn với người là hình ảnh sâu đậm nhất trong tôi. Đó - mấy cây vú sữa trước sân nhà già như tuổi của ngoại. Đó - giàn trầu không lúc nào cũng tươi tốt, làm chỗ trú ngụ cho một bầy cóc tía mập bự. Đó - những mẻ nếp rang nổ lép bép giữa buổi chiều đổ mưa bốc khói thơm phức.

Đó - những con ốc bươu to luộc chấm cơm mẻ với sả bằm ngon tuyệt. Đó - những buổi chiều cùng ngoại đi nhặt phân trâu trên mấy cánh đồng khô nứt nẻ về đốt vỏ ngao lấy vôi ăn trầu. Tất cả quyện thành hình ảnh một bà cụ tóc hạc da mồi, răng rụng gần hết vẫn móm mém nhai trầu nhớ về người chồng và hai người con trai mất trong kháng chiến...

Lớn lên, đi nhiều nơi, tôi nhận ra rằng mỗi người VN đều có “những” quê hương của mình. Trước hết đó là nơi ta sinh ra và lớn lên, gắn liền với một miền quê cụ thể nào đó. Kế đó là vùng miền: miền Tây, miền Đông, Tây nguyên, miền Trung, miền Bắc... Rồi khi ra nước ngoài, quê hương chính là đất mẹ cong cong hình chữ S. Người xa quê nào rồi cũng mang trong mình một tình yêu nước đã được hun đúc ngàn đời...

NGUYỄN MINH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên