11/02/2019 10:35 GMT+7

Táo quân đã... lão hóa

HOÀNG LÊ - NGỌC DIỆP
HOÀNG LÊ - NGỌC DIỆP

TTO - Năm nay chương trình Táo quân của VTV phát sóng đêm giao thừa (ngày 4-2) bị đón nhận khá nhiều chỉ trích từ phía khán giả.

Hết duyên vì quảng cáo lố...

Nói như vậy không có nghĩa Táo quân 2019 không có ưu điểm: sân khấu đẹp, phục trang đẹp và chỉn chu. Một số vấn đề nổi cộm trong xã hội về giáo dục, thể thao, xã hội... được đề cập hài hước và thâm thúy. 

Các câu nói của các nhân vật trong chương trình đang được dân mạng truyền nhau với tốc độ... tên lửa: "Quan lấy tiền của dân thì được, chứ dân lấy tiền của quan thì tội to lắm!"; "1+1=9 hay bằng 10 là tùy vào ý chí của người cộng điểm"... Chương trình có những giây phút lắng đọng ở câu chuyện người nghèo phải "chạy" cả sổ hộ nghèo...

Tuy nhiên, Táo quân năm nay bị phàn nàn nhiều nhất ở chỗ triều đình Ngọc hoàng bị quảng cáo "lũng đoạn". 

Gần 20 phút đầu, chương trình chỉ là những màn tấu hài của hai phó thiên lôi, lồng ghép vào đó là quảng cáo cho các nhãn hàng... Khán giả không chỉ thấy logo quảng cáo chạy trên màn hình, clip quảng cáo xen giữa chương trình, mà còn nghe các nghệ sĩ ra rả thay nhau đọc slogan của các sản phẩm này.

Một người làm trong lĩnh vực quảng cáo bày tỏ: "Chương trình nào nhiều quảng cáo, chứng tỏ chương trình đó có sức hút với khán giả. Nhưng việc lồng ghép để khán giả cảm thấy không bị phản cảm là vấn đề những người sản xuất chương trình phải chú ý".

Huề cả làng, Táo mất hay?

Táo quân là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều khán giả đêm 30 bởi đã "điểm" được trúng "huyệt" khi dùng tiếng cười trào lộng các vấn đề xã hội nóng hổi như giáo dục, y tế, kinh tế, văn hóa, giao thông... 

Chất liệu thực tế ngồn ngộn là mảnh đất để đội ngũ sáng tạo nội dung tha hồ tung hoành. Táo quân đã nói hộ nỗi lòng người dân, đồng thanh tương ứng với khán giả. Điều thú vị là những bức bối cuối năm đều được hóa giải bằng tiếng cười.

Nhưng, 10 năm trước khán giả có thể chấp nhận việc các Táo cũng có lỗi này, tật kia như người phàm. Thậm chí khán giả rất thích thú với các màn chỉ trích lẫn nhau để làm lộ ra thói hư tật xấu của mỗi Táo. Sự "bình dân" hóa thiên đình là một góc nhìn rất thú vị, hài hước của Táo quân.

Mười năm trước khán giả có thể chấp nhận một Ngọc hoàng vừa nghiêm khắc vừa vui tính, đáng yêu, biết tất cả nhưng giả vờ không biết gì, và hơi xuề xòa... Song, theo thời gian, công chúng nhận thấy tình trạng của thiên đình ngày càng tệ. 

Nạn con ông cháu cha, tham nhũng hoành hành. Những năm gần đây, khán giả chứng kiến các Táo phải làm đủ trò để trốn trạm BOT do Nam Tào, Bắc Đẩu giăng ra và lên thiên đình Táo nào cũng phải thủ sẵn một tập phong bì...

Dù nghệ thuật trào phúng, đả kích của Táo quân ngày càng chuyên nghiệp nhưng khi để cái xấu được chấp nhận như một điều tất nhiên trên thiên đình, thiên đình không có cách gì hạn chế cái xấu, khán giả sẽ thấy chán. 

Tiểu phẩm truyền hình này thiếu đi sức mạnh nâng tầm chính nó, nâng đỡ tinh thần khán giả và càng gây cảm giác là một trò đùa dai bất tận.

Năm nay nhiều khán giả lại càng cảm thấy khó chịu khi chương trình ưu ái cho quảng cáo nhưng nội dung thì đi vào lối mòn cũ kỹ, không có sự đổi mới, sáng tạo, dù các nghệ sĩ đã nỗ lực hết mình vì nhân vật.

Sau 15 năm, một thế hệ khán giả mới đã kịp lớn lên, xã hội đã thay đổi rất nhiều, tư duy con người đã khác trong khi đó format của Táo quân đã bắt đầu cho thấy sự "lão hóa". 

Sự đòi hỏi của công chúng cũng như kỳ vọng đặt vào Táo quân sẽ ngày càng lớn, do đó áp lực đổi mới cho đội ngũ sáng tạo ngày càng lớn hơn.

'Táo quân chèn quảng cáo hay quảng cáo chèn Táo quân?'

TTO - Chương trình Táo quân Xuân Kỷ Hợi 2019 phát trên VTV3 đêm 30 tết (4-2-2019) đã gây nên một làn sóng phản ứng khá mạnh từ cư dân mạng vì... quảng cáo quá nhiều.

HOÀNG LÊ - NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên