​Tạo môi trường giáo dục dân chủ cho sinh viên

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ghi
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ghi

TT - Sau loạt bài “Sinh viên góp tay đổi mới giáo dục”, nhiều chuyên gia giáo dục đã có những phản hồi tích cực, bày tỏ sự ủng hộ với những đóng góp của sinh viên vào công cuộc đổi mới giáo dục - đào tạo.

* PGS.TS Ngô Minh Oanh (viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

PGS.TS Ngô Minh Oanh - Ảnh: T.Đạm

Cần những “bà đỡ” có kinh nghiệm

Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sinh viên các trường ĐH, CĐ cũng có những đóng góp rất quan trọng. Sinh viên cùng với các giảng viên đổi mới cách dạy và học.

Sinh viên thay đổi cách học, chủ động sáng tạo tiếp nhận kiến thức mới dưới sự hướng dẫn của giảng viên, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, biến quá trình học thành một hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Bằng những công trình sáng tạo của mình, sinh viên đã có những đóng góp vào công cuộc đổi mới giáo dục - đào tạo.

Muốn cho sinh viên ngày càng có những đóng góp sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục, trước hết phải chú trọng đổi mới môi trường giáo dục trong trường ĐH.

Phải tạo ra một môi trường dân chủ, năng động và sáng tạo cho sinh viên trong học thuật. Tổ chức quá trình học tập cho sinh viên như là một quá trình tự học - nghiên cứu. Khuyến khích các em đề xuất ý tưởng và tạo những điều kiện về thông tin, cơ sở vật chất để sinh viên có thể hoàn thành nghiên cứu ý tưởng sáng tạo của mình.

Hiện nay trong các trường ĐH đều có kinh phí cho sinh viên nghiên cứu khoa học, tuy nhiên để các em có thể tự tin hoàn thành ý tưởng của mình, rất cần những “bà đỡ” có kinh nghiệm. Giảng viên ĐH cũng phải là những nhà nghiên cứu, biết khuyến khích những ý tưởng tốt của sinh viên, hướng dẫn các em biết triển khai nghiên cứu và hoàn thành ý tưởng của mình gắn với yêu cầu của thực tiễn giáo dục.

Cần có cơ chế khen thưởng, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, kịp thời phát hiện những sinh viên có ý tưởng sáng tạo để giúp đỡ họ biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.

* PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Ảnh: CTV

Tạo sự tự tin, sáng tạo cho người học

Công cuộc đổi mới giáo dục không bao giờ chỉ là của những nhà giáo dục, nhà giáo mà còn là công việc của học sinh, phụ huynh. Ở các nước phát triển, khi có nhu cầu về thay đổi chương trình học, ngoài chuyên gia, thầy cô giáo thì học sinh, phụ huynh là những người tham gia vào công việc này. Tất nhiên mức độ tham gia khác nhau, nhưng bỏ qua học sinh, phụ huynh và ý kiến của mọi công dân thì không thể có một cuộc đổi mới giáo dục thật sự, và tất nhiên là cũng không thể thành công.

Ở bậc học ĐH, thầy cô giáo càng cần phải phát huy tính chủ động, sáng tạo trong sinh viên. Chỉ học tập chủ động, sáng tạo mới có thể học tốt và nghiên cứu khoa học tốt. Thiếu sáng tạo, thiếu tự tin sẽ không có tư duy đột phá, không có nghiên cứu khoa học.

Đọc loạt bài “Sinh viên góp tay đổi mới giáo dục” trên Tuổi Trẻ, tôi rất thích những sinh viên như thế. Các bạn đã giúp các thế hệ đàn em của mình có thể nhẹ nhàng hơn trong học tập, hứng thú hơn trong học tập. Các bạn đã là những sinh viên tự tin, có khả năng phát hiện vấn đề và giải quyết chúng một cách thấu đáo (các bạn sẽ là những nhà sư phạm, những nhà khoa học thật sự).

Tôi cho rằng tạo sự tự tin, sáng tạo cho học sinh, sinh viên thì chúng ta sẽ thành công trong công cuộc đổi mới giáo dục (tất nhiên những nhà giáo dục, những nhà khoa học, nhà giáo đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục).

Theo tôi, nhà trường sư phạm nói riêng, nhà trường ĐH nói chung phải coi việc tự do học thuật trong nhà trường là điều căn bản, bắt buộc. Chỉ có coi trọng học thuật, các giảng viên mới kích thích sinh viên tìm tòi sáng tạo kiến thức mới - tiền đề của nghiên cứu khoa học.

* TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT):

TS Lê Viết Khuyến - Ảnh: N.Khánh

Chưa tận dụng hết khả năng của sinh viên

Thói quen truyền thống của giáo dục VN là “tiếp cận nội dung”, người thầy đóng vai trò chính, chủ động trong quá trình dạy học, còn người học gần như hoàn toàn bị động.

Giáo dục hiện đại yêu cầu theo hướng “tiếp cận phát triển”. Dạy - học phải trở thành quá trình hợp tác giữa người dạy và người học. Người thầy không thể đóng mãi vai trò truyền thụ kiến thức mà phải là người hướng dẫn, đồng hành cùng người học.

Theo cách tiếp cận này, người học cần được tham gia quá trình soạn thảo chương trình học tập. Song thực tế giáo dục VN lâu nay, nhiều thế hệ vẫn phải đi theo cách tiếp cận cũ. Ngành giáo dục cũng đã nói đến cách tiếp cận mới, nhưng mới chỉ nói nhiều chứ chưa thực hiện được bao nhiêu.

Chúng ta chưa tận dụng được hết khả năng của sinh viên - nhất là sinh viên sư phạm - để kéo bài giảng đến gần với người học. Đừng mặc định việc biên soạn sách chỉ là lĩnh vực đặc quyền của các thầy, mà chính sinh viên khi được tập hợp và khuyến khích, hoàn toàn có thể biên soạn sách để tận dụng hết lợi thế của mình.

Lâu nay, Bộ GD-ĐT cũng hay chỉ đạo cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên, nhưng có tôi cảm tưởng vẫn chỉ chú trọng đến mảng nghiên cứu về chuyên môn, mà thờ ơ với việc nghiên cứu về khoa học sư phạm. Bộ GD-ĐT cần có sự ủng hộ chính thức, có chủ trương và ủng hộ rõ ràng với hoạt động chung tay đóng góp đổi mới giáo dục của sinh viên.

* PGS Văn Như Cương (chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội):

Ảnh: N.KH
PGS Văn Như Cương - Ảnh: N.KH

Có chủ trương để người trẻ đóng góp

Sinh viên làm sách, sinh viên sáng tạo trong soạn bài giảng, chuyển hóa kiến thức sách giáo khoa thành nội dung phim hoạt hình để giờ giảng thêm hấp dẫn... là những sáng kiến, những đóng góp thiết thực cho giáo dục, cần được ghi nhận, hoan nghênh. Sinh viên có nhiệt huyết, sự say mê của tuổi trẻ, lại có trải nghiệm của thời phổ thông vừa qua, nên những sản phẩm tâm huyết của họ dành cho học sinh phổ thông sẽ có những điểm gần gũi, dễ kết nối, dễ truyền cảm hứng.

Thật đáng tiếc khi lần giở lại những lần thực hiện đổi mới giáo dục trước đây, thấy ngành giáo dục không huy động được phần góp sức của sinh viên, thậm chí cả giảng viên ĐH nói chung và giảng viên ĐH sư phạm cũng không được đóng góp gì. Muốn thay đổi giáo dục phổ thông mà những người trực tiếp giảng dạy, đào tạo ngành sư phạm không tham gia, chương trình đào tạo sư phạm không đổi mới thì đúng là thật vô lý. Ngay cả lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa Bộ GD-ĐT đang thực hiện, trong nhiều phương án dự trù kinh phí cũng không nhắc gì đến sinh viên, trong đó có sinh viên sư phạm.

Xét đến cùng, những nỗ lực đổi mới giáo dục của sinh viên mà Tuổi Trẻ phản ánh dường như vẫn chỉ dừng lại ở hoạt động tự phát của chính sinh viên. Nhớ lại thời chúng tôi học ĐH, thấy các bạn sinh viên giờ năng động hơn rất nhiều.

Thời chúng tôi đi học, sinh viên phần lớn bị động, không tham gia nghiên cứu khoa học, không phản biện gì nhiều. Song cũng phải hiểu rằng sinh viên ngày nay có nhiệt huyết, có kiến thức, có sự say sưa để làm được nhiều thứ, nhưng lại rất cần được động viên để duy trì, kích thích niềm say mê ấy. Nói cách khác, cần có chủ trương rõ ràng hơn từ Nhà nước, từ Bộ GD-ĐT trong hỗ trợ kinh phí cho người trẻ làm ra những sản phẩm có đóng góp thiết thực cho đổi mới giáo dục.

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên