16/03/2015 09:31 GMT+7

​Đổi mới giáo dục để ngăn bạo lực

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Câu chuyện nữ sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng tại trường ở Trà Vinh tiếp tục thu hút bàn luận của các chuyên gia và bạn đọc.

Cần tăng cường các hoạt động giáo dục nhân văn thiết thực cho học sinh để góp phần giảm bạo lực học đường. Trong ảnh: học sinh lớp 11A3 Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM đến thăm và giao lưu với các em Trường chuyên biệt 15-5 trong chương trình Ngày hội thanh niên vì cộng đồng - Ảnh: Như Hùng

“Học sinh tự quản” đã biến tướng

Cơ chế quản lý của chúng ta xây dựng trên cơ sở “học sinh tự quản” đã biến tướng. Vụ học sinh đánh bạn ở Trà Vinh xảy ra tương đối công khai và chắc cũng ồn ào, nhiều học sinh đứng xem.

Thế mà không có thông tin gì đến tai thầy cô giáo và lãnh đạo nhà trường, phụ huynh cũng không ai được con mình cho biết. Có thể hiểu học sinh trong trường đã bị khống chế về tư tưởng, không ai dám nói, không ai muốn nói, mọi người đều lo giữ mình, hoặc do dửng dưng, hoặc do sợ hãi. Còn giáo viên thì không có một thầy cô nào được học sinh tin tưởng để có thể thổ lộ mối lo âu của mình.

Trong trường hợp này, dễ thấy lớp trưởng đã trở thành “thủ lĩnh đầu gấu” trong lớp, có quyền đánh bạn, có quyền ra lệnh cho bạn đánh nhau, có quyền ra lệnh cho học sinh phe mình trừng phạt bạn.

Có lẽ ở các lớp khác cũng na ná thế nên nhiều học sinh biết chuyện mà không ai dám nói. Và giáo viên chủ nhiệm cùng lãnh đạo nhà trường chắc rằng nắm thông tin học sinh chỉ duy nhất thông qua hệ thống lớp trưởng, là đội ngũ tin cẩn của nhà trường, nên không biết sự việc ngay sau khi xảy ra.

Nhân đây cũng nói thêm về hệ thống “sao đỏ” trong trường phổ thông. Cũng đã có nhiều trường hợp các cháu sao đỏ trở thành đội ngũ “cảnh sát ngầm” trong trường, luôn luôn rình mò theo dõi các bạn để nhận xét, cho điểm, ghi sổ, thậm chí “phạt” cả lớp, làm thầy cô giáo cũng e ngại vì sợ mất điểm thi đua.

Kiểu quản lý của nhà trường phổ thông lâu nay đã dần dần biến tướng thành những cơ chế phản giáo dục, càng ngày càng sai lệch trong phong trào mà ta gọi là “Thi đua dạy tốt và học tốt”.

Gần đây, Bộ GD-ĐT đã có nhiều chấn chỉnh (hệ thống đánh giá học sinh, phong trào nhà trường thân thiện, cải tiến việc thi cử...) nhưng tác động vẫn còn quá ít.

Tôi đề nghị ngành giáo dục nên xem vụ việc xảy ra ở Trường Lý Tự Trọng (Trà Vinh) là một cảnh báo nghiêm trọng cho toàn ngành. Từ đó đi sâu phân tích cơ chế quản lý học sinh trong các trường phổ thông hiện nay để xây dựng một cơ chế quản lý mới trên cơ sở đề cao tính tự giác của học sinh, thật sự giúp học sinh tự quản, dứt khoát loại bỏ hẳn cơ chế giao cho lớp trưởng có quyền lực trong lớp học như lâu nay.

PHAN HOÀNG MẠNH (giáo viên nghỉ hưu) 

Cần đổi mới cơ chế quản lý giáo dục

Nhìn vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, ta thấy các môn khoa học xã hội - nhân văn nhằm tạo dựng nền tảng văn hóa - đạo đức cho con người được giảng dạy còn kém hiệu quả với nhiều bất cập; trong đó môn đạo đức - giáo dục công dân lại thiếu giá trị ứng dụng thiết thực để giúp học sinh các kỹ năng ứng xử văn minh.

Vì vậy, đa số điều hay lẽ phải được nêu lên trong nhà trường chỉ là những “vỏ kiến thức rỗng” cho học sinh học thuộc lòng, trả bài rồi quên ngay, chẳng còn bao nhiêu tri thức đọng lại trong tâm khảm để các em biến thành hành động của những người có học.

Để rồi nhiều học sinh đã xúm nhau đánh tàn bạo một bạn gái nhỏ bé vô phương chống đỡ, đông đảo học sinh khác đứng xem mà không em nào giúp nạn nhân cũng không báo cho những người có trách nhiệm để kịp thời can thiệp. Chính nạn nhân cũng không dám hé lộ ngay cả với gia đình về tai nạn mà mình đành cam chịu.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý, điều hành giáo dục hiện nay rất cồng kềnh mà kém hiệu quả, lại bị “bệnh thành tích” che khuất những vấn đề cần giải quyết.

Không có gì phải ngạc nhiên khi Trường THCS Lý Tự Trọng có cả một bộ máy đồ sộ để theo dõi và giáo dục học sinh, bao gồm tổ chức Đoàn - Đội, các giám thị, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên bảo vệ...

Vậy mà vụ hành hung xảy ra ngay trong lớp học giữa giờ ra chơi của một buổi học lại không một ai thuộc bộ máy này hay biết, để rồi hai tháng sau thầy hiệu trưởng mới “truy cập” được nó từ một clip phát trên Internet! Phía sau sự im lặng này là gì nếu không phải là “bệnh thành tích” nhằm “tốt khoe - xấu che” với cấp trên?

Để ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới xóa bỏ bạo lực khỏi cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần áp dụng nhiều giải pháp trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, giải pháp then chốt quan trọng nhất nằm trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, trong đó đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và cơ chế quản lý điều hành giáo dục là quan trọng nhất.

Sự thành bại của công cuộc đổi mới này sẽ quyết định việc phục hồi những nền tảng đạo đức xã hội, bao gồm việc xóa bỏ cách ứng xử hung hãn bằng bạo lực.

LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)

Bị nhiễm thói quan quyền?

Nhiều phân tích tìm nguyên nhân vụ một nữ sinh ở Trà Vinh bị nhóm bạn đánh hội đồng... như thói bạo lực bùng phát, học sinh không được giáo dục tiếp thu đầy đủ về lòng nhân ái, chưa được giáo dục chấp nhận sự khác biệt để cùng tồn tại...

Tất cả đều đúng nhưng chưa đủ! Cần phải đặt câu hỏi: thói quan quyền, thiếu dân chủ, luôn giải quyết sự khác biệt với mình bằng cách triệt hạ của người lớn đang tiêm nhiễm vào giới trẻ?

Hằng ngày đập vào mắt vào tai các em hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận người lớn có chức có quyền mà có khi cha mẹ các em, hàng xóm các em là nạn nhân.

Những thói hư tật xấu đó ngày ngày đã tiêm nhiễm vào xã hội, nhất là học trò đang ngồi trên ghế nhà trường. Các em chưa đủ lý trí để phê phán các hành vi sai trái này mà lại noi theo khi có điều kiện, như em lớp trưởng V..

Tại các trường học hiện nay, giáo viên chủ nhiệm đang gánh quá nhiều việc, từ những hoạt động phong trào đến công tác chuyên môn nên dễ có tình trạng nhiều giáo viên khoán trắng cho lớp trưởng, để lớp trưởng làm thay mình nhiều việc.

Lớp trưởng được giao quá nhiều quyền hành, thậm chí còn được quyết thay giáo viên chủ nhiệm nhiều việc. Sự cưng chiều, tin tưởng, dễ dãi của giáo viên dễ tạo tâm lý cho học sinh làm lớp trưởng nghĩ mình có nhiều quyền lực, chỉ huy và ngạo mạn với các bạn trong lớp; ai không nghe lời, làm trái ý là được quyền phạt mà quên mất rằng tất cả học sinh trong trường đều được quyền bình đẳng như nhau.

Một khi còn phân biệt quyền hành trong lớp học, thiếu sự quan tâm của giáo viên cùng với việc kỹ năng sống của học sinh đang thiếu thì sự ngạo mạn, thói “quan quyền” trừng trị những học sinh không nghe mình, không phục vụ mình như em lớp trưởng V. sẽ còn dài dài...

 

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên