Các ngành, lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ mới được hưởng ưu đãi - Ảnh: T.L.
Nghị quyết số 50-NQ/TW vừa được ban hành tháng 8-2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghị quyết 50 đặt ra mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đổi mới nhận thức tư duy
Đồng thời khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.
Do đó, để đạt được mục tiêu, cơ quan quản lý đầu tư đưa ra dự thảo 8 nhiệm vụ yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành, địa phương liên quan cụ thể hóa và tổ chức triển khai.
Trước hết là đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động về đầu tư nước ngoài.
Tăng cường ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài. Trong đó Bộ Tư pháp cần rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đầu tư, doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai, bảo vệ môi trường, công nghệ…
Bộ Kế hoạch và đầu tư có nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư, khái niệm về các hoạt động đầu tư, về danh mục địa bàn, lĩnh vực, đối tượng được áp dụng ưu đãi đầu tư phù hợp pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo kết quả đầu ra như mức độ tham gia chuỗi giá trị, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, trách nhiệm xã hội...
Chỉ ưu đãi khi có điều kiện, tránh các vụ kiện
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành: danh mục những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ, cần khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường.
Các chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư cũng cần được hoàn thiện trên cơ sở Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về lao động, việc làm và tiền lương, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.
Các bộ, ngành và địa phương cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo của các cơ quan xây dựng, ban hành thể chế chính sách. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, ủy quyền và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới; tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường, đối tác mới.
Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, không để phát sinh khiếu kiện, tranh chấp quốc tế xảy ra.
Việc đàm phán, thỏa thuận các cam kết bảo lãnh chính phủ (GGU), ký hợp đồng BOT, bao tiêu sản phẩm... phải thực hiện đúng quy định pháp luật.
Theo đó, các cơ quan liên quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện nghị quyết theo quy định. Đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận