14/02/2022 08:18 GMT+7

Tạo bộ mặt mới cho hai bờ sông Sài Gòn bằng cách nào?

TIẾN LONG - LÊ PHAN thực hiện
TIẾN LONG - LÊ PHAN thực hiện

TTO - Bến Bạch Đằng sau nhiều năm có chủ trương cải tạo đã được đưa vào sử dụng từ nguồn vốn xã hội hóa. Người dân TP.HCM có thêm không gian công cộng với sông nước "phơi" giữa lòng đô thị. Làm gì để sớm có thêm nhiều không gian tương tự?

Tạo bộ mặt mới cho hai bờ sông Sài Gòn bằng cách nào? - Ảnh 1.

Toàn cảnh công viên bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM sau khi được chỉnh trang - Ảnh: TỰ TRUNG

Một trong những người trăn trở cho việc tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn nhiều năm nay là kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ - phó chánh văn phòng Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM. Ông Thụ chia sẻ:

- Có lẽ giờ không cần phải nói nhiều đến giá trị lợi ích, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc quy hoạch, cải tạo chỉnh trang không gian công cộng dọc chiều dài bờ sông Sài Gòn, bởi nó được nói quá nhiều trong suốt mấy chục năm qua. 

Vấn đề quan trọng là chính sách và giải pháp nào để càng nhanh, càng sớm có thêm nhiều không gian công viên công cộng dọc bờ sông được cải tạo, chỉnh trang như bến Bạch Đằng.

Nếu không có chính sách, việc tạo nên được một khu công viên nào đó trên bờ sông chỉ là ăn may, chờ vào sự thiện nguyện của doanh nghiệp.

Kiến trúc sư HUỲNH XUÂN THỤ

Quyết tạo bộ mặt mới cho hai bờ sông Sài Gòn

* Suốt mấy chục năm qua TP.HCM nói nhiều đến việc chỉnh trang, kết nối các không gian công cộng dọc sông Sài Gòn. Có một số ý tưởng táo bạo của tư nhân đề xuất nhưng chưa thành. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu?

- Lãnh đạo nhiều thời kỳ nói đến việc chỉnh trang, cải tạo không gian dọc bờ sông Sài Gòn và đã có nhiều hội thảo cả quốc tế, trong nước cho thấy chính quyền, giới chuyên gia và người dân đã nhận thức quá rõ về ý nghĩa, giá trị, tầm quan trọng của dòng sông Sài Gòn và không gian dọc dòng sông này. 

Vấn đề TP có quyết tâm làm không. Có nhận thức, có đề án, có chủ trương nhưng để thành hiện thực phải có quyết tâm đưa ra chính sách và giải pháp cụ thể.

* Việc cải tạo, chỉnh trang và đưa vào hoạt động công viên Bạch Đằng có phải là một tín hiệu cho thấy sự quyết tâm của TP?

- Tôi và kiến trúc sư Lê Văn Năm (nguyên Kiến trúc sư trưởng TP) từng dành nhiều ngày đi xe máy và vẽ quy hoạch bằng tay đoạn cảnh quan dọc bờ sông từ bến Nhà Rồng đến cầu Sài Gòn dài 5km.

Chúng tôi lúc đó tạm đặt tên cho đoạn đường này là con đường di sản của TP.HCM. Đặt vậy bởi đây là không gian cảnh quan nằm ở vị trí quan trọng và là cảnh quan có ý nghĩa quan trọng nhất của khu trung tâm, gắn với dòng sông Sài Gòn, một di sản thiên nhiên đặc biệt của TP. 

Không gian cảnh quan này là di sản thiên nhiên, kiến trúc đô thị, lịch sử cách mạng... của TP.HCM, gắn liền với các di sản bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn, cột cờ Thủ Ngữ, quảng trường quanh tượng Trần Hưng Đạo...

Nhưng rồi suốt một thời gian dài việc cải tạo cảnh quan khu vực này giậm chân tại chỗ, mãi mới đây mới có đơn vị tư nhân tham gia để thành hình được một khu vực cảnh quan đẹp. 

Cùng với đề án "Phát triển kè sông và kinh tế, dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045" được UBND TP.HCM phê duyệt trước đó, việc chỉnh trang bến Bạch Đằng cho thấy sự quyết tâm mãnh liệt của lãnh đạo TP để tôn tạo, thay đổi bộ mặt cảnh quan dọc hai bên dòng sông di sản, đem lại cho người dân, du khách một không gian thơ mộng bên dòng sông lịch sử.

* Cũng có một số ý kiến cho rằng sau chỉnh trang, bến Bạch Đằng còn thiếu cây xanh và một số hạng mục, ý kiến ông như thế nào?

- Như tôi chia sẻ, bến Bạch Đằng là khu vực cảnh quan quan trọng bậc nhất bên sông Sài Gòn. Từ giá trị đó, giới chuyên gia và người dân sẽ có kỳ vọng cảnh quan công viên ở đây phải làm đẹp nhất, tốt nhất, ấn tượng nhất, hấp dẫn nhất và là biểu tượng dẫn dắt cho chuỗi cảnh quan dọc hai bờ sông sẽ hình thành theo sau đó.

Bến Bạch Đằng sau chỉnh trang tương đối đẹp, cùng với quảng trường quanh tượng Đức thánh Trần đang được cải tạo, chỉnh trang sẽ tạo nên không gian đô thị đẹp, ấn tượng cho khu vực này. Tuy nhiên thiết kế cảnh quan chưa hoàn hảo, thiếu không gian dịch vụ cho người dân. 

Đặc biệt thiếu phương án giao thông kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ nên người dân muốn đi qua khu bờ sông còn khó khăn.

Tạo bộ mặt mới cho hai bờ sông Sài Gòn bằng cách nào? - Ảnh 3.

Toàn cảnh công viên bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM sau khi được chỉnh trang từ nguồn vốn xã hội hóa - Ảnh: TỰ TRUNG

Đưa chính sách để tư nhân làm

* Những hạn chế ông nêu trên của bến Bạch Đằng cho thấy vấn đề gì trong chủ trương cải tạo, chỉnh trang khu vực này, cũng như cảnh quan dọc hai bờ sông Sài Gòn?

- Một đơn vị tư nhân bỏ ra 26 tỉ đồng để cải tạo, chỉnh trang cảnh quan bến Bạch Đằng cần được khuyến khích và đây chính là chủ trương xã hội hóa. Vấn đề đặt ra sẽ có bao nhiêu đơn vị tư nhân chủ động tham gia vào công việc này. 

Lãnh đạo TP đã có tầm nhìn, quyết tâm rất mạnh, vậy tới đây nên có chính sách xã hội hóa để tất cả các doanh nghiệp quan tâm đều chủ động tham gia vào việc cải tạo, chỉnh trang không gian công cộng dọc hai bờ sông. 

Chính việc này sẽ tạo ra phong trào, một cuộc đồng khởi để phát triển về không gian công cộng nói chung và không gian dọc các bờ sông, bờ rạch nói riêng. Còn nếu không có chính sách, việc tạo nên được một khu công viên nào đó trên bờ sông chỉ là ăn may, chờ vào sự thiện nguyện của doanh nghiệp.

* Chính sách, giải pháp xã hội hóa mà ông đề cập là gì?

- Mấu chốt cuối cùng cần tháo gỡ vẫn là vấn đề tài chính. Nhận thức có rồi, quyết tâm có rồi, vậy làm sao để huy động nguồn tài chính để làm. Phải nhìn nhận thẳng, dù có chủ trương, quyết tâm nhưng ngân sách TP vô cùng khó khăn, phải ưu tiên để đầu tư các công trình trọng điểm hơn một công trình hay được gọi là "ăn chơi nhảy múa", không cấp bách. Vậy chỉ còn cách đưa ra cơ chế, chính sách xã hội hóa bền vững. 

Chính sách ở đây là về kỹ thuật, tài chính, cơ chế tổ chức, khai thác, vận hành các không gian công cộng. Cơ chế, chính sách đó thấy rõ được giá trị, lợi ích thì doanh nghiệp sẽ nhảy vào.

Tức là tiếp tục thiết kế những đoạn cảnh quan dọc bờ sông còn lại, lập phương án xã hội hóa thông qua việc quy hoạch không gian đó phải có công trình dịch vụ trong các không gian công cộng để đấu giá tạo nguồn tài chính thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang. 

Làm vậy sẽ tạo được động lực mới, doanh nghiệp chủ động đề xuất ý tưởng chỉnh trang, khai thác, vận hành không gian sau tôn tạo, chính quyền lắng nghe, quyết định. 

Lấy ví dụ, trên bến Bạch Đằng nếu có quy hoạch dành 10 - 15% bề mặt không gian công cộng để xây các công trình dịch vụ cho doanh nghiệp được vận hành, khai thác, khi đó chắc chắn sẽ hấp dẫn doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Lâu nay, ngoài một vài dự án chỉnh trang lớn được thực hiện, chỉ một số khu vực do tư nhân phát triển dự án bất động sản thì không gian bờ sông ở đó mới được tôn tạo, chỉnh trang. Còn những khúc sông khác đang bị bỏ quên, chưa khai thác được giá trị. Nhà nước chỉ cần tạo ra những cơ chế, chính sách để tư nhân người ta làm, phát huy sáng tạo của toàn xã hội.

Tạo điểm đến mới, tươi vui cho TP

Là một trong những đơn vị đồng hành, hỗ trợ TP trong việc cải tạo một phần bến Bạch Đằng và công trường Mê Linh, ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án buýt đường sông), chia sẻ đây là may mắn của đơn vị.

Ông Toản cho biết với mong muốn tạo một cú hích tinh thần, cụ thể bằng một thay đổi cảnh quan, tạo điểm đến mới, tươi vui cho TP sau thời gian dài dịch bệnh nên đơn vị đã ngỏ ý được cải tạo các công trình trên. Đối với khu vực bến Bạch Đằng, thiết kế mới mà TP cùng các đơn vị sở ngành muốn gửi gắm vào là tạo ra sinh khí mới qua việc cải tạo cảnh quan mới, tạo tầm nhìn thoáng đãng.

"Chúng tôi lại là đơn vị hoạt động ngay tại vị trí này, gắn bó với địa điểm này và càng trân trọng hơn giá trị văn hóa lịch sử "trên bến dưới thuyền" của TP. Tôi thấy việc được đồng sức đồng lòng với TP là duyên may của chúng tôi", ông Toản nói.

CONGVIEN BACHDANG 51 1(Read-Only)

Người dân tham quan, thư giãn tại công viên bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Còn với công trường Mê Linh là một công trình lịch sử. Ông Toản cho biết chính ông túc trực trong quá trình trùng tu, tu bổ tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo và cải tạo, chỉnh trang thay mới toàn bộ công trường này. Trước Tết các đơn vị đã hoàn thành tu bổ tượng Đức thánh Trần, còn khu vực công trường Mê Linh dự kiến hoàn thành dịp 30-4 sắp tới.

Trước đó, việc cải tạo bến Bạch Đằng và công trường Mê Linh, quận 1 được lãnh đạo TP.HCM phê duyệt. Nguồn vốn thực hiện bằng vốn xã hội hóa.

TP.HCM nỗ lực thay đổi bộ mặt kênh rạch

Trong nhiều năm qua, liên tục nhiều dự án cải tạo, khơi thông kênh rạch đã được lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo thực hiện. Nhiều dự án đang được tiếp tục thành hình và thực hiện.

Những kênh rạch ô nhiễm, bờ sông xuống cấp dần thay đổi qua thời gian giúp cải thiện đời sống người dân. Quan trọng hơn cả là môi trường, mảng xanh dọc kênh rạch TP dần được thay đổi, tái hiện hình ảnh "trên bến dưới thuyền" của lịch sử phát triển TP.

Tạo bộ mặt mới cho hai bờ sông Sài Gòn bằng cách nào? - Ảnh 6.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua quận Phú Nhuận và quận 1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiếp tục cải tạo kênh rạch

Một dự án cải tạo kênh rạch thành công nhất của TP có thể kể đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Kênh dài gần 10km, đổ ra sông Sài Gòn. Trước đây, con kênh ô nhiễm nặng, bên bờ nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm. Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỉ đồng cộng với dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa, tạo cảnh quan trên tuyến kênh trở thành hai tuyến đường đẹp. Sau khi kênh được cải tạo, việc kinh doanh buôn bán thuận lợi hơn, đời sống người dân thay đổi. Dọc kênh còn thiết kế khu vực mảng xanh công viên.

Dưới kênh còn được khai thác để làm dịch vụ du lịch đường thủy. Gần đây sau nhiều năm được cải tạo, kênh lại bị bồi lắng ô nhiễm. Để tránh tình trạng ô nhiễm nặng, TP đã nhanh chóng thực hiện dự án nạo vét con kênh này từ đường Út Tịch, quận Tân Bình đến ngã ba sông Sài Gòn, quận Bình Thạnh với tổng kinh phí khoảng 36,5 tỉ đồng. Kênh sẽ được nạo vét sâu khoảng 1m, bề rộng 25 - 42m.

Một dự án cải tạo kênh rạch để lại điểm nhấn là cải tạo dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Người dân sống dọc khu vực hai bờ kênh này còn nhớ như in hình ảnh dòng nước đen kịt, rác thải lềnh bềnh, ken đặc khiến dòng chảy bị thu hẹp, nước bốc mùi hôi thối. Sau khi cải tạo kiên cố hóa đường ven kênh khu vực quận 6, làm cống hộp, thảm nhựa khu vực quận 11, Tân Phú, TP đã giải quyết được bộ mặt cảnh quan của con kênh này, giảm thiểu ngập nước, ô nhiễm cho khu vực.

Tại quận Tân Phú cũng đã cải tạo, làm đường trên kênh Tô Hiệu, một con kênh nổi tiếng ô nhiễm tại quận này. 10 con kênh bị ô nhiễm ở quận Bình Tân được khôi phục cải tạo trong năm 2020, nhiều tuyến kênh rạch tại quận 12 cũng đã được nạo vét, kiên cố hóa.

Nhiều dự án mới

Hiện nay TP đang chuẩn bị đầu tư cải tạo hai dự án lớn là Rạch Xuyên Tâm và kênh Tham Lương - Bến Cát để giải quyết ô nhiễm, cải thiện cảnh quan và tăng khả năng tiêu thoát nước. Dự án Rạch Xuyên Tâm gồm các hạng mục xây dựng gồm: cải tạo, kè bảo vệ bờ, xây dựng tuyến đường giao thông từ 4 - 6 làn đường ở hai bên rạch và trên cống bêtông, xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của TP và đáp ứng nhu cầu thoát nước với phạm vi lưu vực 703ha.

Còn dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được bố trí 1.000 tỉ đồng vốn ban đầu trong năm nay. Dự án này sẽ có các bến thuyền giúp tăng cường kết nối đường thủy của TP.HCM với các tỉnh lân cận.

Phía Sở Tài nguyên và môi trường TP cho biết trong lúc đợi hai dự án lớn này thực hiện, phía sở sẽ triển khai công tác tuyên truyền để vận động người dân nâng cao ý thức tham gia bảo vệ môi trường, không thực hiện các hành vi xây dựng lấn chiếm, xả rác, lấp bít hệ thống thoát nước, kênh rạch. Đồng thời kịp thời xử lý và có biện pháp chế tài đối với những trường hợp cố tình vi phạm. (T.LONG - L.PHAN)

Thêm điểm nhấn để bến Bạch Đằng "lung linh"

Nhiều ý kiến đề nghị hoàn thiện hơn, có thể tạo điểm nhấn cho bến Bạch Đằng bằng một biểu tượng nào đó của TP.HCM.

Mới đây nhất, dự án cải tạo bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM đã hoàn thành đưa vào khai thác. Dự án với thiết kế hiện đại, khai thác tối đa tầm nhìn bên sông bên phố của một trong những khu vực "đắt giá" nhất TP. Một cảnh quan liền mạch kéo dài từ cột cờ Thủ Ngữ đến khu vực trưng bày súng thần công cũ dọc đường Tôn Đức Thắng trở thành điểm đến mới lạ. Những góc ảnh mới khiến người xem ngỡ ngàng như không gian các nước châu Âu.

Tạo bộ mặt mới cho hai bờ sông Sài Gòn bằng cách nào? - Ảnh 7.

Cảnh quan liền mạch kéo dài từ cột cờ Thủ Ngữ đến khu vực trưng bày súng thần công cũ dọc đường Tôn Đức Thắng lung linh ánh đèn về đêm - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhìn từ trên cao xuống, những thảm xanh được thiết kế cách điệu hình cánh hoa sen, hệ thống cây xanh cũ được dọn dẹp tạo tầm nhìn thoáng đãng. Đường đi được lót đá mới, trụ đèn được lắp nhiều hơn. Ghế đá thay mới bằng các bục đá ngồi, tạo không gian đơn giản, hiện đại.

Chia sẻ về địa điểm này, ông Nguyễn Thanh Nhã - giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM (đơn vị lên ý tưởng) - cho biết đây không phải đơn thuần là công viên mà là thiết kế cảnh quan bến sông. Thiết kế mới của địa điểm này tạo hình mềm mại ôm theo bờ sông. Cảnh quan có một chút cách điệu cánh hoa sen, có thể xem là quốc hoa của nước ta. Hoa sen gần gũi với Bác Hồ, cách bến Bạch Đằng không xa là bến Nhà Rồng - địa điểm lịch sử gắn liền với Bác.

"Thiết kế bến Bạch Đằng như các không gian công cộng gần bờ sông khác, không nhiều cây cao lớn, tán rộng lấy bóng mát như các công viên cây xanh. Ngoài ra, gần bờ sông mà trồng cây lớn, khi cây phát triển rễ sẽ trúng kè đá bên dưới, gây hư hỏng công trình", ông Nhã chia sẻ

"Rất đẹp và hiện đại!" là nhận định của nhiều người dân đối với khu vực này. Những để hoàn thiện hơn, nhiều người dân góp ý TP nên có thêm các cây xanh tán thấp để vừa không cản tầm nhìn vừa giúp khu vực mát mẻ hơn. Đặc biệt có những góp ý về việc tạo điểm nhấn cho bến Bạch Đằng bằng một biểu tượng nào đó của TP.

"Như Singapore có tượng Sư tử phun nước, tôi mong bến Bạch Đằng cũng sẽ có một biểu tượng đặc trưng, khi nhắc tới mọi người sẽ nhớ ngay. Ngoài ra có thể làm đường bộ hành trên cao kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ với bến Bạch Đằng nữa thì quá tuyệt vời, vừa an toàn cho du khách vừa kết nối được hai không gian trên" - chị Quỳnh Anh, ngụ quận 1, góp ý. (T.LONG - L.PHAN)

Quy hoạch điểm gửi xe, giữ mặt nước sạch

Cũng có nhiều góp ý TP nên quy hoạch một số điểm gửi xe cho người dân đến khu vực trung tâm vui chơi. Sau khi bến Bạch Đằng được đưa vào hoạt động đã thu hút rất nhiều người dân tới chụp ảnh, dạo mát, ngắm cảnh nhưng kiếm "đỏ mắt" mới ra một điểm gửi xe. Thực trạng thiếu chỗ gửi xe nên người dân thường phải gửi xe ở các điểm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, các tuyến đường lân cận rồi mới đi bộ đến bến Bạch Đằng được. Thậm chí có nhiều người dân chạy xe lên vỉa hè để tạm làm không gian trở nên xấu xí, mất trật tự. Nếu diện tích công viên không đủ để thiết kế bãi giữ xe thì có thể bố trí ở các điểm gần đó, thuận lợi hơn cho người dân.

Ngoài ra, do mới thi công cải tạo xong nên số lượng thùng rác còn hạn chế. Người dân mong cơ quan chức năng bố trí thùng rác nhiều hơn để bảo vệ môi trường và cảnh quan sạch đẹp. Bên cạnh cải tạo không gian trên bờ thì người dân cũng có góp ý về việc đảm bảo mặt nước bên ngoài luôn sạch sẽ. Do đặc thù nước sông Sài Gòn chảy qua nhiều địa bàn nên thường kèm theo rác thải, lục bình. Việc trục vớt dọn dẹp nên thực hiện thường xuyên để cảnh quan đẹp cả trên bờ lẫn dưới nước. (LÊ PHAN)

Đến bến Bạch Đằng: Đón gió sông, ngắm cầu, ngắm phố Đến bến Bạch Đằng: Đón gió sông, ngắm cầu, ngắm phố

TTO - Bài viết "Cần thêm cây xanh cho công viên bến Bạch Đằng" (Tuổi Trẻ ngày 9-2) đã nhận được nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi trên Tuổi Trẻ Online về công viên ven sông mới, hiện đại, tầm nhìn đẹp này.

TIẾN LONG - LÊ PHAN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên