25/06/2020 08:58 GMT+7

Tăng tốc thực hiện quy hoạch hiện hữu

N.ẨN - L.PHAN - T.DUNG
N.ẨN - L.PHAN - T.DUNG

TTO - Trong đánh giá mới nhất, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước đánh giá sau gần 20 năm thực hiện những biện pháp chống ngập ở TP.HCM theo quy hoạch 752 (năm 2001), nhiều chỉ tiêu đạt được rất thấp nên TP vẫn còn ngập nước.

Tăng tốc thực hiện quy hoạch hiện hữu - Ảnh 1.

Nguồn: ThS Vũ Thi Hương và tiến sĩ Bảo Thạnh - Đồ họa: TUẤN ANH

Cụ thể về chỉ tiêu xây mới và cải tạo hệ thống thoát nước chỉ đạt được khoảng 2.764km/6.000km; 4/104 hồ điều tiết; nạo vét, cải tạo kênh rạch khoảng 88km/5.075km; 2/12 nhà máy xử lý nước thải…

Tương tự, việc thực hiện quy hoạch thủy lợi 1547 về chống ngập úng TP.HCM thực hiện từ năm 2008 đến nay đạt tỉ lệ rất thấp. Cụ thể như mới xây dựng được 1/10 cống kiểm soát triều, 64/129km đê bao bờ hữu, 0,4/20km đê bao bờ tả.

Để đạt từng chỉ tiêu của quy hoạch thoát nước nhằm chống ngập nước là rất khó khăn, vì mỗi dự án đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. 

Ví dụ, dự án "Vệ sinh môi trường TP" đã sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư 504 triệu USD, tương đương hơn 11.000 tỉ đồng; dự án BT (xây dựng, chuyển giao) "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM" có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. 

Mới đây, lãnh đạo TP.HCM đang làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để tài trợ cho dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD. 

Ngoài ra, TP đang kêu gọi các nhà đầu tư các dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2km, cải tạo trục tiêu thoát nước Thủ Đào, Ông Bé, Thầy Tiêu, cống Sông Kinh và tuyến nhánh kênh Tham Lương đến Chợ Đệm.

Không chỉ khó khăn về vốn đầu tư lớn, những dự án xây dựng hồ điều tiết chưa triển khai vì vướng mặt bằng. Một nhà đầu tư xây dựng hồ điều tiết thông minh đầu tiên (đã đưa vào sử dụng năm 2017) cho rằng việc xây dựng hồ điều tiết rất hiệu quả để giải quyết nhanh tình trạng ngập. Ưu điểm lớn nhất là thời gian thi công nhanh, nhưng hạn chế lớn nhất là rất khó tìm mặt bằng để xây dựng.

Trong báo cáo hiệu quả 5 năm chống ngập (giai đoạn 2016-2020), Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM cho rằng tiến độ thực hiện các dự án theo quy hoạch 752 năm 2001 và quyết định 1547 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn chậm, hạ tầng thoát nước của TP chưa kịp phát triển. 

Vấn đề lấn chiếm kênh rạch vẫn còn phổ biến gây cản trở dòng chảy, ý thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp còn thấp là những khó khăn TP còn gặp phải trong công tác chống ngập.

Vẫn tiếp tục các dự án đến 2025

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thực hiện quy hoạch 752 giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, TP sẽ xây dựng 7 hồ điều tiết, thực hiện 65 dự án xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - kênh Tàu Hủ - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 3, dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên...

Mục tiêu chính là kiên quyết không để phát sinh điểm ngập nước mới, tập trung giải quyết ngập bền vững cho khu vực trung tâm TP và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP.

TP.HCM quy hoạch thoát nước rộng gấp 3 lần TP.HCM quy hoạch thoát nước rộng gấp 3 lần

TTO - TP.HCM dự tính thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước ra 23 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ), nâng diện tích thoát nước từ 650km2 lên tới 2.095km2. Người dân thành phố có thể kỳ vọng gì vào bản quy hoạch này?

N.ẨN - L.PHAN - T.DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên