Học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM nghe hướng dẫn và thực hành làm bài thi môn toán theo dạng trắc nghiệm để chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2017 - Ảnh: H.HG. |
Nhiều giáo viên dạy các môn liên quan kỳ thi sắp tới cho biết với thời gian không còn nhiều như hiện nay, việc dạy học, ôn tập cuốn chiếu là thích hợp nhất vì dàn trải sẽ không có đủ thời gian ôn tập cho học sinh, chưa nói tới việc học sinh tự học.
TP.HCM: chạy nước rút
Theo thầy Đỗ Khánh Giang - giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, hiện tổ toán của trường đã thực hiện phương pháp vừa dạy vừa ôn cho học sinh để các em nắm vững kiến thức.
Sau khi dạy hết mỗi chương, giáo viên sẽ cho học sinh rèn luyện cách làm bài trắc nghiệm bằng bộ câu hỏi tổng hợp kiến thức cả chương.
“Nguyên tắc dạy học của tôi là dạy tất cả kiến thức và dạng toán cơ bản, không bỏ phần nào.
Vấn đề quan trọng của năm nay là học sinh phải thuần thục cách làm bài trắc nghiệm, nếu cứ giữ phương pháp làm bài tự luận bài bản theo từng bước thì chắc chắn không đủ thời gian giải quyết hết đề bài.
Do đó tôi cũng giảm bớt những bài tập hàn lâm, tăng cường bài tập theo dạng giải quyết nhanh để học sinh tập dượt suốt quá trình học tập” - thầy Giang cho biết.
Dự kiến sau khi học sinh thi học kỳ 2 xong, tổ toán sẽ có buổi sinh hoạt ngoại khóa để đúc kết, hướng dẫn học sinh lớp 12 về kỹ thuật làm bài trắc nghiệm nhanh và hiệu quả.
“Quan điểm của tôi là không “canh” đề và đoán nội dung đề, chỉ hướng dẫn học sinh kỹ năng và kỹ thuật làm bài sao cho nhuần nhuyễn, kiến thức thì các em đã thu nạp suốt năm học rồi” - thầy Giang nói.
Trong khi đó em Hồng Thanh, học sinh lớp 12 (huyện Bình Chánh), lại tỏ ra khá lo lắng: “Năm nay hầu như môn thi nào cũng có đổi mới, lớp chúng em được thầy cô hướng dẫn cặn kẽ trong từng tiết học về cách làm bài thi trắc nghiệm môn toán, sử, địa. Tuy nhiên điều em băn khoăn, lo ngại nhất lại là môn văn.
Cái khó nhất là Bộ GD-ĐT yêu cầu thí sinh viết một bài nghị luận xã hội trong 200 từ mà đầy đủ ý. Đối với em, thà viết dài còn dễ hơn viết ngắn mà súc tích, đủ ý.
Thế nên ngay từ đầu năm học em đã chú ý rèn luyện kỹ năng này, vì năm nay em thi khối C.
Em đã lên kế hoạch đi học luyện thi môn văn, ngay trong trường em cũng thường xuyên tập dượt bằng cách tự viết những bài nghị luận xã hội rồi nhờ cô giáo sửa bài”.
Hà Nội: thi sớm, tăng tốc ôn “cuốn chiếu”
Nhiều trường THPT tại Hà Nội cho biết có thể sẽ bố trí tăng tiết các môn thi vào khoảng cuối tháng 3, nhưng ngay từ bây giờ để học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đến sớm, nhiều trường đã phải điều chỉnh kế hoạch dạy học để dành thêm thời gian cho học sinh ôn tập.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết ngay sau khi kết thúc học kỳ 1, trường đã bố trí tăng 2-3 tiết/tuần đối với các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ cho học sinh lớp 12 vào các ca học thứ 2 trong ngày.
“Với 6 môn phải ôn tập như vậy mà thời gian không còn dài, nên hiện tại việc vừa học vừa ôn là giải pháp tốt nhất. Học đến đâu chúng tôi đưa ra nhóm câu hỏi liên quan tới đó luôn, giống như đề cương ôn tập cho học sinh. Ngoài ra sẽ cho học sinh làm các bài kiểm tra trắc nghiệm để luyện khả năng phán đoán, xác định nhanh kết quả |
Cô LƯƠNG THỊ HÀ (giáo viên dạy lịch sử tại Hải Phòng) |
Tuy nhiên, thầy Lâm cũng cho biết “sẽ phải cố gắng dạy đủ nội dung chương trình theo quy định, dự kiến tới cuối tháng 3.
Sau đó trường sẽ tổ chức cho học sinh ôn tập theo nguyện vọng. Theo đúng kế hoạch này thì học sinh sẽ có hai tháng ôn tập theo các lớp do trường tổ chức. Sau đó còn khoảng hai tuần để học sinh tự học, củng cố kiến thức và nghỉ ngơi trước khi bước vào kỳ thi.
Năm nay việc bố trí ôn tập thuận lợi hơn vì học sinh lựa chọn thi bài khoa học tự nhiên sẽ đăng ký học vật lý, hóa học, sinh học và các môn thi bắt buộc khác, học sinh đăng ký bài khoa học xã hội sẽ đăng ký học cả ba môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Các năm trước do các môn thi tự chọn đơn lẻ nên có những môn chỉ có rất ít học sinh đăng ký, khó có thể tổ chức lớp ôn tập”.
Cô Trần Thị Quyến, giáo viên dạy giáo dục công dân Trường THPT Kim Liên, cho biết: “Từ tháng 12, tôi đã cho học sinh ôn tập ngay sau các bài học mới. Theo đó, học bài nào học sinh sẽ được ôn tập ngay với các nhóm câu hỏi trắc nghiệm”.
Cô Quyến cho biết khi kết thúc chương trình thì học sinh sẽ có một bộ câu hỏi trắc nghiệm với phần trả lời đầy đủ, chỉ cần rà soát, ôn tập lại.
“Giáo dục công dân là môn học mới. Nếu dạy dàn trải đúng với phân phối chương trình thì học sinh sẽ có rất ít thời gian ôn tập cho kỳ thi. Tôi nghĩ ở các môn học khác của các trường công lập đều nên làm như vậy. Nhất là các môn học có trong nội dung bài thi tổ hợp, có phạm vi kiến thức phủ rộng”.
Rà soát phân loại trình độ thí sinh Ông Chử Xuân Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sở đã yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12, đặc biệt trong học kỳ 2. “Trước đây khi còn kỳ thi tốt nghiệp THPT riêng rẽ, kỳ thi ấn định vào đầu tháng 6. Để chuẩn bị kỳ thi này, các trường cũng phải bố trí dạy hết chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh. Vì thế nếu Bộ GD-ĐT ấn định thời gian thi THPT quốc gia vào giữa tháng 6 thì việc chuẩn bị cũng không ảnh hưởng. Các trường cần chủ động có phương án ôn tập cho học sinh theo hình thức vừa học vừa ôn tập, nhất là đối với các môn lần đầu tiên thi như giáo dục công dân, các môn lần đầu tiên thi trắc nghiệm” - ông Dũng nói. Liên quan tới việc ôn tập cho học sinh lớp 12, Sở GD-ĐT cũng có các văn bản đề nghị các nhà trường rà soát, phân loại trình độ học sinh và có thể tổ chức ôn tập theo điều kiện, nguyện vọng của học sinh. Trong đó chú trọng ôn tập, tổ chức tập dượt kiểm tra cả hình thức tự luận và trắc nghiệm theo hướng ra đề thi của Bộ GD-ĐT. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận