Bảng thông báo tỉ giá ngoại tệ và lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của một ngân hàng tại TP.HCM ngày 19-8 - Ảhh: Thuận Thắng |
Việc Ngân hàng (NH) Nhà nước tăng tỉ giá và biên độ trong ngày 19-8 mở ra hướng mới cho tỉ giá linh hoạt. Động thái này, theo các chuyên gia, có thể gây bất ngờ, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nhưng về lâu dài sẽ giúp tăng thế chủ động cho nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.
Phó giám đốc chi nhánh TP.HCM một NH quốc doanh cho biết dù dự đoán trước nhưng việc tăng tỉ giá thêm 1% và nới rộng biên độ biến động tỉ giá lên +- 3% trong sáng 19-8 khiến các NH có phần bất ngờ.
Tuy nhiên sau khi NH Nhà nước tăng tỉ giá, giao dịch vẫn bình thường, tất nhiên cũng có doanh nghiệp kỳ vọng giá cao hơn nên có tâm lý chờ đợi. Do là ngày đầu tiên điều chỉnh tỉ giá nên giá biến động rất mạnh, chênh lệch giữa giá mua - bán lên đến 120 đồng/USD trong khi thời điểm thông thường chỉ vài chục đồng/USD. Tuy nhiên nhìn chung thị trường vẫn ổn định.
Dữ liệu: A.H. - Nguồn: EX - Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Có linh hoạt mới chủ động đối phó
Việc điều chỉnh tỉ giá không liên quan lắm đến nhiều yếu tố. Hơn một năm qua, đồng yen của Nhật đã giảm giá khoảng 30%, đồng euro giảm tương tự. Đây là hai đối tác rất quan trọng với VN. Trong khi đó, VND cơ bản giữ giá với USD.
Điều này làm hàng xuất khẩu của VN sang các nước đó đắt hơn và giá nhập khẩu từ các nước đó giảm xuống. Việc giảm mạnh khách du lịch trong thời gian qua là hệ quả của những biến động nêu trên về tỉ giá. Đến lượt Trung Quốc phá giá đồng tiền, trước mắt là 4%. Thêm một bạn hàng lớn của VN giảm giá đồng tiền thì chúng ta không thể làm ngơ.
Vì vậy, VND nên được điều chỉnh theo hướng giảm để hóa giải những thay đổi đang diễn ra trên toàn cầu trong thời gian qua, TS Nguyễn Đức Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, bình luận.
Còn TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc điều chỉnh của NH Nhà nước giúp tỉ giá giao dịch thực tế giữa VND và USD bớt căng thẳng và phù hợp với diễn biến của thị trường ngoại hối. Đặc biệt, động thái này giúp củng cố sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của VN trong bối cảnh nhiều đối tác và đối thủ thương mại của nước ta đã, đang và sẽ sử dụng tỉ giá như một công cụ cạnh tranh xuất khẩu chủ yếu.
“Chính sách tỉ giá hối đoái chịu tác động của thị trường cả trong nước và nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý cũng có thể can thiệp vào thị trường, chỉ có điều công cụ can thiệp là hành chính hay kinh tế” - ông Ánh nói.
Trong khi đó PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, nói trước sức ép liên tục của NDT dẫn đến các nước trên thế giới điều hành theo hướng phá giá đồng tiền nước mình. “Để tránh bất lợi cho cạnh tranh hàng hóa trên thị trường quốc tế thì không còn phương án nào khác” - ông Ngân nói.
Tăng tỉ giá bình quân liên NH không có nghĩa lúc nào tỉ giá cũng tăng hết biên độ. Trong bối cảnh áp lực cầu lớn hơn cung thì thông thường sẽ sử dụng hết biên độ, ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tích.
Ví dụ hiện nay biên độ là 3% chắc chắn thị trường sẽ giao dịch ở phần cộng 3%, còn tỉ giá bình quân liên NH mang tính định hướng nên khi NH Nhà nước mở rộng biên độ cũng tiên liệu trong điều kiện nào đó cung lớn hơn cầu, chẳng hạn như việc các dòng vốn từ các quốc gia khác chuyển hướng sang VN thì với áp lực cung lớn hơn cầu, tỉ giá cũng có thể đi xuống. Việc để cho biên độ mở rộng tạo cho NH Nhà nước điều kiện để điều chỉnh tỉ giá một cách linh hoạt hơn, có lên có xuống trong biên giao dịch rộng.
Đón đầu khả năng Mỹ tăng lãi suất
Lúc này đồng NDT không còn tác động nhiều đến việc chúng ta xem xét tỉ giá giữa VND với USD nữa, ông Trương Văn Phước nói thêm, do vậy việc điều chỉnh là nhằm hướng tới ổn định lâu dài. Mặt khác cũng tiên liệu rằng khoảng giữa tháng 9 này Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ họp, nội dung chính của cuộc họp là xem xét đã đạt được những yêu cầu để tăng lãi suất USD hay chưa. Nếu Mỹ tăng lãi suất thì USD sẽ tăng giá và các đồng tiền khác sẽ mất giá. Do vậy việc điều chỉnh là để đón đầu sự biến động của tỉ giá trong tương lai nếu như FED tăng lãi suất.
“Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, cán cân thanh toán thặng dư, kiều hối về nhiều, nhìn chung vĩ mô cải thiện tốt, VN hiện nay không thể nào tách rời khỏi biến động của thế giới, những tác động về tỉ giá, lãi suất các quốc gia đến VN là điều không thể tránh khỏi, do vậy luôn luôn phải linh hoạt, chủ động” - ông Phước nói.
Tình hình hiện nay không nên để tỉ giá vận hành một chiều mà theo cách có lên có xuống hằng ngày, như vậy sẽ giảm bớt việc dự đoán chính sách, TS Vũ Đình Ánh đề nghị. Mặt khác, thị trường sẽ khó có thể cảm nhận được biến động đó và mức phá giá trong ngày sẽ không nhiều khi chúng ta điều hành linh hoạt.
Trường hợp cần thiết buộc cơ quan quản lý phải can thiệp vào thị trường bằng công cụ kinh tế như bán ngoại tệ ra chẳng hạn thì NH Nhà nước cũng không cần đến một lượng ngoại tệ lớn. Còn điều hành như hiện nay, thị trường luôn thấp thỏm là tỉ giá hoặc biên độ lại sắp nới.
Nhưng muốn thay đổi phải có điều kiện. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng đây chính là cơ hội vì dự trữ ngoại tệ mạnh, lạm phát mục tiêu thấp NH Nhà nước mới dám để tỉ giá linh hoạt.
Ông Ngân cũng lưu ý tỉ giá còn phục vụ nhiều mục tiêu chứ không phải mục tiêu duy nhất hỗ trợ xuất khẩu mà còn phải giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là trường hợp bất khả kháng buộc NH Nhà nước phải chấp nhận hạ thấp uy tín để phá cam kết vì lợi ích chung.
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước): Để chủ động dẫn dắt thị trường
Quyết định tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và tiếp tục nới rộng biên độ tỉ giá giữa VND và USD là nhằm chủ động điều hành và dẫn dắt thị trường. Để chủ động ứng phó bước đầu với việc đồng NDT được điều chỉnh giảm giá mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ qua, ngày 12-8 Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá từ mức +/-1% lên +/-2%. Tuy nhiên, tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng NDT, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm điều chỉnh tăng lãi suất. Nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi trong trường hợp FED tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng thêm 1% đối với tỉ giá bình quân liên ngân hàng và tiếp tục nới rộng biên độ tỉ giá giữa VND và USD thêm 1%, từ +/-2% lên +/-3%. Với việc tăng 1% tỉ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỉ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Với quyết tâm bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp, công cụ cần thiết và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỉ giá và thị trường trong biên độ đề ra. TS Nguyễn Đức Thành (viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách): Không có cơ sở tăng tỉ giá sẽ tăng nợ công
Ý kiến cho rằng tăng tỉ giá sẽ tăng thêm nợ công, không có nhiều cơ sở để đứng vững. Thứ nhất, các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam không phải chỉ bằng USD, mà một phần khá lớn bằng yen Nhật và euro. Thời gian qua, hai đồng tiền này đã giảm giá rất mạnh. Do vậy, nếu chúng ta tăng tỉ giá thì chỉ khoản nợ bằng USD mới tăng lên khi quy đổi ra VND. Thứ hai, nếu điều chỉnh tỉ giá giúp nền kinh tế phát triển hơn, xuất khẩu tốt hơn thì khả năng trả nợ cũng tăng lên. Nếu cứ kềm tỉ giá thì xuất khẩu sẽ khó, doanh nghiệp trong nước ngày càng bị lấn át bởi doanh nghiệp nước ngoài thì khả năng trả nợ sẽ giảm. Cần nhìn sự việc trong bối cảnh động như vậy. Ông Hồ Đức Lam (chủ tịch HĐQT Công ty CP nhựa Rạng Đông): Điều chỉnh là cần thiết Với lô nguyên liệu nhựa trị giá khoảng 5 triệu USD chuẩn bị cập cảng phục vụ sản xuất trong nước, tôi tính sơ doanh nghiệp sẽ bị “bốc hơi” thêm 500.000 USD theo mức tỉ giá vừa điều chỉnh, nói thẳng ra là chưa sản xuất gì mà đã lỗ ngần ấy tiền. Xét về bình diện doanh nghiệp thì chẳng doanh nghiệp nào muốn Nhà nước điều chỉnh tỉ giá cả. Nhưng nếu đứng trên góc độ tổng thể, tôi nghĩ rằng doanh nghiệp cũng đang chia sẻ và cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết, hợp lý. Vì vậy, ngay khi thấy đồng NDT bị phá giá, chúng tôi đã lập tức trả ngay các khoản vay bằng đồng USD cho dự án vừa đầu tư để giảm thiểu thiệt hại. Với những đơn hàng đã ký, chúng tôi chấp nhận chịu lỗ. Nhưng với các hợp đồng đang thương thảo và chuẩn bị ký mới, chúng tôi buộc phải điều chỉnh tăng giá theo mức tăng của tỉ giá vừa điều chỉnh. Việc này là chẳng đặng đừng nhưng chúng tôi bị buộc phải làm thế vì 80% nguồn nguyên liệu sản xuất hiện nay đều phải nhập khẩu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận