Không như thuế tài sản hoặc tăng thuế giá trị gia tăng do Bộ Tài chính "xướng lên" để nghe ngóng, việc tăng thuế môi trường đã được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Nhà nước có thêm khoản thu 14.300 tỉ đồng/năm hay hộ gia đình phải chi thêm - cao nhất 130.000 đồng/tháng. Có lẽ đây chỉ là khởi đầu của những khoản thuế mà người dân phải chi thêm khi Chính phủ cơ cấu lại nguồn thu ngân sách quốc gia.
Gọi là thuế môi trường, đánh trên xăng dầu, than, túi nilông…, những thứ gây ô nhiễm, Nhà nước đánh thuế để giá đắt đỏ hơn làm chùn tay người tiêu dùng, qua đó bảo vệ môi trường.
Nhưng thực ra, trừ túi nilông có thể thay bằng sản phẩm tái tạo với giá khá cao, còn lại nếu có đánh thuế hơn nữa, mọi người vẫn phải xài, như xăng, dầu, điện. Xe điện, điện mặt trời… chưa phổ biến, không tiện dụng.
Do vậy, thực ra thuế môi trường là khoản thu như thuế giá trị gia tăng - nguồn thu ổn định nhất cho ngân sách nhà nước.
Phải xài, phải tiêu dùng - không thể không tiêu dùng - là Nhà nước có khoản thu. Và Nhà nước đang cần nhiều hơn những khoản thu dạng này để thay các nguồn thu giảm mạnh do cắt giảm thuế khi hội nhập.
Nhìn lại, cho đến nay, tiềm năng của các nguồn thu ổn định như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân… là không còn. Muốn tăng thu từ loại thuế này, phải sửa luật và đụng chạm đến mọi người dân.
Với thuế môi trường, dù cũng đụng đến túi tiền của dân nhưng mức tăng không quá gắt, cũng ít nhạy cảm hơn so với tăng thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế giá trị gia tăng. Và quan trọng nhất là có lý do để tăng thuế: bảo vệ môi trường.
Nhưng dù có tăng thuế bảo vệ môi trường, nguồn thu tăng thêm khoảng 14.300 tỉ đồng/năm, chẳng bõ gì so với yêu cầu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách quốc gia.
Có cách nào khác để tạo nguồn thu ổn định mà không tăng thuế?
Trớ trêu là phần lớn vẫn dựa vào tăng thuế hoặc áp loại thuế mới như thuế tài sản. Do vậy, lộ trình tăng thêm thuế môi trường - như có đề xuất là nới khung lên tối đa 8.000 đồng/lít xăng, tăng thuế giá trị gia tăng, ban hành thuế tài sản…, với nhà làm chính sách, vẫn chỉ ở vạch xuất phát.
Nhưng người nộp thuế cũng có quyền đòi hỏi, đó là mọi thay đổi, điều chỉnh không được gây xáo trộn, tác động xấu đến cuộc sống người dân. Muốn vậy phải định ra lộ trình phù hợp, tránh nóng vội, không áp đặt.
Phản ứng của người dân trước các quyết định tăng thuế sẽ phụ thuộc nhiều vào nghệ thuật điều hành của nhà làm chính sách.
Tăng thuế dồn dập, không đúng đối tượng (như đánh thuế nhà có giá trị trên 700 triệu đồng thay vì đánh thuế người có nhiều nhà), tăng không đúng thời điểm… đều có thể khiến đời sống người dân thêm khó khăn.
Bộ Tài chính đang rà soát các nguồn thu - gọi là mở rộng cơ sở thuế (như áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, đánh thuế hoạt động kinh doanh qua mạng…) và đã có lúc định sửa, bổ sung 6 luật thuế.
Điều này cho thấy cuộc chạy tìm nguồn thu cho ngân sách nhà nước đang tăng tốc. Vì vậy, rất cần "van điều tiết" của Quốc hội - nơi thông qua các luật thuế - để thuế không phải trở thành gánh nặng cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận