16/05/2023 10:55 GMT+7

Tăng học phí: Không để giảm cơ hội vào đại học

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với Bộ GD-ĐT và các bộ ngành liên quan về vấn đề học phí và SGK cho năm học mới.

Học sinh trong một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học sinh trong một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Với vấn đề học phí, Phó thủ tướng giao Bộ GD-ĐT tập trung triển khai thực hiện nghị quyết số 74 của Chính phủ.

Chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung nghị định số 81 ngày 27-8-2021 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn giảm học phí.

Phù hợp khả năng chi trả của người dân

Việc sửa đổi nghị định sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, nên Bộ GD-ĐT phải trình Chính phủ trước ngày 30-5 để địa phương và các cơ sở giáo dục, đào tạo có căn cứ quyết định thời điểm, mức thu học phí năm học 2023 - 2024.

Về sửa nghị định, Phó thủ tướng lưu ý bộ cần phải đánh giá một cách căn cơ, tổng thể, toàn diện để đề xuất chính sách, lộ trình thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Đồng thời có các cơ chế hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, yếu thế, địa bàn khó khăn để đảm bảo thực hiện chủ trương nhân văn, ưu việt của Đảng, Nhà nước trong phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS.

Tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, tự chủ đối với những cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở địa bàn có điều kiện thuận lợi.

Thực hiện cấp bù cho phần học phí tăng thêm của mầm non, giáo dục phổ thông công lập đối với các nhóm đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập cho đội ngũ giáo viên tại các khu vực này.

Đối với học phí giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, cần nghiên cứu lộ trình thích hợp. Trong đó sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp.

Văn bản cũng nhấn mạnh yêu cầu của Phó thủ tướng cần triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn, giảm học phí), bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu.

Triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho sinh viên; cơ chế đặt hàng nhân lực của các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp... để không làm giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao, đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế...

Tăng theo lộ trình, không đột biến

Ông Tô Văn Hòa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội - cho hay trường đã xây dựng lộ trình tăng học phí và bắt đầu áp dụng từ năm học 2022 - 2023, tăng 1,6 - 2 lần so với học phí năm học 2021 - 2022.

Tuy nhiên, do Chính phủ có nghị quyết 165 yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học giữ nguyên mức học phí như năm 2021 - 2022 để hỗ trợ sinh viên vì ảnh hưởng của COVID-19 nên việc tăng học phí đã dừng lại.

Ông Hòa cho biết thêm năm 2023 - 2024 nhà trường sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình theo quy định của Chính phủ về các mức tăng học phí đối với các đơn vị giáo dục tự chủ theo mức tự chủ chi thường xuyên, học phí tăng không vượt quá hai lần so với mức trần năm học 2022 - 2023.

Trước lo ngại của nhiều sinh viên về cơ hội học tập khi học phí tăng, ông Hòa cho biết để học sinh vùng sâu vùng xa có cơ hội học tập, nhà trường có chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên theo quy định của Nhà nước, học bổng, ký túc xá cho các sinh viên thuộc diện chính sách, ưu tiên...

Ông Bùi Anh Tuấn - hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương - cho biết nhà trường sẽ tăng học phí theo lộ trình, không đột biến.

Bên cạnh đó cũng có chính sách hỗ trợ cho sinh viên khó khăn, diện đối tượng chính sách. Nhà trường phối hợp với nhiều tổ chức, doanh nghiệp có quỹ học bổng cho sinh viên vay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Cúc Phương - phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội - cho hay đối với các chương trình đại trà, so với năm học 2022 - 2023, trong năm học 2023 - 2024, học phí tăng trung bình từ 5-8%/tín chỉ.

Ông Nguyễn Hữu Tú - hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội - cũng xác nhận năm học 2023 - 2024 trường sẽ tăng học phí theo nghị định 81.

Phải nghĩ đến học sinh vùng sâu, vùng xa

Thông tin tăng học phí trên Tuổi Trẻ Online ngày 15-5 thu hút nhiều bạn đọc tham gia ý kiến:

- Nhiều vùng nông nghiệp, nông thôn cuộc sống người dân vẫn còn chật vật.

Họ trông chờ vào từng vụ lúa, từng vụ trái cây nhưng điệp khúc "được giá mất mùa"; "chặt trồng - trồng chặt" liên hồi. Tăng học phí hãy nghĩ đến các em học sinh vùng sâu, vùng xa. (Một bạn đọc)

- Hãy tìm giải pháp để giúp con em công nhân, lao động có đủ tiền để đóng học phí đại học. Sinh hoạt phí có thể tự khắc phục khó khăn được, chứ học phí mà thiếu thì không chắc gì các em được vào học.

Có thể ưu đãi cho sinh viên vay đủ trả học phí cho các năm đại học. Sau này ra trường, có việc làm thì sinh viên đó sẽ trả dần qua lương và thưởng. (Quốc Nguyên)

- Tôi thấy trường nào khi tăng học phí cũng nói là sẽ có miễn giảm cho học sinh nghèo. Nhưng ai cũng biết là đâu dễ được miễn giảm và việc miễn giảm chỉ ngắn hạn mà thôi.(Dũng Bình)

Sinh viên, phụ huynh lo lắng vì học phí tăng

Bạn Nghi (sinh viên một trường đại học tại TP.HCM) làm thêm tại một quán ăn trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) để trang trải việc học - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bạn Nghi (sinh viên một trường đại học tại TP.HCM) làm thêm tại một quán ăn trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) để trang trải việc học - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trước thông tin từ năm học 2023 các trường đại học sẽ đồng loạt tăng học phí, N.T.L. (quê Bắc Ninh, sinh viên năm 2 Học viện Nông nghiệp Việt Nam) bày tỏ sự lo lắng.

L. đang theo học ngành tài chính ngân hàng hệ đại trà với mức học phí 419.000 đồng/tín chỉ, trung bình mỗi kỳ học từ 21 - 24 tín chỉ, tương đương khoảng 20 triệu đồng/năm.

"Đối với gia đình tôi, học phí này đã quá cao rồi. Bố mẹ tôi làm công nhân ở khu công nghiệp, đồng lương bấp bênh gánh đủ loại chi phí sinh hoạt và tiền học cho hai chị em. Khi thấy một số trường đưa ra mức học phí mới tôi rất lo lắng, sợ học phí sẽ liên tục tăng các năm sau. Như vậy, bản thân tôi và bố mẹ sẽ gánh thêm rất nhiều áp lực" - L. nói.

Một nam sinh năm 4 ngành kỹ thuật hóa học ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay học phí mỗi năm học của nam sinh này dao động 24 - 30 triệu đồng. "Đi học đóng học phí là lẽ đương nhiên.

Tuy nhiên, việc tăng hay giảm học phí thì sinh viên không có quyền "mặc cả", chỉ đồng ý theo học hoặc chọn một ngành, một trường nào khác phù hợp với khả năng chi trả của bản thân hơn.

Đối với học sinh ở các vùng nông thôn như tôi, việc học phí tăng quá cao sẽ cản trở cơ hội tiếp cận học tập, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai", nam sinh nói.

Đang tất bật ôn thi tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Tiến Quang, học sinh một trường THPT tại Bắc Ninh, lại đang có thêm nỗi lo về học phí đại học.

Quang cho biết đang quan tâm chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, thuộc khoa kinh doanh quốc tế Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Tuy nhiên, trường vừa công bố mức học phí năm 2023 - 2024 dự kiến khoảng 45 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2022.

"Thực sự mức học phí quá cao, tổng 4 năm học sẽ khoảng 180 triệu đồng (chưa tính học phí tăng các năm sau). Bố mẹ em khuyên em nên chọn ngành khác học phí thấp hơn, phù hợp với kinh tế gia đình. Em rất băn khoăn, sợ vì học phí mà sẽ chọn sai ngành nghề đam mê" - Quang tâm sự.

NGUYÊN BẢO

Tăng học phí: Làm sao để người nghèo còn cơ hội vào đại họcTăng học phí: Làm sao để người nghèo còn cơ hội vào đại học

Chính phủ vừa đồng ý phương án các trường đại học thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo nghị định 81. Việc tăng học phí là bất khả kháng nhưng vẫn khiến không ít người lo ngại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên