Ông Hiệp cho biết:
Phóng to |
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: T.PHÙNG |
- Nguyên nhân TNGT thì nhiều nhưng có ba nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng, quản lý nhà nước và ý thức người tham gia giao thông. Quản lý nhà nước có những yếu tố như thiết kế cầu đường, thi công không đảm bảo an toàn...; quy định pháp luật chưa hoàn thiện; lực lượng trực tiếp xử lý vi phạm như công an, thanh tra giao thông. Nếu TNGT giảm thì có nguyên nhân từ tuần tra kiểm soát tốt, nếu tăng cũng có nguyên nhân từ công tác này không tốt. Bản thân bộ trưởng Bộ Công an khẳng định lực lượng cảnh sát giao thông đóng vai trò gần như quyết định của việc TNGT tăng hay giảm trong điều kiện VN hiện nay. Năm 2012, TNGT giảm rất sâu thì gần như toàn bộ cảnh sát giao thông và phương tiện kỹ thuật đều tung ra đường, tính trung bình một tháng mỗi người chỉ nghỉ được một ngày.
"Vừa rồi Vụ Vận tải (Bộ GTVT) yêu cầu ba nhà cung cấp hộp đen cung cấp dữ liệu ghi nhận từ thiết bị lắp trên xe và thấy gần như các xe của các doanh nghiệp đều có vi phạm quá tốc độ. Có xe một ngày vi phạm tốc độ trên 100 lần. Nếu chia bình quân, một xe quá tốc độ 20 lần/ngày. Nếu sử dụng số liệu này để đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp có xe vi phạm thì tình trạng trên chắc chắn sẽ giảm" Ông Nguyễn Hoàng Hiệp |
* Ủy ban ATGTQG có hướng tới giải pháp gì để kiểm soát ngăn chặn TNGT hiệu quả hơn, thưa ông?
- Cần có biện pháp kiểm soát mạnh hơn đối với xe khách và xe tải, xe container. Giải pháp đầu tiên mà ủy ban đang đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cần triển khai ngay là cơ quan quản lý nhà nước phải thật sự sử dụng, kiểm tra nhanh chóng thông tin từ thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) lắp trên ôtô để quản lý, điều hành và xử lý vi phạm. Nếu làm như thế thì tài xế, chủ xe khách, xe tải trong diện bắt buộc lắp hộp đen hiện nay lúc nào cũng thấy mình đang bị giám sát để tuân thủ quy định pháp luật giao thông.
Tuy nhiên, hiện cũng chưa có quy định hộp đen là phương tiện có thể sử dụng thông số lưu trữ ở đây để xử lý vi phạm. Nhưng về mặt quản lý phương tiện kinh doanh vận tải thì các sở GTVT có thể sử dụng thông tin từ hộp đen để xử lý vi phạm, cấp hay không cấp phù hiệu hoạt động cho doanh nghiệp vận tải vi phạm. Cái này trong thẩm quyền có thể làm được ngay.
* Vụ tai nạn trên quốc lộ 1 ở Long An vừa qua có tác nhân liên quan là dải phân cách bị đổ. Nếu người dân có bằng chứng xác định được TNGT xảy ra do hạ tầng gửi đến cơ quan chức năng như Ủy ban ATGTQG thì họ có được giải quyết, bồi thường không?
- Thời gian qua, Bộ GTVT và cơ quan chức năng đã xử lý nhiều cán bộ, đơn vị không đảm bảo ATGT, đặc biệt đình chỉ nhiều đơn vị thi công gây tai nạn và có vụ đã bị khởi tố. Nếu người dân khi đi trên đường, bị tai nạn mà lý do như đường đang thi công không an toàn, biển báo không phù hợp, đường sá có sự cố thì nên có thông tin gửi cho các đơn vị quản lý đường bộ, Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT và Ủy ban ATGT, chúng tôi khẳng định sẽ xử lý nghiêm túc. Đây là cam kết của bộ trưởng Bộ GTVT.
Tuy nhiên với những tuyến đường đang thi công hay bị đình hoãn thì người dân cần chú ý đảm bảo an toàn cho mình, người thân và cộng đồng như chú ý quan sát, làm chủ tốc độ, tay lái... không nên vội vàng một vài giây mà để ân hận cả đời. Với cơ quan quản lý nhà nước, nếu có vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý.
* Dư luận đặt ra trách nhiệm của các cơ quan quản lý hạ tầng giao thông làm việc chưa đến nơi đến chốn khi có những tuyến đường hư hỏng chậm được khắc phục, thiếu biển báo, tín hiệu hư hỏng. Nhưng ngành giao thông kêu không đủ người, kinh phí để kiểm soát 24/24 giờ và xử lý ngay được. Vậy Ủy ban ATGTQG đã có giải pháp gì cho vấn đề này?
- Xu thế trên thế giới là không thể tăng mãi lực lượng cảnh sát giao thông hay nhân viên tuần đường. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm đóng vai trò rất quan trọng. Các tuyến đường cao tốc chắc chắn sẽ lắp đặt hệ thống này. Cùng với việc mở rộng, quốc lộ 1 sẽ có camera kiểm soát dọc tuyến. Vấn đề là lắp đặt đồng bộ và đảm bảo tất cả các tuyến đều có. Bộ Công an cũng đang triển khai một số dự án và VOV giao thông đang dùng thiết bị giám sát, cảnh báo và một phần sử dụng cho xử lý vi phạm giao thông.
Do chưa được phép nghiên cứu tổng thể nên chúng tôi chưa có dự toán chung. Nhưng kinh phí cho việc này không lớn bằng đầu tư một tuyến đường, cây cầu. Một dự án thí điểm cho trung tâm dữ liệu của Bộ Công an giai đoạn 1 chỉ mất khoảng 100 tỉ đồng để xử lý toàn bộ dữ liệu giao thông đến cấp huyện. Bây giờ cần dự án đầu tư đồng bộ ở các tuyến đường đã đầu tư hoàn chỉnh, ổn định lâu dài.
Nếu chúng ta có một hệ thống như thế, trước mắt là trên các tuyến quốc lộ để phát hiện vật cản, hỏng hóc bất thường, xử lý vi phạm thì chắc chắn vi phạm và TNGT sẽ giảm. Đó là ước mơ của người làm công tác ATGT như chúng tôi. Chúng tôi đã có văn bản đề xuất lên Chính phủ đề nghị nghiên cứu và chủ tịch Ủy ban ATGTQG đã có văn bản đề nghị một số đơn vị tính toán nghiên cứu thí điểm ở một số đoạn quốc lộ, đường ngang đường sắt.
* Bạn đọc báo Tuổi Trẻ kiến nghị cần thông báo số điện thoại của đơn vị quản lý từng tuyến đường để người dân có thể phản ảnh thông tin hiện trạng đường sá, ngăn chặn xảy ra tai nạn do sự cố hạ tầng. Ông nghĩ sao về việc này?
- Đây là đề xuất rất hay. Các khu quản lý đường bộ, ban an toàn giao thông tỉnh, phòng cảnh sát giao thông hiện nay đã có đường dây nóng nhưng làm thế nào công khai và người dân luôn nhớ số này để phản ảnh thì Ủy ban ATGTQG sẽ phối hợp các địa phương để công bố. Phải tính để in số cần liên hệ khi giải quyết sự cố, tai nạn trên từng tuyến đường như đang thực hiện ở đường cao tốc. Những việc này chắc chắn làm được và không mất nhiều tiền. Hiện ủy ban đang làm thủ tục xin năm số di động dễ nhớ để người dân bất cứ lúc nào cũng cung cấp được thông tin qua cả tin nhắn với tình huống không thể gọi điện, thậm chí phải có email để nhận hình ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận