15/10/2013 07:06 GMT+7

Tăng giá cước 3G: bất thường

ĐỨC THIỆN - BẠCH HOÀN
ĐỨC THIỆN - BẠCH HOÀN

TT - Trong ba ngày qua, các nhà mạng nắm giữ hơn 97% thị phần Internet 3G ở VN đã đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G.

Không nuốt trôi với giá cước 3GMobiFone và Viettel tăng 40% cước 3GTăng cước 3G: Mắc nghẹn với chất lượng chưa tăng

Gói dịch vụ 3G đang được dùng phổ biến nhất, các nhà mạng cùng ấn định giá 70.000 đồng/tháng. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải điều tra xem có dấu hiệu “bắt tay” tăng giá đồng loạt.

wagmzS9N.jpgPhóng to
Mặc dù nhà mạng kêu bị lỗ do giá cước 3G dưới giá thành nhưng vẫn mạnh tay khuyến mãi để thu hút khách hàng mới - Ảnh: Q.Định
2XBQAERz.jpgPhóng to
Thị phần 3G của các nhà mạng tại VN - Nguồn: Cục Viễn thông - Đồ họa: N.Khanh

Theo các chuyên gia, có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh khi các nhà mạng cùng tăng giá và ấn định mức giá bằng nhau.

Tăng cước 3G vì lỗ?

Ngày 14-10, Vinaphone chính thức tăng giá các gói cước dịch vụ truy cập 3G từ máy điện thoại di động (dịch vụ Mobile Internet) và các thiết bị khác như USB 3G, máy tính bảng (dịch vụ ezCom). Trong các gói cước 3G không giới hạn dung lượng trên điện thoại di động (trọn gói), gói cước MAX sẽ tăng từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng. Gói cước ưu đãi dành cho sinh viên MAXS cũng tăng từ 40.000 lên 50.000 đồng/tháng.

Cục Quản lý cạnh tranh đang thu thập thông tin

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho biết cục đang thu thập thông tin, nếu đủ căn cứ sẽ xem xét hành vi thỏa thuận nâng giá. Theo vị lãnh đạo trên, Luật cạnh tranh đã có quy định rất rõ cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, như thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư... Vì vậy, nếu hai doanh nghiệp cùng nâng giá dịch vụ trong một giờ hay trong cùng một ngày, nếu có đủ bằng chứng trực tiếp hay gián tiếp, có thể sẽ phải xem xét xử lý là hành vi hạn chế cạnh tranh, với việc thỏa thuận nâng giá...

Hiện Cục Quản lý cạnh tranh đang xem xét, phân tích các dữ liệu, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.

C.V.Kình

Trước đó ngày 12-10, MobiFone và Viettel cũng đã tuyên bố tăng cước 3G. Như vậy loại gói cước 3G trọn gói được đông đảo khách hàng sử dụng của cả ba nhà mạng “đại gia” là MobiFone (gói MIU), Viettel (gói MiMax) và Vinaphone (MAX) đều tăng giá gói cước lên 70.000 đồng/tháng, tăng 40% so với hiện nay (50.000 đồng/tháng). Mức giá mới sẽ được áp dụng từ 0 giờ ngày 16-10.

Đáng chú ý, vào tháng 4-2013, hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone đã tăng cước gói 3G trọn gói nêu trên từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng. Viettel khi đó tuy không tăng giá nhưng ghép chung giá gói cước và phí duy trì thành 50.000 đồng. Hiện nay dung lượng tốc độ truy cập có sự khác biệt giữa các nhà mạng. Tuy nhiên, sau ngày 16-10, ba gói 3G trọn gói MIU, MiMax và MAX sẽ ngang bằng nhau cả về cước phí và dung lượng truy cập.

Theo Viettel, việc điều chỉnh giá cước lần này là động thái đưa giá bán tiệm cận dần với giá thành”. Còn ông Hồ Đức Thắng, phó giám đốc Vinaphone, giải thích: “Đợt điều chỉnh lần này được căn cứ theo các quy định quản lý giá thành của Bộ Thông tin - truyền thông, đồng thời giúp Vinaphone nâng cao hiệu quả đầu tư mạng 3G”.

Đại diện MobiFone dẫn giải cụ thể: “Luật viễn thông quy định doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.

MobiFone là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ data nên phải tuân theo nghị định này. Hiện giá cước 3G cung cấp cho khách hàng chưa bằng 50% so với giá thành dịch vụ”.

Dùng Luật cạnh tranh để kiểm soát

Theo thống kê của Cục Viễn thông Bộ Thông tin - truyền thông, tính đến tháng 7-2013 VN có tổng cộng hơn 16 triệu thuê bao 3G (có phát sinh lưu lượng sử dụng). Trong đó thuê bao sử dụng 3G trên máy điện thoại chiếm đa số với hơn 12,75 triệu thuê bao. Thị phần 3G của các nhà mạng lần lượt như sau: MobiFone (38,1%), Viettel (30,7%), Vinaphone (28,5%), còn lại của Vietnamobile.

Theo một luật sư thuộc Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại TP.HCM, căn cứ theo Luật cạnh tranh, MobiFone là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (quy định của luật là trên 30%) và nhóm doanh nghiệp gồm Viettel, MobiFone, Vinaphone hiện đang nắm giữ 97,3% thị phần được coi là nhóm doanh nghiệp nắm vị trí thống lĩnh thị trường (quy định trong luật là 65% trở lên). Ở trường hợp này cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra doanh nghiệp ấn định giá bán bất hợp lý thì phải xử lý.

Việc các nhà mạng cùng nhau tăng giá, ấn định cùng một mức giá ở một thời điểm là điều bất thường. Vị luật sư này cho rằng cơ quan quản lý cạnh tranh cần phải kiểm tra, làm rõ xem có hành vi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp về việc tăng giá hay không.

Hành động thỏa thuận ấn định giá bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp hay gián tiếp là hành vi bị cấm với nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, cả ba nhà mạng đều khẳng định chỉ làm theo quy định, không có chuyện bắt tay thỏa thuận cùng tăng cước.

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, cũng cho rằng cần điều tra có hay không việc thỏa thuận tăng giá. Ngay cả trường hợp không có sự thỏa thuận thì việc cùng tăng giá gây ra hậu quả bất lợi cho người tiêu dùng của nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường cũng phải bị xử lý.

Theo Luật cạnh tranh, một trong những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm là áp đặt giá bán bất hợp lý. Đồng thời mức tăng lần này tới 40% so với giá cũ, trong khi nghị định hướng dẫn Luật cạnh tranh quy định mức tăng giá không quá 5% trong vòng 60 ngày liên tiếp.

“Doanh nghiệp và cơ quan quản lý ngành viễn thông, cho rằng việc tăng giá là cần thiết để bù lỗ. Họ yêu cầu tách bạch từng sản phẩm dịch vụ, không dùng lãi cái này bù lỗ cái kia. Tuy nhiên theo tôi, đây là bài toán cân bằng quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. Cơ quan quản lý đã đứng về phía người tiêu dùng hay chưa?” - TS Sơn đặt câu hỏi. Theo ông, bài toán kinh doanh là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tự hạch toán các chi phí và bù trừ cho nhau.

* Anh Tuấn Dũng (nhân viên một công ty truyền thông tại TP.HCM):

Tăng cước liên tiếp nhưng chất lượng quá tệ

3G có ưu điểm là dùng được khi di chuyển nên dù đã liên tiếp hai lần tăng giá với mức tăng quá lớn, tôi vẫn phải xài. Tuy nhiên, lần tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng tôi thấy chất lượng dịch vụ hầu như không được cải thiện.

Truy cập Internet quá chậm, nhiều trang không vô được, không xem được ảnh. Thậm chí có những lúc máy báo vẫn đang kết nối nhưng chờ dài cổ không kết nối thành công. Nhà mạng có nói do nhiều người truy cập bị nghẽn nhưng cả những lúc ban đêm tôi vào tốc độ vẫn quá chậm.

Bảng giá gói cước 3G không giới hạn trước và sau khi tăng giá<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Nhà mạng

Gói cước

Trước tăng giá

Sau tăng giá

Viettel

MiMax

50.000

70.000

MobiFone

MIU

50.000

70.000

Vinaphone

MAX

50.000

70.000

ĐỨC THIỆN - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên