Trước đó, ngày 8-5, bóng đá Việt Nam rúng động với việc 5 cầu thủ CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (đang tham dự V-League) bị Công an tỉnh Hà Tĩnh tạm giữ vì nghi sử dụng trái phép chất ma túy.
Sau sự việc, nhiều HLV đã có ý kiến đến ban tổ chức V-League, cần kiểm tra doping (chất cấm), chất gây nghiện với cầu thủ tham dự Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Để làm rõ hơn về công tác phòng, chống doping, chất gây nghiện, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Nguyễn Văn Phú - trưởng phòng y học thể thao VFF (nguyên giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam).
* Trong những năm qua, công tác kiểm tra doping, chất gây nghiện đã được tiến hành tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như thế nào, thưa ông?
- Kiểm tra doping và nhóm chất gây nghiện nằm trong chương trình kiểm tra sức khỏe cho cầu thủ tham gia các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đã được ban tổ chức tiến hành từ năm 2008.
Trước mỗi giai đoạn thi đấu, VFF thành lập tổ công tác kiểm tra sức khỏe để phát hiện các trường hợp chấn thương, những bệnh lý khác như tim mạch của cầu thủ.
Song song với đó là lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu để xác định cầu thủ có dùng chất cấm hay không.
Mỗi đội bóng có tối thiểu 2 cầu thủ được lựa chọn ngẫu nhiên bằng bốc thăm. Vì vậy có khoảng 50 mẫu thử/mùa giải được lấy.
Việc lấy mẫu xét nghiệm này được tiến hành đến năm 2018 thì gián đoạn do những thay đổi trong công tác tổ chức giải và ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mùa giải 2024 - 2025, phòng y học thể thao VFF đã được giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai các công tác kiểm tra doping, chất gây nghiện trong hệ thống Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
* Trong quá trình xét nghiệm những năm qua, từng có cầu thủ nào bị phát hiện dương tính với chất cấm chưa?
- Với nhóm chất gây nghiện, tính đến năm 2018, chúng tôi không phát hiện trường hợp cầu thủ nào dương tính trong những lần kiểm tra.
Thực tế những mùa giải đó tương đối yên ổn. Có chăng, những trường hợp xảy ra nằm ngoài thời điểm thi đấu. Đây là điều không thể kiểm soát được. Hành vi sinh hoạt, lối sống của cầu thủ cần được các cầu thủ tự nhận thức, bên cạnh đó là các biện pháp giám sát từ đơn vị quản lý trực tiếp (các CLB chủ quản).
* Việc kiểm tra doping với cầu thủ có nên tiến hành theo cách ngẫu nhiên ở thời điểm bất kỳ trong năm, thay vì chỉ diễn ra khi giải đấu được tiến hành?
- Dựa trên bộ luật phòng, chống doping quốc tế và các quy định từ FIFA, AFC mà VFF đã cam kết tuân thủ, chúng ta hoàn toàn có quyền triệu tập kiểm tra doping, chất gây nghiện tại bất kỳ thời điểm nào đối với cầu thủ được đăng ký thi đấu trong hệ thống Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Điều này tương tự như ở các môn khác. Các tổ chức phòng, chống doping quốc gia và quốc tế có thể yêu cầu kiểm tra doping vận động viên tại bất cứ thời gian và địa điểm.
Nếu cầu thủ có hành vi từ chối kiểm tra, cố tình làm sai lệch mẫu thử thì họ phải chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ, có thể cấm thi đấu từ 2 đến 4 năm.
* Bóng đá Việt Nam có thể áp dụng những quy trình kiểm tra doping nào, chi phí cho mỗi mẫu xét nghiệm doping là bao nhiêu, thưa ông?
- Đầu tiên là thực hiện quy trình phát hiện chất cấm theo tiêu chuẩn từ FIFA, AFC. Chúng ta sẽ lấy mẫu kiểm tra doping giống như tại các giải đấu, đại hội thể thao tầm khu vực, châu lục và thế giới như SEA Games, ASIAD hay vòng loại World Cup. Chi phí cho quy trình này sẽ là khoảng 6 triệu đến 8 triệu đồng/mẫu xét nghiệm, tùy nhóm chất được chỉ định.
Quy trình thứ hai, nằm trong chương trình kiểm tra sức khỏe, bao gồm xét nghiệm liên quan đến chất cấm, chất gây nghiện. Quy trình này không phức tạp, có thể phát hiện tương đối chính xác cũng như triển khai áp dụng thường xuyên tại các đội bóng. Chi phí cho quy trình này vào khoảng 2 triệu đồng/mẫu xét nghiệm.
* Thưa ông, sau sự việc diễn ra tại CLB Hà Tĩnh, mùa giải 2024-2025, công tác phòng, chống doping, chất gây nghiện sẽ được tiến hành ra sao tại Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam?
- Chúng tôi sẽ xây dựng quy trình kiểm tra doping theo đúng tiêu chuẩn quốc tế đối với một số trận đấu tại Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2024-2025. Bên cạnh đó sẽ tăng cường công tác quản lý sức khỏe cầu thủ. Các xét nghiệm sẽ được tiến hành với cầu thủ để phòng, tránh việc cầu thủ sử dụng doping, các chất hướng thần.
Bất cứ vi phạm nào dù cố tình hay vô tình sử dụng chất cấm, chất gây nghiện đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tập luyện, sức khỏe, hình ảnh cá nhân và đôi khi là cả sự nghiệp của cầu thủ.
Việt Nam chưa có hệ thống y học thể thao hoàn thiện. Các cầu thủ phần lớn cũng chưa có ý thức về việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân, ý thức chuyên nghiệp trong công việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận