13/04/2021 16:00 GMT+7

Tăng cường khóa học thực tế doanh nghiệp và chương trình đào tạo 100% tiếng Anh

V.T
V.T

Một trong những chiến lược xây dựng môi trường sư phạm quốc tế, tân phó hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng, PGS.TS Lê Khắc Cường nhấn mạnh phát triển các chương trình đào tạo quốc tế, chất lượng cao và hướng tới giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.

Tăng cường khóa học thực tế doanh nghiệp và chương trình đào tạo 100% tiếng Anh - Ảnh 1.

TS. Đỗ Mạnh Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường, trao hoa và quyết định bổ nhiệm PGS.TS. Lê Khắc Cường - Tân Phó Hiệu trưởng HIU

"Cường Stiêng"

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ và từ điển ở Hà Nội đặt cho PGS.TS Lê Khắc Cường nickname "Cường Stiêng" vì PGS.TS Lê Khắc Cường là người đầu tiên làm luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học về tiếng Stiêng. Luận án thứ hai là của một nhà nghiên cứu nữ, người Pháp, về tiếng Stiêng tại Campuchia, bảo vệ ở Đại học Lumière Lyon 2 sau tôi khoảng chục năm.

Ngay từ những năm 70, khi sống và đi học ở Đà Lạt, lớp ông có khá đông bạn bè là người Kơho Srê, Chil, Mạ. Ông cũng biết bập bõm vài câu tiếng Kơho và đã thích học tiếng của bà con từ dạo ấy. Tình cảm dành cho ngôn ngữ của đồng bào thiểu số càng được khắc sâu khi ông vào đại học. Luận án Tiến sĩ của ông là "Cơ cấu ngữ âm tiếng Stiêng (so sánh với các ngôn ngữ Nam Bahnar)".

Năm 2004, PGS.TS Lê Khắc Cường thực hiện đề tài "Xây dựng hệ thống chữ viết cho tiếng Stiêng và biên soạn từ điển đối chiếu Việt - Stiêng, Stiêng - Việt" theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghê tỉnh Bình Phước.

"Trong 33 năm ở trường, hết 17 năm tôi làm công tác quản lý. Tôi là người "bị" điều động đi nhiều nơi nhất, cả thảy 3 Khoa/Bộ môn và 4 Phòng, chưa kể hai trung tâm và Phòng thực nghiệm Ngữ âm học! Tuy nhiên dù làm việc tại khoa hay phòng, tôi chưa lúc nào ngưng giảng dạy và nghiên cứu," PGS.TS Lê Khắc Cường chia sẻ.

Chọn Đại học Quốc tế Hồng Bàng vì những điều dễ thương

Người viết bài viết này vốn cũng là một trong những sinh viên "ngắn hạn" trong khoa báo chí do PGS.TS Lê Khắc Cường đứng lớp. Tôi đã từng thầm nghĩ: "Ái chà, thầy hẳn là một người thủ cựu…!" Thế nhưng, sau khi rời khỏi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, ông đã chọn Đại học Quốc tế Hồng Bàng là mái nhà thứ hai của mình.

Ông chia sẻ rằng, có lẽ cũng là cái duyên. Sau gần công tác 30 năm ở ĐH KHXH&VN, ông định nghỉ để làm một việc gì đó, như mở trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hay mở công ty truyền thông. Ông còn nhận được nhiều lời mời đến thăm quan và cộng tác ở các trường Đại học khác. Trong một lần tham quan toà nhà Ship of Knowledge, PGS. TS Lê Khắc Cường đã không đắn đo suy nghĩ mà gật đầu ngay trước lời mời về làm việc tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

"Tôi thích mê cơ sở vật chất ở đây ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhất là cái thư viện tuy không lớn nhưng đẹp và rất dễ thương, có phòng học nhóm cho sinh viên, trong đó có mấy cái gối để sinh viên tựa đầu khi mệt, sinh viên vào ra thư viện thoải mái, chẳng ai kiểm tra túi xách, miễn là không gây tiếng động. Tôi đi thang máy, các em sinh viên cúi đầu chào dù tôi không phải là giảng viên của trường," Ông ngượng ngùng nói về lý do nhận lời dễ thương của mình.

Mới đấy mà đã 2 năm rưỡi rồi. Hầu như ngày nào ông cũng đến trường nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa hết ấn tượng về cơ sở vật chất tiện nghi và các em sinh viên thân thiện của Hồng Bàng. Ông mong muốn biến HIU trở thành một đại học quốc tế như ước mơ của đội ngũ giảng viên, nhân viên và sinh viên. Theo ông, ai có ước mơ, người đó nắm trong tay ít nhất 80% cơ hội để biến ước mơ thành hiện thực.

Tăng cường khóa học thực tế doanh nghiệp và chương trình đào tạo 100% tiếng Anh - Ảnh 2.

Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng

Những học kỳ cọ sát tại doanh nghiệp trong và ngoài nước

PGS.TS Lê Khắc Cường là chuyên gia ngôn ngữ học, gần 35 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục. Hầu hết những công trình nghiên cứu khoa học của PGS.TS. Lê Khắc Cường là về ngôn ngữ các tộc người thiểu số và từ điển.

Ngoài khoảng 40 bài báo khoa học báo cáo trong và ngoài nước, ông còn làm chủ nhiệm/tham gia nhiều công trình: Biên soạn Từ điển Báo chí Anh - Việt (2006); Xây dựng Hệ thống Chữ viết cho tiếng Stiêng và biên soạn Từ điển Đối chiếu Việt - Stiêng, Từ điển đối chiếu Stiêng - Việt (2007); Hoàn thiện hệ thống chữ viết cho tiếng M’nông và biên soạn từ điển Việt - M’nông, M’nông - Việt (2008); xây dựng Từ điển Thuật ngữ Ngôn ngữ học Đối chiếu và Giải thích Anh - Việt (2013)…

"Được phân công phụ trách mảng đào tạo, tôi sẽ phải cùng các đơn vị trong trường cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với xã hội hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin cho sinh viên, học viên. Đặc biệt, sinh viên sẽ tham gia các học kỳ tại doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thay vì bó hẹp việc học trên giảng đường. Quốc tế hoá môi trường giáo dục tại HIU để có thể đón tiếp nhiều hơn sinh viên, học viên của các nước đến đây học tập, nghiên cứu", ông nhấn mạnh.

Theo đó, HIU sẽ chú trọng kiểm tra và xây dựng các chương trình đào tạo quốc tế/liên kết quốc tế/full English nhằm quảng bá, thu hút học sinh; hướng tới giảng dạy 100% bằng tiếng Anh. Điều đó sẽ góp phần thu hút sinh viên quốc tế về HIU (Hàn, Thái, Singapore, Pháp, Đài Loan…) thông qua các mối quan hệ với các đối tác.

PGS.TS Lê Khắc Cường nhấn mạnh ngay từ học kỳ I, năm học 2021-2022, ít nhất 10% các môn chuyên ngành (năm III, IV) của tất cả các ngành (trừ khối ngoại ngữ) sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh. Tỷ lệ này sẽ tăng dần theo từng năm, hướng đến mục tiêu 100% khối kiến thức chuyên ngành sẽ dạy bằng tiếng Anh.

V.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên