02/02/2025 09:38 GMT+7

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới bắt đầu vỡ

Một khối băng khổng lồ đã tách khỏi tảng băng trôi lớn nhất thế giới, có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy 'gã khổng lồ' từ Nam Cực đang tan rã, các nhà khoa học nói với AFP.

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới bắt đầu vỡ - Ảnh 1.

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới vẫn gần như nguyên vẹn khi trôi qua đại dương nhưng các nhà khoa học cho biết một mảnh dài 19km hiện đã tách ra - Ảnh: NASA/Phys.org

Tảng băng trôi khổng lồ A23a, có diện tích hơn gấp đôi vùng đô thị Greater London và nặng gần 1.000 tỉ tấn, đã giữ nguyên vẹn phần lớn kể từ khi bắt đầu di chuyển chậm về phía bắc vào năm 2020.

"Gã khổng lồ" tách ra từ tảng băng trôi

Tảng băng đang trôi dạt về phía hòn đảo hẻo lánh South Georgia ở Nam Đại Tây Dương, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể mắc cạn ở vùng nước nông và gây gián đoạn nguồn thức ăn cho chim cánh cụt con và hải cẩu.

Tuy nhiên, một khối băng dài khoảng 19km đã bị tách ra, theo Andrew Meijers từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, người đã tận mắt chứng kiến tảng băng trôi vào cuối năm 2023 và theo dõi nó qua vệ tinh kể từ đó.

"Đây chắc chắn là phần băng đầu tiên tách ra một cách rõ ràng và đáng kể", nhà hải dương học vật lý này nói với AFP. Soledad Tiranti, nhà băng hà học hiện đang tham gia chuyến thám hiểm của Argentina ở Nam Cực, cũng xác nhận với AFP rằng một phần của tảng băng đã "vỡ ra".

Mảnh băng có hình dạng gồ ghề này có diện tích khoảng 80km², rất lớn, nhưng chỉ là một phần nhỏ so với khoảng 3.360km² còn lại.

Meijers cho biết các tảng băng trôi thường chứa đầy các vết nứt sâu, và mặc dù "gã khổng lồ" này đã thu nhỏ theo thời gian, mất đi một số mảnh nhỏ hơn, nó vẫn "giữ nguyên một cách khá ổn định". "Đây là dấu hiệu cho thấy những vết nứt trong đó đang bắt đầu vỡ ra", ông nói.

Lộ trình trôi phụ thuộc vào dòng hải lưu địa phương

Trong quá khứ, các tảng băng trôi khổng lồ khác đã tan rã "khá nhanh trong vòng vài tuần" sau khi bắt đầu mất các mảnh lớn. Hiện vẫn khó xác định liệu đây chỉ là "một chiếc răng lung lay chờ rụng" hay là dấu hiệu của một sự thay đổi lớn hơn đang diễn ra.

"Thật tiếc khi phải nói rằng việc dự đoán cách các tảng băng trôi vỡ ra không phải là một khoa học chính xác… Rất khó để nói liệu nó sẽ vỡ tan ngay bây giờ, hay vẫn còn tồn tại thêm một thời gian nữa", Meijers nói.

Được biết đến với tên gọi A23a, tảng băng trôi lớn nhất và lâu đời nhất thế giới đã tách ra khỏi thềm băng Nam Cực vào năm 1986. Nó bị mắc kẹt hơn 30 năm trước khi vỡ ra và trôi dạt tự do vào năm 2020, đôi khi bị lực của đại dương giữ quay vòng tại chỗ.

Khối nước ngọt khổng lồ này đang được đẩy đi bởi dòng hải lưu mạnh nhất thế giới - hải lưu vòng Nam Cực. Meijers cho biết quỹ đạo của nó hướng đến South Georgia, một khu vực kiếm ăn quan trọng của hải cẩu và chim cánh cụt.

Nếu băng tiếp tục vỡ ra, nguy cơ đối với động vật hoang dã sẽ giảm đi đáng kể, vì những loài kiếm ăn có thể dễ dàng di chuyển giữa các mảnh băng nhỏ hơn để tìm thức ăn.

Trong quá khứ, các tảng băng trôi đã từng mắc cạn tại đây và gây tỉ lệ tử vong đáng kể cho chim cánh cụt con và hải cẩu con. Tiranti cho biết tảng băng này được dự báo sẽ tiếp tục trôi về phía bắc, nhưng lộ trình chính xác sẽ phụ thuộc nhiều vào tác động của các dòng hải lưu địa phương.

Khối băng khổng lồ tách ra khỏi tảng băng trôi lớn nhất thế giới - Ảnh 1.Tảng băng trôi lớn nhất thế giới lại dịch chuyển

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới A-23A đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên