Ga Đà Lạt - một kiến trúc Pháp được giữ nguyên vẹn - Ảnh: MPK |
Bức tranh Đà Lạt 20 năm sau trong tôi là những cánh rừng thông phủ kín, trời mù sương và những biệt thự ẩn mình trong rừng. Tiết trời lành lạnh đủ để du khách đắm mình thỏa thích khám phá. Thành phố trong rừng lãng mạn là nơi các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ...về đây để tìm cảm xúc sáng tác.
Sắc thái riêng của Đà lạt
Tôi hình dung Đà Lạt lúc ấy là thành phố hoa của cả nước, của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Nhiều loài hoa đủ sắc màu: đào, mimosa, cẩm chướng, dã quỳ, hoa hồng, các loại lan... khoe sắc suốt bốn mùa. Hoa ở công viên, từng góc phố, mỗi nhà và trên những cánh đồng tít tắp được quy hoạch phù hợp và chăm sóc bằng công nghệ cao.
Người nông dân Đà Lạt sống sung túc nhờ rau sạch và hoa. Qua sân bay quốc tế Liên Khương, rau và hoa mang thương hiệu Đà Lạt đến tận các thị trường châu Âu, châu Mỹ... và luôn được khách hàng lựa chọn. Nhiều tuyến đường bay được mở nối Đà Lạt với các thành phố du lịch trong nước và thế giới.
Đại học Đà Lạt, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là những trung tâm nghiên cứu khoa học lớn, nơi đào tạo nguồn nhân lực cho Tây nguyên và cả nước, quy tụ được các nhà khoa học lớn trong nước và thế giới đến để làm việc, nghiên cứu khoa học.
Đà Lạt thơ mộng, khí hậu mát mẻ, con người thân thiện, không bị cuốn hút trong cơn lốc của sự cạnh tranh trên thương trường. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng đủ đầy và đa dạng. Môi trường luôn xanh - sạch - đẹp, không casino, không vũ trường ồn ào, không những quán bar ngập tràn bia rượu... Du lịch Đà Lạt có sắc thái rất riêng là thế!
Hãy bắt đầu từ nguồn nhân lực
Sẽ là chậm nếu không làm ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho Đà Lạt 20 năm sau thật sự trở thành “một Paris của Đông Dương” - thành phố du lịch và khoa học kỹ thuật cao.
Phải bắt đầu từ đào tạo con người, đây sẽ là nguồn nhân lực để lập quy hoạch, kế hoạch phát triển, quản lý điều hành một cách hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và nhất là ở các lĩnh vực mà Đà Lạt có ưu thế tuyệt đối. Thu hút nguồn nhân lực đến để làm việc tại Đà Lạt là một kênh quan trọng, nhưng quan trọng hơn hãy tìm kiếm từ các em đang học đại học, cao đẳng, trung học phổ thông học giỏi, năng động, giàu ước mơ.
Hãy đặt hàng các ngành học mà Đà Lạt cần và gửi các em đi học tại những trường trong và ngoài nước, với chế độ học bổng tương xứng. Trong một tương lai không xa, các em sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy Đà Lạt phát triển. Nội dung giáo dục địa phương ở các trường phổ thông cần được chú trọng để chuẩn bị cho những công dân tương lai sống, ứng xử, làm việc trong một thành phố du lịch văn minh, thân thiện.
Đầu tư nghiên cứu khoa học chắc chắn là tốn kém nhưng lợi ích về lâu dài thì không gì có thể đo đếm được. Vì vậy, có những dự án thông minh, những biện pháp quyết đoán, mạnh dạn vay vốn thì lãi ròng 20 năm sau là điều chắc chắn.
Đà Lạt cần giữ những rừng thông hiện có và tiếp tục trồng mới theo hướng giao đất, giao rừng cho từng hộ nông dân. Nhà nước hỗ trợ vốn, tạo giống mới, kỹ thuật chăm sóc tiên tiến cho người trồng rau và hoa, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước để không còn tình trạng được mùa thì mất giá hay phải vứt bỏ nông sản.
Đà Lạt cũng cần bớt đi những khối nhà liền kề, chung cư, khối kiến trúc cao tầng, chuyển dần các cơ quan sở, ngành cấp tỉnh và một số trường học về các thị trấn vệ tinh. Khi cơ sở hạ tầng tại các thị trấn Đơn Dương, Đức Trọng, TP Bảo Lộc thật tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển về đó sinh sống, mật độ dân số tại Đà Lạt sẽ phù hợp với thành phố du lịch, nghỉ dưỡng dành cho du khách và mang đến cho họ đủ cung bậc cảm xúc: khám phá, chiêm ngưỡng, tận hưởng...
Bên cạnh đó cần làm tốt công tác quy hoạch, tôn tạo lại các cơ sở vừa mới chuyển đi, để hình ảnh Đà Lạt với những biệt thự Pháp cổ điển, những biệt thự trong rừng, những thánh đường cao vút, những thiền viện, chùa... thu hút du khách đến hành hương hoặc tìm về một Đà Lạt xưa.
Sẽ có câu hỏi đặt ra: Tiền đâu cho những đầu tư này? Tôi nghĩ Đà Lạt hãy làm như Đà Nẵng đã và đang làm, đổi đất - cơ sở hạ tầng vốn có để có tiền. Kêu gọi đầu tư vào Đà Lạt thì không chỉ trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẵn sàng nếu chúng ta có một giải pháp mời gọi thật trí tuệ, thật tâm và kiên định.
Bài dự thi đầu tiên từ nước ngoài Bạn tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng VN 20 năm tới” vừa nhận được bài dự thi đầu tiên gửi từ nước ngoài của bạn Đặng Thái (21 tuổi, ở Úc) đặt kỳ vọng đến năm 2035, ngành du lịch Việt Nam sẽ có bước phát triển vượt bậc, thu hút trên 80 triệu lượt khách nước ngoài đến du lịch hằng năm. Danh sách các tác giả gửi bài dự thi: Đặng Đức Lộc, Long Đỉnh (bài 2), Nguyễn Đức Minh, Mai Trọng Nhân, Trần Thị Linh, Trần Văn Phương, Đặng Thủy, Đặng Đình Thịnh, Lý Kiệt Văn, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Đào Bảo Anh, Huỳnh Diệu Phụng, Hữu Chơn (TP.HCM), Đinh Thành Trung (Hà Nội), Đỗ Minh Thuyết (bài 2 - Thanh Hóa), Hoàng Hữu Hóa, Lê Thị Thu Thanh (Quảng Trị), Đặng Thị Việt Trinh, Lê Văn Nguyện (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Anh Tú (Đà Nẵng), Văn Thi Hoàng (Quảng Nam), Hoàng Việt Nguyên (Lâm Đồng), Lê Ngọc Tân (Phú Yên), Nguyễn Thanh Dũng (bài 2 - Long An), Nguyễn Hữu Chánh (2 bài - Vĩnh Long), Phạm Ngọc Hòa (2 bài), Phạm Văn Trung (Cần Thơ), Lê Công Sĩ, Phạm Văn Châu Em (Trà Vinh), Nguyễn Văn Hiền Thục, Trần Trung Dân, Mai Thanh Huy, Nguyễn Thị Thanh Thơm, Huỳnh Văn Bình, Lê Thị Trang... Ban tổ chức cuộc thi (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) kính mời bạn đọc từ 15 tuổi trở lên tham gia cuộc thi. Bài dự thi gửi đến ban tổ chức qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng VN 20 năm tới”) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn. (một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi). Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận