20/09/2007 04:27 GMT+7

Tan tác làng may nón

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Trái với không khí tấp nập của ba tháng trước, làng may nón 30 năm tuổi ở quận 12, TP.HCM giờ lặng lẽ, buồn như đưa đám. “Cơn lốc mũ bảo hiểm” tràn qua và làng nghề này đang tan tác...

03Zx0HNp.jpgPhóng to

Chị Vũ Thị Hồng rớt nước mắt khi nhắc đến chuyện "chuyển nghề" - Ảnh: Yến Trinh

TT - Trái với không khí tấp nập của ba tháng trước, làng may nón 30 năm tuổi ở quận 12, TP.HCM giờ lặng lẽ, buồn như đưa đám. “Cơn lốc mũ bảo hiểm” tràn qua và làng nghề này đang tan tác...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bên ngôi nhà chất đầy nón từ trên lầu xuống dưới đất, anh Lý Dong, chủ cơ sở nón vải Lý Dong, nói như mếu: “Hơn 20 năm trong nghề, bây giờ tôi mới lâm vào tâm trạng vừa bán vừa run. Trước kia, ngày cao điểm đại lý có thể bán gần 5.000 cái, giờ hai tháng nay chỉ còn phân nửa”.

Đại lý của anh Lý Dong khá lớn, có hàng trăm đại lý nhỏ, phần lớn đều mua bán kiểu gối đầu, sau khi bán được nón thì bạn hàng mới trả tiền. “Với đà này, tôi chỉ sợ năm bữa nửa tháng các điểm bán không trả tiền mà trả nón về thì... chắc gia đình tôi ôm núi nón này như một đống vải vụn và chịu phá sản!” - anh rầu rĩ.

Cách đó vài trăm mét, vợ chồng anh Trần Kim Phú cũng ngồi thừ trước ngôi nhà đầy nón. Với 20 năm trong nghề, anh tạo dựng được hơn trăm mối là những người buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ. Nhưng gần đây, những mối ruột cũng lặng lẽ đi mất. “Mười phần giờ chỉ bán được hai. Có hôm từ sáng đến trưa không bán được cái nào” - anh lắc đầu ngao ngán.

Đóng máy, thất nghiệp

Từ Ninh Bình, hai vợ chồng anh Tự vào đây thuê nhà trọ, lập một cơ sở may nón nho nhỏ, bỏ mối cho các đại lý. Giờ nón ế chỏng chơ mà tiền chưa nhận được. Nhưng chẳng lẽ không làm nữa? Hai vợ chồng trút mấy chục triệu đồng dành dụm để tiếp tục mua phụ liệu và trả tiền cho công nhân. Rồi tiền hết mà đầu ra cho những chiếc nón vải vẫn bít bùng. “Nếu tình trạng này kéo dài vài tháng nữa thì cả vợ chồng tôi và mấy công nhân đành xếp máy” - anh nói.

Anh Tự chỉ là một trong hàng ngàn người sống nhờ nghề nón ở cái làng này. Ngoài dân địa phương mấy mươi năm trong nghề, làng còn qui tụ hàng ngàn công nhân từ nhiều tỉnh trên cả nước. Từ bán hàng đến may thuê hoặc may nón gia công tại nhà trọ.

Hơn 1.000 hộ làm nón lao đao

Ông Ngô Viết Thể, chủ tịch Hội Nông dân Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM, cho biết: làng nghề truyền thống may nón Đông Hưng Thuận có từ trước năm 1975. Bắt đầu là một ít người may nón cho quân đội. Khi vùng ven này bắt đầu đô thị hóa, nhiều nông dân chuyển sang nghề may nón. Dần dần nơi đây phát triển thành làng nghề và thu hút đông đảo lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay phường có trên 1.000 hộ đang sản xuất nón các loại.

Ngoài Đông Hưng Thuận, phường Tân Thới Hiệp cũng có 222 hộ sống bằng nghề may nón. Nón vải sắp hết thời, người làm nón cũng sắp hết thời!

Ngay cả cái nghề tưởng không ăn nhập với việc mua bán, may nón cũng chết dở. 15 năm sống bằng nghề sửa máy may, ông Đinh Ngọc Quang chưa bao giờ rảnh tay như lúc này. Chỉ ba tháng trước mỗi ngày ông có thể kiếm được 60.000-70.000 đồng. Bây giờ kiếm được 10.000 đồng/ngày đã là may. Nay mai nếu nghề làm nón giãy chết thì nghề sửa máy của ông cũng “ra đi”.

Bi kịch hơn, vợ ông sống bằng nghề bán chỉ. Mỗi ống chỉ bán ra lời 100 đồng. Lúc trước mỗi người thường mua 100 ống/lần. Mỗi ngày bán vài lượt cũng sống được. Còn giờ? “Từ sáng đến chiều tôi chỉ bán có năm ống. Tổng cộng tiền lời là 500 đồng. Cầm từng ấy tiền ra chợ mua tép hành người ta còn không muốn bán. Chỉ còn tồn chắc là đem thả diều hết!”- vợ ông chua chát nửa đùa nửa thật.

Về đâu làng nón?

Nghe đến hai tiếng “chuyển nghề”, chị Vũ Thị Hồng rớt nước mắt: “Làm gì đây? Tôi chỉ có nghề may nón từ 15 năm nay. Trình độ văn hóa không cao. Công ty nào nhận một người 46 tuổi như tôi?!”. Chị than: nếu thất nghiệp, mấy đứa con chết đói mất. Đứa con gái 17 tuổi cũng nghỉ học sớm và phụ bán nón cho người ta. Thằng nhỏ mới 5 tuổi. Chỉ còn chồng chị với đồng lương bảo vệ tròm trèm 1 triệu đồng làm sao gánh nổi gia đình! Người phụ nữ thở dài: “Không biết làm cách gì để con có ăn và có tiền đến trường đây?!”.

Thế nhưng, dù sao gia đình chị Hồng vẫn còn có một mảnh đất cắm dùi ở thành phố này. Còn với những người tha hương như chị Nguyễn Thị Chín, đây là những ngày sợ thất nghiệp, sợ đói và sợ bị đuổi ra khỏi nhà trọ hơn lúc nào hết. Từ Phú Thọ vào thành phố kiếm sống, chị ở nhà trọ chung với một cô quê Nam Định cũng sống bằng nghề may nón. Mấy tháng nay, đêm nào hai chị em cũng trằn trọc...

Run run lựa từng chiếc nón, bà Nguyễn Thị Hoa trầm ngâm khi nhắc về chuyện buôn bán: “10 năm nay, tôi lấy nón ở làng này để bán ở các chợ. 10 phần giờ ế còn ba. 61 tuổi rồi, không biết sẽ làm gì để sinh sống”.

Ông Lương Thanh Phong cũng lắc đầu không biết trả lời sẽ làm gì sắp tới. Từ Tây Ninh, hằng tuần ông chạy xe máy đến đây để lấy nón về bán rong cho các chợ. Ông chọn nghề bán nón vì nón nhẹ, dễ chuyên chở và cũng dễ bán. Còn sắp tới? “Nước tới đâu, lục bình trôi tới đó...” - người đàn ông gầy gò, đen nhẻm vừa ngước nhìn những chồng nón đủ màu sắc vừa nói buông xuôi.

Một số cơ sở ngậm ngùi “trùm mền” những chiếc máy thêu, máy may trị giá hàng tỉ đồng. Riêng ông chủ đại lý Lý Dong không đầu hàng, ông mày mò hợp tác với một công ty sản xuất ra đứa “con lai” của mũ bảo hiểm và mũ vải. Cho tôi xem mô hình chiếc mũ bán thành phẩm, anh Dong lo lắng: “Chúng tôi đang xin giấy phép. Nhưng không biết “đứa con lai” này có được thừa nhận hay không?!”. Về chức năng, đó là một chiếc mũ bảo hiểm, nhưng hình dáng là chiếc mũ vải rộng vành bọc ngoài. Nhìn bên ngoài, chiếc mũ này che nắng được nhiều hơn. Tuy nhiên, chiếc còi của cảnh sát giao thông sẽ khó lòng bỏ qua chiếc mũ “chẳng phải đầu, chẳng phải tai” này.

Chẳng biết số phận của chiếc “mũ lai” này đi về đâu. Nhưng dù sao đó cũng là cách để anh tự cứu mình, trong khi hàng ngàn người ở làng nón này đang loay hoay chưa tìm được lối ra.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên