Sau một thời gian lâm bệnh, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh đã từ trần lúc 20h57 ngày 19-7, hưởng thọ 95 tuổi.
Con người sống giản dị, tỉ mỉ, chu đáo trong công việc
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Hà Quang Dự, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao, bày tỏ xúc động khi nghe tin nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh từ trần.
Theo ông Dự, trong nhiệm kỳ Chính phủ 1992 - 1997, ông giữ chức bộ trưởng phụ trách công tác thanh niên và thể dục - thể thao của Chính phủ trực thuộc khối do Phó thủ tướng Nguyễn Khánh khi đó phụ trách.
Quá trình công tác cùng trong nhiệm kỳ Chính phủ này, ông Dự đánh giá nguyên Phó thủ tướng là người lãnh đạo sống tình cảm, quan tâm thực sự đến công việc của cấp dưới.
"Ông là người sống rất giản dị, song trong công việc rất tỉ mỉ, chu đáo.
Ông là nhà lãnh đạo có năng lực, tổng hợp rất nhanh, bao quát vấn đề. Ông cũng tổ chức cho cấp dưới triển khai công việc rất cụ thể, hiệu quả bằng phương pháp rất đơn giản", ông Dự nhận xét.
Ông Hà Quang Dự cũng cho hay bản thân có rất nhiều kỷ niệm khi làm việc trong khối do nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh chỉ đạo gần 2 nhiệm kỳ.
Trong đó, khi đang làm bộ trưởng phụ trách công tác thanh niên và thể dục - thể thao của Chính phủ, do lĩnh vực thể thao đang có nhiều vấn đề phức tạp nên ông được Thường trực Chính phủ cử về trực tiếp kiêm tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao.
Thời điểm đó, Phó thủ tướng Nguyễn Khánh đã trực tiếp đưa ông Dự xuống tổng cục để nhậm chức.
"Ông giới thiệu tôi với tất cả anh em cán bộ Tổng cục Thể thao lúc đó để tôi bắt tay ngay vào chăm lo lĩnh vực. Suốt cả thời gian sau đó, ông cũng như Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến lĩnh vực thể thao.
Ông cũng chính là người đã tổ chức cho các ngành xem xét phê duyệt đầu tư chương trình quốc gia về đào tạo vận động viên tài năng thể thao.
Ảnh hưởng của chương trình đó kéo dài đến tận bây giờ. Có thể nói thể thao Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích cao trong khoảng 20 năm qua là nhờ chương trình này", ông Dự kể lại.
Một kỷ niệm khác theo ông Dự là do yêu cầu của nhiệm vụ nên phải giải thể Ủy ban Thanh niên. Khi đó, chính nguyên Phó thủ tướng đã trực tiếp thay mặt Thủ tướng xuống phổ biến quyết định và động viên cán bộ.
"Thời điểm đó, anh em tâm tư, thắc mắc rất nhiều song chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ xuống lắng nghe, ông đã giải quyết rất gọn gàng, tình cảm, có lý, có tình, khiến một số anh em dù khó tính nhất cũng đều nể phục", ông Dự kể thêm.
Bài học về việc làm sao khi xuống tiếp xúc với dân có sự tự nhiên...
Còn ông Nguyễn Túc (ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhấn mạnh về các ấn tượng lớn của ông sau quá trình công tác cùng nguyên Phó thủ tướng tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo ông Túc, thời điểm đó nguyên Phó thủ tướng làm chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về xã hội, còn ông là phó chủ nhiệm.
Ông Túc đánh giá nguyên Phó thủ tướng là vị lãnh đạo từng trải, con người hành động, thường xuyên đi khảo sát ở các địa phương, chứ không phải "sách vở, lý luận".
"Qua các chuyến đi cùng đã cho tôi bài học về việc làm sao khi xuống tiếp xúc với người dân có sự tự nhiên để họ bày tỏ được hết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, tâm tư, tình cảm, thậm chí khuyết điểm thay vì chỉ nghe báo cáo thành tích", ông Túc nói.
Một ấn tượng lớn khác về nguyên Phó thủ tướng chính là từ khi vợ ốm năm 2006, ông đã chăm sóc bà hết sức tận tình, chu đáo.
"Tình nghĩa vợ chồng ở ông thể hiện rất rõ chứ không như một số người cũng có chức, quyền nhưng vợ ốm giao hết cho người giúp việc chăm sóc. Ở ông thể hiện rõ một con người rất có văn hóa và anh em đều trân trọng, quý mến", ông Túc chia sẻ thêm.
Nhiều người quen, thân đánh giá khi đương chức và về hưu, ông Nguyễn Khánh luôn trăn trở với nhiều vấn đề thời cuộc.
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh tên thật là Nguyễn Ngọc Khánh, sinh ngày 31-3-1928 tại xã Hạ Hồi (Thường Tín, Hà Nội).
Ông là bí thư Trung ương Đảng khóa VI; ủy viên Trung ương Đảng khóa V (dự khuyết), VI, VII; phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng (1987 - 1992); phó thủ tướng Chính phủ (1992 - 1997); đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận