15/12/2020 11:26 GMT+7

Tam Khúc chúa và khát vọng tự chủ

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Dẫu cùng kể về ba nhân vật lịch sử thuộc về ba thế hệ nhưng bằng cách kể chuyện thông minh, sử dụng nhiều biểu tượng ẩn dụ, Tam Khúc chúa không bị rơi vào sự dàn trải, chắp nối, đứt gãy hay hô khẩu hiệu, minh họa.

Tam Khúc chúa và khát vọng tự chủ - Ảnh 1.

Vở tuồng Tam Khúc chúa nổi bật với khát vọng tự chủ của ba vị chúa họ Khúc - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Vở tuồng Tam Khúc chúa (tác giả Lê Thế Song chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết lịch sử Khúc gia trang dậy sóng trời Nam của TS Khúc Minh Tuấn) là vở diễn đầu tiên của sân khấu kể về giai đoạn lịch sử dường như đang dần bị lãng quên - giai đoạn sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, từ năm 905 - 938.

Đó cũng chính là hàng chục năm kiên cường người Việt tự chủ trước phương Bắc khi dám cử chính người Việt làm tiết độ sứ cai trị xứ Giao Châu, mà đại diện là ba thế hệ hào tộc họ Khúc ở Hồng Châu.

"Tôi muốn kể cho khán giả hôm nay câu chuyện bi hùng của cha ông để cùng nghĩ suy. Với tôi, những việc mà ba vị chúa dòng họ Khúc làm được trong giai đoạn tự chủ sơ khai của dân tộc Việt chính là những nốt nhạc đầu tiên để tạo nên bản hùng ca Hồng Châu bất tử.

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai

Dẫu cùng kể về ba nhân vật lịch sử thuộc về ba thế hệ nhưng bằng cách kể chuyện thông minh, sử dụng nhiều biểu tượng ẩn dụ, Tam Khúc chúa không bị rơi vào sự dàn trải, chắp nối, đứt gãy hay hô khẩu hiệu, minh họa.

Trái lại, vở diễn gọn ghẽ trong hai tiếng đồng hồ đã nhẹ nhàng cuốn hút khán giả khi khắc họa sắc nét hoài bão, khát vọng tự chủ của cha con dòng họ Khúc, không chỉ có ba vị chúa Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ mà còn có cả nàng Khúc Thị Hoa - con gái Khúc Thừa Dụ và nàng Yến Nhi - vợ Khúc Thừa Mỹ.

Khát vọng ấy được thể hiện tập trung, rõ nét nhất ở chính sách ngoại giao mềm mỏng không thích gây hấn, luôn "khoan giản an lạc", "lạt mềm buộc chặt" trước phương Bắc. Nhưng không phải vì thế mà các vị chúa chịu quỳ gối.

Riêng đến Khúc Thừa Mỹ thì khát vọng tự chủ còn được khéo léo khẳng định bằng sự tự chủ về văn hóa. Khi trở thành con tin, Khúc Thừa Mỹ đã dâng cống vật không phải bằng vàng bạc, châu báu mà bằng một vũ điệu sử dụng âm nhạc và hình thái hát xoan thuần Việt, khiến bọn quan Nam Hán phải gật gù tán thưởng.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã dụng công đưa ẩn dụ nghệ thuật từ chiếc áo nhà Đường đến vũ điệu guốc mộc vừa trữ tình, tươi mới mà vẫn logic, thuyết phục. "Vở diễn đậm nét ngôn ngữ ước lệ của nghệ thuật tuồng nhưng dễ xem, dễ hiểu" - tác giả Hoàng Thanh Du nhận xét sau buổi tổng duyệt.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, vở diễn có tính chất xã hội hóa này (kết hợp với hội đồng gia tộc họ Khúc) với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Ánh Dương, NSND Văn Thủy, NSƯT Trần Long, NSƯT Hiền Trang... sẽ có buổi công diễn đầu tiên vào tối 19-12 tại rạp Hồng Hà, Hà Nội và tối 25-12 sẽ biểu diễn tại đền thờ Khúc Thừa Dụ ở Kiến Quốc, Ninh Giang, Hải Dương theo lời mời của hội đồng gia tộc họ Khúc.

Sau đó dự tính vở diễn sẽ đến với khán giả nhiều tỉnh, thành như Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên...

"Ta muốn người Việt được mặc áo của chính mình" - ở buổi đầu đặt cơ sở cho nền độc lập của dân tộc Việt sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, tiên chúa Khúc Thừa Dụ trong vở tuồng Tam Khúc chúa đã đau đáu cùng hoài bão, khát vọng tự chủ lớn lao như thế.

Mỹ Uyên biến hóa trên sân khấu hài của nhà hát 5B Mỹ Uyên biến hóa trên sân khấu hài của nhà hát 5B

TTO - Thứ 5 hằng tuần tại nhà hát 5B, khán giả yêu hài kịch lại có nơi để cười thả ga, xua tan căng thẳng trong chương trình Chùm hài kịch ngắn.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên