Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng nội vụ Horst Seehofer - Ảnh: REUTERS
Theo tài liệu Hãng tin DPA (Đức) thu thập ngày 30-6, Thủ tướng Merkel đã gửi một lá thư tới lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội Thiên Chúa giáo Bavaria (CSU) - ông Horst Seehofer, trong đó khẳng định đã đạt thỏa thuận với 14 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề tị nạn. Đề xuất của bà Merkel không được chào đón rộng rãi do lợi ích của các thành viên EU có nhiều khác biệt.
Giảm bớt trách nhiệm
Được biết sau hai ngày họp tại Brussels (Bỉ), bà Merkel đã tìm cách thỏa thuận với Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Phần Lan, Lithuania, Latvia, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển. Trên thực tế, theo thông tin của tờ Telegraph, đó là những thỏa thuận song phương giữa Đức với từng thành viên khác của EU về cách thức xử lý đối với những trường hợp xin tị nạn.
Trong lá thư trên, bà Merkel giữ lập trường ủng hộ kế hoạch xây dựng những trung tâm xét duyệt đơn xin tị nạn, gọi là "trung tâm mỏ neo". Theo DPA, các trung tâm này sẽ đặt chốt ở biên giới Đức, qua đó xét duyệt các trường hợp tị nạn muốn vào nước Đức. Những người đã đăng ký tị nạn ở nước khác trong EU sẽ phải quay trở về đất nước ấy để chờ kết quả chấp nhận hay từ chối.
Như vậy, có thể thấy bà Merkel đã cứng rắn hơn với người tị nạn muốn xin vào Đức. Điều này cũng có nghĩa 14 thành viên đã đồng ý trên (nếu đúng như vậy) cùng với Hi Lạp và Tây Ban Nha, sẽ buộc phải san sẻ trách nhiệm xử lý vấn đề di cư - tị nạn cùng Đức.
Lâu nay, những nước châu Âu "cánh cổng" giáp biển thường đóng vai trạm dừng chân để người tị nạn và nhập cư đến sống tại các nước phát triển hơn như Đức, Thụy Điển, Phần Lan... Nếu chính thức được triển khai, kế hoạch của bà Merkel sẽ giúp nước Đức giảm bớt số lượng xin tị nạn hiện nay.
Chờ định đoạt
Những đề xuất của bà Merkel lần này được cho là một mũi tên trúng hai đích. Đầu tiên là vững mạnh trong nước, thứ hai là vạch ra con đường xoa dịu những bất đồng nội tại của EU trong việc ứng phó với vấn đề tị nạn. Hai đích này lại có mối quan hệ trực tiếp với nhau, và bà Merkel gần như chắc chắn phải có thêm điều chỉnh trong bối cảnh khó khăn chồng chất.
Đầu tiên, bức thư kể về thỏa thuận với 14 nước EU trên gửi tới ông Seehofer như một lời trấn an. Đảng CSU là "chị em" với Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel, nhưng ông Seehofer - trên tư cách bộ trưởng nội vụ - lại không hài lòng với thái độ mở cửa của thủ tướng.
Trong bối cảnh liên minh CDU/CSU bị sụt giảm uy tín, hục hặc nội bộ chỉ càng khiến tư thế của bà Merkel lung lay ngay trên chính quê hương mà bà từng là người hùng. Báo Đức DW nhận xét rằng hiện chưa biết được cách làm của bà Merkel khiến ông Seehofer chấp nhận hay chưa.
Thứ hai, nước Đức mang trọng trách lãnh đạo EU, nhất là trong bối cảnh khối này đang chờ đợi việc Vương quốc Anh ra đi (Brexit). Vì vậy vấn đề di cư, vốn là gánh nặng từ năm 2015 tới nay và là nguồn cơn cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy, phải được giải quyết triệt để, và nhất thiết không thể để những cáo buộc "tiêu chuẩn kép" xuất hiện tiếp tục.
Điều này đồng nghĩa các thành viên EU nghĩ mình bị cư xử bất công sẽ đòi hỏi tiếng nói trong từng chính sách mà Đức đưa ra.
Báo chí Đức không bất ngờ khi Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, một nhân vật cứng rắn với nhập cư - tị nạn, không có mặt trong danh sách thỏa thuận với Đức.
Hiện nay, Hungary, Cộng hòa Czech và Ba Lan (nước từng cáo buộc tiêu chuẩn kép của EU) từ chối xác nhận họ đạt thỏa thuận với bà Merkel.
Ông Kurz kêu gọi EU phải có một thỏa thuận chung về nhập cư thay vì hành động đơn phương như Đức, và cảnh báo nó sẽ dẫn tới hiệu ứng domino khiến Áo và các nước EU khác cũng đóng cửa biên giới.
Hạnh phúc là tấm chăn hẹp, người này ấm ắt kẻ khác phải lạnh. Bà Merkel đang cố gắng dung hòa từ trong nước ra quốc tế, nhưng vấn đề là những người bị lạnh ngoài kia có chấp nhận phương án ấy hay không.
Theo Thỏa thuận Dublin, người di cư sẽ phải nhận xét duyệt ở nước EU đầu tiên mà họ đặt chân đến. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy chỉ 15% người tị nạn bị gửi về nơi đầu tiên họ cập bến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận