22/04/2025 05:22 GMT+7

Tạm biệt Đức Giáo hoàng - Người hành hương của hòa bình

Theo thông báo của Vatican, Giáo hoàng Francis đã qua đời vào ngày 21-4, hưởng thọ 88 tuổi. "7h35 sáng nay, Giám mục thành Rome, Francis, đã trở về nhà Cha", Hồng y Kevin Farrell thông báo.

Tạm biệt Đức Giáo hoàng - Người hành hương của hòa bình  - Ảnh 1.

Ảnh: AFP - Trình bày: N.KH.

Trong suốt 12 năm tại vị, Giáo hoàng Francis luôn gắn liền với sự khiêm nhường, giản dị, hy sinh vì người nghèo, nỗ lực vì các đối thoại giữa các tôn giáo, vì môi trường và bình đẳng giới.

Khác với các vị nguyên thủ luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, Giáo hoàng Francis luôn mang trên mình sứ mệnh của hòa bình, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng đối thoại.

Người hành hương của hòa bình

Được mệnh danh là "vị Giáo hoàng của những vùng ngoại vi", Giáo hoàng Francis trong 12 năm phục vụ với tư cách người đứng đầu Giáo hội Công giáo đã kêu gọi cầu nguyện và đến thăm những khu vực chịu ảnh hưởng xung đột nặng nề nhất nhưng cũng lại bị thế giới lãng quên nhất.

Một trong những cử chỉ biểu tượng nhất của Giáo hoàng Francis trong triều đại của mình là ông đã quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan trong cuộc gặp tại Vatican vào tháng 4-2019.

Nam Sudan khi đó đang vật lộn với cuộc nội chiến kinh hoàng. Giáo hoàng Francis đã cùng gặp Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và nhân vật đối lập với ông này là Riek Machar tại Vatican. Trong sự khiêm nhường, ông đã hạ mình hôn chân hai nhà lãnh đạo này, kêu gọi họ hạ vũ khí và theo đuổi con đường hòa bình.

Đến tháng 2-2023, dù đã tuổi cao sức yếu, Giáo hoàng Francis vẫn đi công du Nam Sudan để tiếp tục nỗ lực hòa giải xung đột. Phát biểu trước các nhà chức trách, các tổ chức dân sự và ngoại giao đoàn của nhiều nước tại Dinh Tổng thống ở Juba, Giáo hoàng Francis cảnh báo người dân sẽ phán xét hành động của các vị lãnh đạo qua lịch sử được ghi lại.

"Các thế hệ tương lai sẽ tôn kính tên tuổi của các vị hoặc xóa bỏ khỏi ký ức của họ, dựa trên những gì các vị đang làm bây giờ", Đức Francis nhấn mạnh.

Năm 2019, Giáo hoàng Francis lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hạt nhân khi phát biểu tại Công viên Hòa bình Nagasaki (Nhật Bản). Ông cho rằng việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh và việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vô đạo đức.

Giáo hoàng Francis cũng từng đanh thép chỉ trích việc các loại vũ khí châm ngòi cho chiến tranh. Đứng trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015, ông kịch liệt phê phán việc buôn bán vũ khí, phê phán những bên kiếm lợi từ chiến tranh.

"Tại sao vũ khí chết người lại được bán cho những kẻ có kế hoạch gây ra đau khổ không kể xiết cho con người và xã hội? Thật đáng buồn, câu trả lời, như chúng ta đều biết, chỉ đơn giản là vì tiền: tiền thấm đẫm máu, thường là máu của người vô tội", ông phát biểu.

Ngoài việc là cầu nối giải quyết các xung đột dân sự, Giáo hoàng Francis với tư cách là người dẫn dắt nhánh lớn nhất của Kitô giáo - tôn giáo có số lượng tín hữu đông nhiều nhất thế giới - đã luôn chủ động đối thoại với các tôn giáo bạn.

Vào tháng 3-2021, Giáo hoàng Francis có chuyến thăm lịch sử đến Iraq. Ông gọi mình là một "người hành hương vì hòa bình" khi đến thăm vùng đất mà tín hữu Kitô giáo không được chào đón.

Gặp gỡ Đại Giáo chủ Iraq Ali al-Sistani, Giáo hoàng Francis kêu gọi đối thoại và sự tôn trọng lẫn nhau của các tôn giáo: "Hòa bình không đòi hỏi người thắng hay kẻ thua, mà là anh chị em, những người, bất chấp những hiểu lầm và vết thương trong quá khứ, hãy chọn con đường đối thoại".

Người bạn của tất cả

Trong thông điệp Phục sinh cuối cùng gửi đến thế giới hôm 20-4, Giáo hoàng Francis cũng thêm một lần nữa kêu gọi lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza.

Ông gọi đây là vùng đất "bị tổn thương bởi xung đột", với "các cuộc bùng phát bạo lực vô tận". Giáo hoàng nhiều lần lên tiếng về xung đột giữa Hamas và Israel, ông cho rằng cuộc chiến này là sự "tàn ác, không phải chiến tranh", và từng bị phía Israel lên tiếng phản đối.

"Tôi kêu gọi một lần nữa yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, thả các con tin và cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo" - Vatican News dẫn thông điệp của Giáo hoàng.

Trong thông điệp cuối, Giáo hoàng cũng dành lời cầu nguyện cho các khu vực còn ghi nhận bạo lực như ở Lebanon, Syria và Yemen.

Đối với Ukraine, ông cầu nguyện Chúa Phục sinh ban cho hồng ân hòa bình, kỳ vọng rằng các bên sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một "nền hòa bình công bằng và lâu dài".

Vì những lời kêu gọi hòa bình và chỉ trích chiến tranh bất chấp phe phái của Giáo hoàng Francis khi còn tại thế, lãnh đạo nhiều quốc gia trong ngày 21-4 đã lên tiếng thương tiếc và công nhận công lao của vị lãnh đạo tôn giáo này cho hòa bình thế giới.

Tổng thống Lebanon Joseph Aoun gọi cái chết của Giáo hoàng Francis là "một mất mát cho toàn thể nhân loại" vì ông là tiếng nói mạnh mẽ cho công lý và hòa bình.

Cùng lúc đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi Đức Francis là một người bạn của người dân Palestine, nhắc đến việc Giáo hoàng Francis đã công nhận Nhà nước Palestine và cho phép kéo cờ của nước này tại Vatican.

Dù phía Israel trước đó chỉ trích Giáo hoàng vì ông lên án chiến sự tại Gaza, Tổng thống Israel Isaac Herzog cũng công nhận vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo là "một người có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn" đã coi trọng quan hệ với thế giới Do Thái.

Tạm biệt Đức Giáo hoàng - Người hành hương của hòa bình  - Ảnh 2.

Một nữ tu cầm hình ảnh của Giáo hoàng Francis tại quảng trường Thánh Peter ở Rome (Ý), sau khi ông qua đời - Ảnh: REUTERS

Vị Giáo hoàng của người nghèo

Sống đúng với tông hiệu Francis - vị thánh của người nghèo, Giáo hoàng Francis đã từ chối đi xe sang, từ chối mặc quần áo đắt tiền và chọn sống tại nhà trọ Thánh Marta.

Ông từ chối sống tại khu biệt thự trong Điện Tông tòa (Apostolic Palace) như những người tiền nhiệm trong hơn một thế kỷ qua.

Thậm chí, chiếc nhẫn Ngư Phủ (vật nằm trong bộ lễ phục của giáo hoàng) của ông làm bằng bạc mạ vàng thay vì vàng thật như truyền thống.

Là vị Giáo hoàng đầu tiên chọn tông hiệu Francis, vị lãnh đạo này giải thích ông chọn tên này để vinh danh Thánh Francis thành Assisi - vị thánh đã từ bỏ mọi của cải và quyền lực, trở thành một người ăn xin để thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo.

Bầu chọn giáo hoàng mới

Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, theo truyền thống, các hồng y sẽ được triệu tập về Vatican để dự “mật nghị hồng y” - chính là quá trình bầu chọn tân giáo hoàng.

Hiện nay, Giáo hội Công giáo có 252 hồng y, trong đó 138 vị đủ điều kiện tham gia bầu chọn giáo hoàng mới.

Cuộc bầu chọn diễn ra trong điều kiện tuyệt đối bí mật bên trong Nhà nguyện Sistine ở Vatican. Các hồng y sẽ bỏ phiếu cho ứng viên mà họ ủng hộ cho đến khi chọn ra được người chiến thắng - một quá trình có thể kéo dài nhiều ngày.

Manh mối duy nhất về việc quá trình bầu chọn giáo hoàng đang diễn ra đến từ làn khói bốc lên hai lần mỗi ngày, được tạo ra từ việc đốt lá phiếu của các hồng y.

Khói đen báo hiệu chưa chọn được giáo hoàng mới. Làn khói trắng truyền thống có nghĩa là đã chọn được tân giáo hoàng.

Sau khi khói trắng bốc lên, tân giáo hoàng thường xuất hiện trong vòng một giờ trên ban công nhìn ra quảng trường Thánh Peter.

Một vị hồng y cấp cao tham gia mật nghị sẽ công bố quyết định với lời tuyên bố “Habemus Papam” - trong tiếng Latin có nghĩa là “Chúng ta đã có giáo hoàng”.

Về lý thuyết, bất kỳ người đàn ông Công giáo Rome nào đã được rửa tội đều có thể được xem xét để trở thành giáo hoàng.

Lịch sử cho thấy các hồng y có xu hướng chọn một người châu Âu, đặc biệt là người Ý. Trong số 266 giáo hoàng đã được chọn cho đến nay, 217 người đến từ Ý.

Tạm biệt vị Giáo hoàng của hòa bình - Ảnh 3.Giáo hoàng Francis qua đời

Vatican loan báo trong video Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi, sau khi chịu đựng nhiều căn bệnh trong suốt 12 năm tại vị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên