26/12/2024 11:34 GMT+7

Tại sao số ca mắc bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM ở nhóm cao trong cả nước?

Năm 2024, TP.HCM ghi nhận số ca mắc một số bệnh truyền nhiễm như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết xếp nhóm cao nhất cả nước.

Số ca mắc bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM ở nhóm cao nhất cả nước - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị sáng 26-12 - Ảnh: T.MINH

Ngày 26-12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 tại Hà Nội.

Số ca mắc bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM ở nhóm cao

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay trong năm 2024 tình hình các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát. Không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm nhóm A (Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9) xâm nhập vào Việt Nam.

Mặc dù vậy, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại, một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương.

Theo ông Nguyễn Lương Tâm - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, theo thống kê số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm ghi nhận 141.000 ca mắc, giảm 16,7% so với năm 2023; 28 người tử vong, giảm 17 ca so với năm 2023.

Trong đó, Hải Phòng có số ca mắc cao nhất là hơn 23.000 ca, đứng thứ hai là TP.HCM ghi nhận hơn 14.000 ca mắc.

Tay chân miệng ghi nhận hơn 76.000 ca mắc, giảm 55,8% so với năm 2023, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Trong đó, một số tỉnh thành có số mắc cao như TP.HCM (17.882), Tiền Giang (5.467), Đồng Nai (4.968), An Giang (4.187), Đồng Tháp (3.717).

Cúm mùa cả nước ghi nhận 287.548 trường hợp, 8 ca tử vong; so với năm 2023: số mắc giảm 18,6%, số tử vong tăng 5 ca. Một số địa phương có số mắc cao như Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (12.807), Sơn La (10.162).

Đặc biệt, bệnh sởi diễn biến phức tạp. Trong đó, một số tỉnh thành có số mắc cao là Đồng Nai (6.360), TP.HCM (4.758), Bình Dương (4.745), Cà Mau (2.405)... Cả nước ghi nhận 13 ca tử vong do sởi.

Theo ông Tâm, nguyên nhân là do dịch bệnh vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng liên tục của các tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm vắc xin; chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Ý thức phòng bệnh vẫn còn hạn chế; một bộ phận người dân chủ quan, lơ là; hiện tượng chống vắc xin.

"Đặc biệt là tình trạng "anti" vắc xin của một bộ phận người dân khiến nhiều trẻ bỏ lỡ tiêm chủng. Điều này dẫn đến một số bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi gia tăng trong thời gian qua", ông Tâm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Tâm cũng nhận định còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế có lúc xảy ra cục bộ gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Năm 2025, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp

Số ca mắc bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM ở nhóm cao nhất cả nước - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch năm 2025 - Ảnh: T.MINH

Cục Y tế dự phòng cũng dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài ra, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vắc xin tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế; có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.

Đặc biệt, bệnh dại vẫn ghi nhận tử vong ở mức cao do hạn chế trong quản lý đàn chó, mèo, tỉ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp; người dân vẫn chủ quan, lơ là khi không tiêm phòng dại và xử trí kịp thời khi bị chó, mèo cắn.

Bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người như Mpox tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc với các biến chủng mới. Cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do vi rút trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi.

Để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025.

Đồng thời nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh.

Đảm bảo nguồn lực, kinh phí tổ chức thực hiện và huy động các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị xã hội chủ động tham gia công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Số ca mắc bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM ở nhóm cao nhất cả nước - Ảnh 3.Nhiều bệnh truyền nhiễm vào mùa gây bệnh trẻ nhỏ

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TP.HCM), các bệnh truyền nhiễm như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng tăng. Tại các bệnh viện nhi đồng, nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm phải nhập viện điều trị, có trẻ gặp biến chứng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên