29/11/2017 12:00 GMT+7

Tại sao da bị nám và cách điều trị

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Nám da là một rối loạn sắc tố xảy ra khi quá trình rối loạn melanin tăng tiết, lượng melanin được sản sinh nhiều và bị đẩy sâu vào bên trong lớp thượng bì.

Tại sao da bị nám và cách điều trị - Ảnh 1.

Nám da hiện đang là nỗi lo của rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ bước sang tuổi 30. Nám da được hình thành bởi rất nhiều nguyên nhân:

- Do các tác nhân bên ngoài như khói, bụi, nắng nóng và tia UV, cẳng thẳng kéo dài hay sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, hoặc mỹ phẩm và các chất tẩy trang kém chất lượng, thậm chí là giả;

- Do các tác nhân bên trong khi hệ thống bảo vệ da sản sinh ra quá nhiều melanin, nguyên nhân chính thường do mất cân bằng hormone hay nội tiết tố, phản ứng với thuốc, phụ nữ mang thai hoặc tiền mãn kinh…

Hoặc khi điều trị nám, dưỡng da làm trắng không đúng cách như lột tẩy, hay sử dụng mỹ phẩm nhưng đều thất bại. Do vậy, việc điều trị nám cần một quá trình điều trị liên tục, đúng cách nếu không được điều trị đúng phương pháp nám sẽ quay trở lại. Đồng thời sau khi điều trị sạch các vết thâm nám hiện tại, các chị em cũng cần thiết có quá trình chăm sóc bảo dưỡng làn da duy trì hiệu quả điều trị kéo dài.

Nám da có rất nhiều loại mà chị em khó có thể phân biệt được mình đang ở tình trạng nào. Để giúp cho chị em biết về các loại nám, chúng tôi xin được phân loại như sau:

Nám mảng

Là vùng da trên gò má xuất hiện 1 mảng màu nâu nhạt, nám này xuất hiện do phản ứng với thuốc hay mỹ phẩm, hoặc tác hại của ô nhiễm môi trường và ánh nắng mặt trời lên trên bề mặt da. Có thể công việc làm cho bạn căng thẳng, mệt mỏi, hay sử dụng thuốc tránh thai trong một thời gian dài cũng là nguyên nhân gây nên nám mảng. Nhưng nám da này không sâu (hay còn gọi là nám không chân) nên việc trị liệu sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn bằng một số công nghệ trị liệu thẩm mỹ như Laser Toning, Fraxel Dual hoặc điều trị dưỡng da bằng tế bào gốc.

Nám sâu

Có nguyên nhân từ bên trong cơ thể do nội tiết tố thay đổi, hoặc đối với những phụ nữ đang mang thai và tiền mãn kinh, biểu hiện của loại nám này trên bề mặt da là những đốm nâu sẫm màu nên nám sâu cũng được hiểu là loại nám đốm. Nếu làn da không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách, thì nám sẽ ngày càng tăng sắc tố, biểu hiện là những đốm nâu ngày càng sậm màu. Điều trị loại nám da này rất khó và lâu dài nên phải sử dụng đến công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là laser Excel V, Fraxel Dual, Atlas Dual kết hợp với điều trị tế bào gốc đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào da mới.

Nám hỗn hợp

Là sự kết hợp giữa 2 loại nám mảng và nám đốm, nên phương pháp điều trị cũng sẽ phức tạp, và lâu dài hơn. Tùy vào từng mức độ nặng hay nhẹ của nám da mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng các phương pháp laser phù hợp và kết hợp với các chương trình điều trị tế bào gốc khác.

Nhìn chung, nám da là tình trạng xuất hiện những vết, đám da biến đổi sắc tố màu nâu xám trên mặt, phát triển chậm, có xu hướng ngày càng đậm màu nếu không có biện pháp phòng ngừa. Nám da không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ nên cần được điều trị đúng cách. Nám là tình trạng tăng hắc tố melanin dưới một vùng da nhất định, gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân và rất khó điều trị.

Nám xuất hiện rất phổ biến ở phụ nữ các độ tuổi. Melanin vốn là một sắc tố được sản sinh bởi các tế bào melanocyte bên dưới lớp biểu bì, có nhiệm vụ giúp bảo vệ làn da trước tác hại của các tia UV. Tuy nhiên, khi các hắc tố này tập trung với mật độ lớn sẽ gây ra tình trạng nám. Việc tăng sản sinh melanin thường xuất hiện trong thai kỳ nhưng cũng rất phổ biến khi người phụ nữ bước vào tuổi trung niên, giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh.

Nám da thường xuất hiện ở trán, hai má, đôi khi xuất hiện ở hai bên cổ, vai và cánh tay. Nám có khi nhỏ nhưng cũng có những vết nám giống như những đốm tàn nhang và các mảng nám lớn. Nám da được phân biệt độ sâu như ở biểu bì, trung bì và hỗn hợp.

Điều trị nám da

Thông thường, khi bị nám da, đa số chị em đều tìm mọi cách để chữa trị. Tuy nhiên, việc điều trị nám không phải một sớm một chiều có thể hết ngay, mà hiệu quả đến rất chậm, đòi hỏi phải kiên trì. Do khó xác định được nguyên nhân cụ thể nên điều trị nám da rất khó, tốn nhiều thời gian và cần phải theo sát hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Các biện pháp làm trắng nhanh mà các chị em thường nóng vội sử dụng có thể giúp loại bỏ vết nám tạm thời nhưng rất dễ gây nguy cơ nám da trở lại, thậm chí trầm trọng và khó điều trị hơn, da cũng sần sùi và kém sức sống. Rất nhiều chị em khi đi khám thì đã bị hư da mặt vì điều trị nám sai cách trên vùng da đặc biệt nhạy cảm này.

Nên điều trị nám da kết hợp: ngừng uống thuốc tránh thai; dùng kem chống nắng khi đi ngoài trời. Sử dụng kem tẩy nhẹ để rửa và da khô thì dùng thêm kem dưỡng ẩm nhẹ (nếu da vừa bị nám vừa có mụn trứng cá thì không nên áp dụng). Ngăn chặn sự hình thành sắc tố mới bằng các loại kem ức chế hình thành melanin của tế bào melanocytes, bao gồm: hydroquinon 2-4% (trong khoảng 3 tháng), thuốc có thể gây kích ứng và đỏ da. Axit azelaic có thể được sử dụng lâu dài, an toàn ngay cả trong thời kỳ mang thai, tuy nhiên, thuốc có thể gây kích thích da. Sử dụng corticosteroid bôi tại chỗ như hydrocortison có thể làm cho các vết nám nhanh phai màu nhưng dễ bị các phản ứng phụ (teo da, mỏng da).

Các phương pháp khác

Phương pháp lột bỏ sắc tố: Có thể sử dụng kem bôi salicylic acid. Ngoài ra, có thể dùng alpha hydroxyacids bôi tại chỗ, gồm axit glycolic và axit lactic, dùng giống như kem lột da. Việc dùng kem chứa retinoids bôi tại chỗ cũng là giải pháp, nhưng có nhiều phản ứng phụ, có thể gây viêm da và không được sử dụng trong thai kỳ.

Phá hủy sắc tố bằng ánh sáng cường độ cao: thời gian điều trị từ 10-20 tuần, nhưng ngay cả những người có kết quả điều trị tốt thì sắc tố có thể xuất hiện trở lại khi tiếp xúc với ánh nắng hoặc do rối loạn nội tiết.

Nói chung không có phương pháp nào có thể trị nám hết nhanh và hiệu quả lâu dài nếu không kết hợp giải pháp tránh tối đa vùng da vừa điều trị tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng.

Nói tóm lại, khi bạn bị nám, việc đầu tiên là đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định nguyên nhân và chỉ khi nào xác định đúng nguyên nhân để chữa thì mới có thể trị hết nám. Thuốc để trị nám trên thị trường hiện nay không có nhiều sản phẩm và không mang lại hiệu quả thực sự cũng như không thể dùng cho hầu hết các trường hợp bị nám. Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc hoặc mỹ phẩm cho dù sản phẩm đó đã được một số người sử dụng an toàn.

Các hoá chất được dùng nhiều trong các mỹ phẩm làm trắng da, chống nám... đều chứa lượng chất tẩy mạnh, có thể lúc mới dùng, da được tẩy trắng trông rất đẹp, nhưng dùng một thời gian lâu, càng ngày da càng bị bào mòn, lớp da non sẽ hiện lên, nếu đi nắng rất dễ bị nám da; đồng thời trong kem có hàm lượng thủy ngân nhỏ có thể gây teo da, nếu dùng lâu, da mặt sẽ nám vĩnh viễn. Tuyệt đối không dùng mỹ phẩm, thuốc trị nám bán ngoài thị trường mà trên bao bì sản phẩm không ghi thành phần. Nhiều trường hợp bị nám vĩnh viễn vì đã dùng qua các kem chứa adrenocorticiod như là mỹ phẩm thoa mặt. Kết quả là da mặt bị teo, dẫn tới rối loạn dinh dưỡng, mất sức đề kháng khiến da bị nám nhiều hơn.

Lưu ý trong ăn uống: Có những thức ăn làm sung huyết trên da, do đó sẽ làm các vết nám đậm hơn. Cần tránh rượu, bia và các gia vị gây nóng. Ăn nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, chơi thể thao đều đặn và tránh nắng. Cần cải thiện chế độ dinh dưỡng bằng thực phẩm giàu các vitamin A, C, E, omega-3, selen để chống lão hóa da. Nên đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời và sử dụng kem chống nắng thường xuyên để ngăn tác hại của ánh nắng mặt trời đối với da./.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên