27/05/2023 21:56 GMT+7

Tại sao áp đặt 'phụ nữ phải nhu mì, đàn ông phải mạnh mẽ'?

Có 64% người được khảo sát từng nghe 'phụ nữ phải dịu dàng, nhu mì' và 53% đồng ý điều này. 65% người được hỏi đồng ý rằng 'đàn ông phải mạnh mẽ'.

Tại sao áp đặt phụ nữ phải nhu mì, đàn ông phải mạnh mẽ? - Ảnh 1.

Các diễn giả chia sẻ giải pháp để vượt qua định kiến giới cho nữ sinh Việt Nam - Ảnh: HẰNG NGA

Đó là những dữ liệu đáng chú ý được bà Trần Vân Anh - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - trích từ báo cáo Những thách thức về giới trong tiếp cận giáo dục của trẻ em gái Việt Nam thực hiện tháng 4-2023 với 7.000 người tham gia.

Báo cáo được công bố tại Diễn đàn nữ sinh Việt Nam ngày 27-5.

Phụ nữ thường xuyên chịu định kiến giới

Theo bà Trần Vân Anh, hơn 90% trẻ em gái thường xuyên phải nghe các quan điểm mang định kiến giới. Khoảng 53% người được khảo sát đồng ý với nhận định “phụ nữ phải dịu dàng, nhu mì”. Có 65% người được hỏi đồng ý với quan điểm “đàn ông phải mạnh mẽ”.

Theo nhóm nghiên cứu, tỉ lệ nam sinh đồng ý với các nhận định mang định kiến giới cao hơn từ 10 - 20% so với nữ giới. Như vậy, nếu các quan điểm trên được lan truyền rộng rãi, học sinh, sinh viên có thể bị ảnh hưởng và dần nghĩ đó là đúng.

“Điều đáng buồn là nhiều em gái cũng đồng ý với những định kiến trên”, bà Anh quan ngại.

Cũng trong báo cáo, có 35% nữ sinh được hỏi từng nghe tới việc “con gái không nên học cao mà nên tìm người tốt để kết hôn”, khoảng 36% người được khảo sát từng nghe định kiến “việc nhà, nội trợ là trách nhiệm của phụ nữ”. Ngược lại, chỉ có 10% người được hỏi không biết hoặc không nghe đến các định kiến giới như trên.

Gần 50% nữ sinh ngại khi “đến tháng"

Báo cáo cũng nêu gần 50% nữ sinh tham gia trả lời ngại ngùng khi “đến tháng” dẫn tới việc giấu đi băng vệ sinh, tampon… Qua phỏng vấn sâu nhiều học sinh nữ, cha mẹ các bạn thường áp đặt “kinh nguyệt là vấn đề riêng tư, tế nhị và nên tránh để người khác, đặc biệt là con trai”.

Ngoài ra, một số nữ sinh còn bị nam giới trêu chọc, chế giễu khi thấy bạn nữ cầm băng vệ sinh.

Thêm nữa, có tới 40% nữ sinh nói phải nghỉ học vì đau bụng, khó chịu liên quan đến kinh nguyệt. Trong khi đó, chỉ có 23% học sinh nữ cảm thấy nhà vệ sinh của trường đủ thoải mái và 46% cho biết cảm thấy không an toàn khi sử dụng.

Qua đó, chuyên gia Trần Vân Anh mong muốn cả xã hội hiểu rằng việc nữ giới “đến tháng” không phải vấn đề đáng xấu hổ và hãy giúp nữ sinh tránh cảm giác ngại ngùng, tự ti khi đến lớp. Đồng thời vị này khuyến nghị nhà trường đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, riêng tư cho học sinh nữ.

Tại diễn đàn, TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng gợi ý các bạn trẻ, nhất là phái nữ, có thể “cho phép bản thân được buồn trong 1, 2 hay 3 ngày nhưng đừng bao giờ vội vàng quyết định bất cứ thứ gì, khi bình tĩnh lại thì lựa chọn mới có thể chính xác hơn”.

Tài năng trẻ Việt: Đừng vì nữ nộp hồ sơ mà định kiến, không cho họ thăng tiếnTài năng trẻ Việt: Đừng vì nữ nộp hồ sơ mà định kiến, không cho họ thăng tiến

TTO - Chỉ ra một nghiên cứu năm 6 tuổi, điểm toán của bé gái cao hơn bé trai, nhưng sau 2 năm tình thế hoàn toàn ngược lại, TS Hà Thị Thanh Hương cho biết điều này phát xuất từ định kiến xã hội về giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên