04/09/2012 07:51 GMT+7

Tài sản của Mubarak vẫn còn nguyên ở Anh

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Điều tra của truyền thông Anh cho thấy chính quyền London đã ngó lơ để các quan chức thuộc chính quyền cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tiếp tục che giấu tài sản ở các ngân hàng Anh.

xlB9sjBf.jpgPhóng to
Dinh thự sang trọng của Gamal Mubarak ở London vẫn không bị phong tỏa - Ảnh: Guardian

Cuộc điều tra trong sáu tháng của BBC Ả Rập, công bố ngày 3-9 cùng báo Guardian và báo Ả Rập al-Hayat, cho thấy rất nhiều quan chức cao cấp dưới thời Mubarak vẫn đang che giấu nhiều triệu USD tài sản tham nhũng ở Anh. Hiện Chính phủ Ai Cập đang kiện Bộ Tài chính Anh vì chậm trễ trong việc thu hồi tài sản của Ai Cập.

Nhiều tài sản giá trị

Theo BBC, cuộc cải tổ theo định hướng thị trường tự do của chế độ Mubarak vào thập niên 1990 và 2000 đã đẩy hàng loạt công ty nhà nước và đất đai vào tay một nhóm nhỏ doanh nghiệp thân cận với chính phủ. Các quan chức trong Đảng cầm quyền NDP, trong đó có cậu con trai ăn chơi của ông Mubarak là Gamal, trở nên giàu sụ. Theo ước tính của các chuyên gia phương Tây, gia đình Mubarak bòn rút của đất nước khoảng 70 tỉ USD và đem giấu trong các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.

Sự giận dữ của người dân đối với tình trạng tham nhũng đã dẫn đến cuộc cách mạng lật đổ Mubarak vào ngày 11-2-2011. Ba ngày sau, Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố Anh sẽ hợp tác với Ai Cập để đóng băng tài sản của các quan chức chế độ Mubarak. Chính quyền London khẳng định sẽ “hành động mạnh mẽ và cương quyết”. Tuy nhiên, trong khi Thụy Sĩ chỉ mất 30 phút để bắt đầu đóng băng tài sản có nguồn gốc Ai Cập, Chính phủ Anh đã chờ đợi 37 ngày trước khi thực hiện.

Giới quan sát chỉ trích sự chậm trễ này đã tạo điều kiện cho các quan chức thời Mubarak tẩu tán tài sản. Đến nay Thụy Sĩ đã phong tỏa gần 800 triệu USD tài sản bất chính có nguồn gốc Ai Cập, Chính phủ Anh mới chỉ đóng băng 135 triệu USD tài sản của gia đình Mubarak và 15 quan chức Ai Cập. Và London cũng chưa trả một đồng nào cho Ai Cập.

Các tài liệu của BBC Ả Rập cho thấy vẫn còn nhiều tài sản khác của gia đình Mubarak và tay chân ở Anh chưa bị phong tỏa. Có thể kể đến hàng loạt dinh thự sang trọng ở các khu Chelsea và Knightsbridge tại trung tâm thủ đô London. Một quan chức thân tín với Mubarak thậm chí còn thành lập một công ty ở Anh vài tháng trước dù có tên trong danh sách bị cấm vận của Bộ Tài chính Anh.

Một công ty đầu tư tên MedInvest Associates do Gamal Mubarak làm giám đốc, có trụ sở ở London, không hề bị phong tỏa. Công ty này giải thể lặng lẽ hồi tháng 2-2012, tài sản bị chuyển ra nước ngoài. Một dinh thự trị giá gần 16 triệu USD ở London của Gamal Mubarak cũng không hề bị đụng đến. Hiện Gamal Mubarak đang ngồi tù ở Cairo. Vợ của cựu bộ trưởng du lịch Ai Cập Ahmed el-Maghrabi, hiện đang ngồi tù, cũng dễ dàng mở công ty ở Anh cuối năm ngoái và đến nay công ty này vẫn đang hoạt động.

“Anh là một trong những quốc gia kém cỏi nhất trong việc truy tìm và đóng băng tài sản Ai Cập” - báo Guardian dẫn lời tiến sĩ Mohamed Mahsoob, người dẫn đầu chiến dịch truy tìm hàng tỉ USD bị đánh cắp của Ai Cập - Chính phủ Anh nói rằng họ cần yêu cầu chính thức từ Chính phủ Ai Cập trước khi hành động, và họ đang cho phép tài sản tham nhũng tự do luân chuyển tại Anh. Đó là hành vi trục lợi chính trị”.

Cố tình trì hoãn

Theo tiến sĩ Mahsoob, hành vi của Chính phủ Anh tương đương với việc bòn rút tài sản của người dân Ai Cập. Thẩm phán Assem el-Gohari thuộc Bộ Tư pháp Ai Cập cho biết từng nhiều lần yêu cầu nhà chức trách Anh hành động, tuy nhiên phản ứng của London luôn là cơ quan điều tra Anh cần thêm thông tin. “Chính quyền Anh không hề muốn truy tìm tài sản của Ai Cập. Họ cứ đòi hỏi bằng chứng, nhưng chúng tôi đang ở Ai Cập, làm sao điều tra ở Anh được” - thẩm phán el-Gohari bức xúc. Ông cho rằng Anh đã vi phạm luật pháp quốc tế.

BBC dẫn lời giáo sư Mark Pieth, một trong những chuyên gia về hoạt động thu hồi tài sản xuyên quốc gia, nhận định kết quả điều tra của truyền thông Anh là chuyện dễ hiểu. “Là một công dân tôi cảm thấy bức xúc, nhưng là một luật sư tôi không ngạc nhiên. Chính quyền Mubarak có quan hệ thân cận với phương Tây, đặc biệt là với Anh. Vả lại có hàng tá ngân hàng Ả Rập ở London. Gia đình Mubarak và tay chân cảm thấy thoải mái khi gửi tiền ở Anh”.

Phản ứng lại cáo buộc từ giới truyền thông và chính quyền Ai Cập, Thứ trưởng ngoại giao Anh Alistair Burt khẳng định chính quyền London đã rất nỗ lực. “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với nhà chức trách Ai Cập để truy tìm tài sản tham nhũng. Điều quan trọng là việc thu hồi tài sản phải diễn ra hợp pháp. Chính phủ Anh không thể lấy tài sản của một cá nhân chuyển cho một quốc gia khác khi chưa kết tội người đó” - ông Burt nhấn mạnh.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên