18/04/2014 08:22 GMT+7

Tai nạn thảm khốc với phà Sewol: Ít hi vọng cho các nạn nhân

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hôm qua, các đội cứu hộ Hàn Quốc đã nỗ lực chống chọi với gió mạnh và sóng lớn để tiếp tục tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm phà ở bờ biển phía tây nam.

Chìm tàu ở Hàn Quốc: phụ huynh vật vã, khóc ròngChìm tàu thảm khốc ở Hàn Quốc

3Ze4ISJB.jpg
Nỗi đau của các bậc phụ huynh khi con bị mắc kẹt dưới nước - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin AFP, nhà chức trách cho biết trong số 470 hành khách và thủy thủ trên tàu đã có 179 người được giải cứu và chín người thiệt mạng. Như vậy vẫn còn 287 người, phần lớn là học sinh, đang mất tích, nhiều khả năng bị mắc kẹt trong chiếc phà bị lật. Hải quân Hàn Quốc cho biết 512 thợ lặn quân đội đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chiếc phà do gió mạnh và sóng lớn. Đây là khu vực có thủy triều mạnh nhất tại bờ biển Hàn Quốc.

Ít nhất ba thợ lặn đã bị nước cuốn đi nhưng may mắn được một tàu cá cứu thoát. Nước quá đục khiến tầm nhìn của các thợ lặn gần như bằng không. “Họ gần như chỉ mò mẫm dưới nước” - chuyên gia David Jardine Smith thuộc Tổ chức Cứu hộ hàng hải quốc tế (IMRF) cho biết. Ngoài các thợ lặn còn có 168 tàu và 29 máy bay tham gia cuộc tìm kiếm. Dự kiến các đội cứu hộ sẽ sử dụng cần cẩu để ổn định chiếc phà.

Hôm qua Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã có mặt tại đảo Jindo, nơi đang là trung tâm cứu nạn. Bà khẳng định các đội cứu hộ không được lãng phí một phút giây nào. Thế nhưng, một số quan chức Seoul thừa nhận cơ hội tìm kiếm người còn sống sót “gần như là bằng không”.

Những tin nhắn đầy ám ảnh

"Bà làm gì khi người ta đang chết. Thời gian đã sắp hết rồi"

Một bà mẹ phẫn nộ gào lên trước mặt Tổng thống Park Geun Hye

Nỗi đau mất mát của người dân Hàn Quốc càng trở nên nặng nề hơn khi hôm qua truyền thông công bố những tin nhắn điện thoại đầy ám ảnh mà các học sinh mắc kẹt trên tàu gửi cho người thân. “Con gửi cho mẹ tin nhắn này trong trường hợp con không thể nói với mẹ một lần nữa. Con yêu mẹ” - nam sinh Shin Young Jin gửi tin nhắn điện thoại cho mẹ khi chiếc phà bắt đầu bị lật. Không hề biết con mình đang ở trong tình cảnh nguy hiểm, bà mẹ nhắn tin lại: “Ôi, mẹ cũng yêu con nhiều lắm”.

Việt Nam chia buồn sâu sắc

Hôm qua, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Chúng tôi hết sức quan tâm, lo lắng khi nhận được tin tai nạn lật phà tại Hàn Quốc ngày 16-4 khiến nhiều người thiệt mạng và mất tích. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình những nạn nhân bị thiệt mạng và mong rằng những nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của Chính phủ Hàn Quốc sẽ giúp sớm tìm thấy những nạn nhân còn đang mất tích”.

(Theo TTXVN)

Shin là một trong 179 hành khách đã thoát hiểm. Những người khác không được may mắn như vậy. Cậu học sinh 16 tuổi Kim Woong Ki gửi tin nhắn đầy hoảng hốt cho anh trai khi chiếc phà nghiêng về một phía. “Phòng của em nghiêng 45 độ. Điện thoại cũng không gọi được”. Người anh trai gửi tin nhắn lại: “Đừng hoảng sợ, em hãy làm theo hướng dẫn. Em sẽ ổn thôi”. Sau đó hai anh em không thể liên lạc được với nhau và Kim là một trong những người mất tích.

Điều đáng buồn là lời khuyên của người anh có thể đã đẩy cậu em vào vòng nguy hiểm. Bởi các thủy thủ trên tàu đã yêu cầu hành khách ngồi yên khi tàu có dấu hiệu bị lật. Các chuyên gia hàng hải và thân nhân nhiều hành khách khẳng định đó chính là lý do khiến các học sinh bị mắc kẹt trong chiếc phà khi nó lật hẳn xuống mặt nước. Tình cảnh khủng khiếp đó được thể hiện trong tin nhắn mà nữ sinh 18 tuổi họ Shin gửi cho cha mình.

“Ba ơi, đừng lo. Con đang mặc áo phao và ở bên cạnh nhiều bạn khác. Bọn con đang ở bên trong chiếc phà, ở tiền sảnh” - Shin nhắn. Người cha hoảng sợ nhắn lại bảo con hãy cố thoát ra ngoài. Nhưng đã quá muộn. “Con không thể ba ạ. Chiếc phà bị lật hẳn rồi. Tiền sảnh chật ních người” - cô bé nhắn lại. Sau đó liên lạc đã bị cắt đứt.

Một vài phụ huynh kịp gọi điện thoại lần cuối cho con mình trước khi tín hiệu di động tê liệt. “Con tôi nói với tôi rằng phà đã bị lật và nó không nhìn thấy gì cả - báo Dong-A Ilbo dẫn lời một bà mẹ đau đớn kể - Nó nói rằng nó vẫn chưa mặc áo phao rồi điện thoại im bặt”. Báo JongAng Ilbo dẫn tin nhắn của một học sinh gửi tin cho 30 người bạn cùng câu lạc bộ kịch nghệ: “Quý tất cả các bạn. Thật đấy. Nếu mình từng làm sai điều gì với ai thì hãy tha thứ cho mình”.

D023Xu3Y.jpg
Thủ tướng Jung Hong Won được cận vệ che chở trước sự tấn công của các gia đình đang giận dữ - Ảnh: Reuters
BpBlpCOR.jpg
Một thợ lặn nhảy xuống nước để tìm kiếm người mất tích - Ảnh: Reuters

Nỗi đau và sự giận dữ

Theo Reuters, hiện tại nhà chức trách vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ lật phà dù cảnh sát đã mở cuộc điều tra. Chiếc phà được sản xuất tại Nhật 20 năm trước và di chuyển trên một vùng biển đông đúc. Dù khu vực này có đá ngầm và nước nông nhưng chúng không nằm trong đường di chuyển của tàu phà. Đài truyền hình YTN dẫn lời một số nhân viên điều tra cho biết có khả năng chiếc phà đã đi chệch đường và bị gió mạnh thổi lật.

Một số nguồn tin cho biết thuyền trưởng Lee Joon Seok, 69 tuổi, là một trong những người đầu tiên nhảy khỏi chiếc phà bị lật. Khi xuất hiện trên truyền hình, ông Lee từ chối trả lời mọi câu hỏi và chỉ nói: “Tôi xin lỗi gia đình các hành khách”. Hiện ông Lee đang bị lực lượng tuần duyên thẩm vấn và sẽ bị điều tra hình sự. Nhiều người thân của các hành khách đã vô cùng phẫn nộ khi nghe tin ông Lee trốn chạy khỏi phà trước tiên. “Đó là hành vi hèn hạ. Tôi vô cùng giận dữ” - ông Lee Yong Ki, có con bị mất tích, bức xúc.

Nhiều người sống sót cũng giận dữ với việc các thủy thủ yêu cầu họ phải ngồi yên khi phà bắt đầu nghiêng. “Chúng tôi bị buộc phải ngồi yên. Nhưng sau đó nước tràn vào. Đám trẻ bắt đầu hét lên kinh hoàng” - Đài truyền hình YTN dẫn lời người sống sót Hyun Hung Chang. Một người sống sót khác khẳng định: “Lũ trẻ bị buộc không được di chuyển. Chỉ có những ai tìm cách trốn mới thoát chết”. Trên phà có hàng chục thuyền cứu sinh, nhưng chỉ có hai chiếc được sử dụng.

Các bậc phụ huynh cũng chỉ trích chính phủ đã mở chiến dịch cứu hộ một cách quá chậm chạp. AFP cho biết hôm qua nhiều phụ huynh đã gào thét giận dữ khi gặp Tổng thống Park Geun Hye trên đảo Jindo, cách địa điểm xảy ra tai nạn khoảng 20km.

0mzNTEl2.jpgPhóng to
Một thân nhân trên tàu cứu hộ bất lực trước nỗ lực cứu người không đạt kết quả - Ảnh: Reuters

Phà Sewol là kiểu tàu du lịch

Theo chị Lê Thị Anh Thư - một người Việt hiện đang sinh sống tại Seoul và từng có thời gian sinh sống tại Incheon - nơi xuất phát của chuyến phà xấu số, loại phà đi đảo Jeju thực chất là tàu du lịch chạy ven biển.

Đúng như tên gọi của nó, các hành khách đi phà thường kết hợp với ngắm cảnh, khám phá thay vì chọn phương tiện nhanh chóng, tiện lợi hơn là máy bay. Do đó, những đoàn đông người và giới trẻ thường chọn đi bằng phà vì còn có thể mang theo nhiều hành lý.

Ngoài ra, điểm hấp dẫn chính nữa là chi phí đi phà chỉ bằng một nửa so với máy bay. Ngoài cảng ở Incheon, còn nhiều chuyến tàu khởi hành từ các cảng khác như Busan cũng đến Jeju, hòn đảo du lịch nổi tiếng và là trọng điểm của ngành vận tải hành khách hàng hải.

Chị Anh Thư cho biết Hàn Quốc có rất nhiều chuyến tàu, phà nội địa và quốc tế đi Nga, Nhật Bản và Trung Quốc. Theo báo Independent, trước khi xảy ra vụ lật phà Sewol, ngành vận tải hành khách đường biển của Hàn Quốc được đánh giá là rất an toàn so với các quốc gia châu Á khác.

TRẦN PHƯƠNG

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên