Phóng to |
Hai toa tàu phía sau trượt lên nóc tàu phía trước - Ảnh: Reuters |
Phóng to |
AP dẫn nguồn Cơ quan giao thông Washington cho biết vụ tai nạn xảy ra lúc 17g ngày 22-6 (giờ địa phương) trên đoạn đường ray đỏ - tuyến đường tàu điện ngầm đông đúc nhất tại Washington - ở phần đường ray trên mặt đất gần địa phận thành phố Takoma Park, bang Maryland. Khi đó, một đoàn tàu đang dừng lại do có một tàu khác đang dừng ở bến. Bất thình lình, một đoàn tàu chạy cùng đường ray lao tới từ phía sau đâm sầm vào đuôi nó.
Vụ va chạm mạnh đến mức đuôi đoàn tàu trước bị xé nát, hai toa của đoàn tàu sau leo lên nóc của tàu trước.
“Cực kỳ khủng khiếp”
Nguyên nhân tổng hợp Đây là vụ tai nạn tàu điện lớn thứ ba liên tiếp tại Mỹ trong vòng chín tháng qua. Tháng 11-2008, một đoàn tàu khách đâm phải đoàn tàu hàng ở Los Angeles làm 25 người chết, 134 người bị thương do một kỹ sư trên tàu hàng mải nhắn tin điện thoại. Tháng trước, 50 người bị thương ở Boston khi hai đoàn tàu va phải nhau, người lái tàu cũng thừa nhận lúc xảy ra tai nạn anh ta đang nhắn tin. Trước đó, kể từ năm 1990-2008, số tai nạn đường sắt tại Mỹ là cực kỳ ít ỏi. Theo AFP, ngay từ tháng 1-2009, khi 1,5 triệu người (hằng ngày là 800.000) đi tàu điện tham gia lễ nhậm chức của tân Tổng thống Barack Obama, những người có trách nhiệm của hệ thống tàu điện ngầm Washington đã lên tiếng yêu cầu chính quyền cấp ngân sách để kịp đổi mới hệ thống này vốn đã được sử dụng từ 33 năm qua. “Tôi không chắc rằng mọi người trong hệ thống an toàn đều chú ý đến công việc một cách đầy đủ - AP dẫn lời chuyên gia Barry Sweedler, cựu điều tra viên NTSB, nhận xét - Mọi người đang trở nên tự mãn và sao nhãng”. Theo ông Sweedler, trong thời kỳ khủng hoảng, hệ thống đường sắt thường có ít tiền hơn, do đó thường cắt giảm chi phí cho các biện pháp an toàn. “Nguyên nhân tai nạn có thể do sự kết hợp giữa sự không may, sự sao nhãng, việc cắt giảm ngân sách và các tiêu chuẩn an toàn không được thắt chặt trong thập kỷ qua”. |
Nhiều khả năng số người chết sẽ còn tăng lên. Bà Debbie Hersman thuộc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSB) cho biết mỗi đoàn tàu gặp nạn đều có sáu toa và có thể chở tới 1.200 người. Nhưng do cả hai tàu đều chạy về phía trung tâm thành phố nên có thể chở ít người hơn sức chứa thực tế.
CNN mô tả tại hiện trường một toa tàu gần như bị bẹp dúm. Các nhân viên cứu hộ phải sử dụng nhiều thiết bị để cắt qua các đống sắt thép tìm kiếm nạn nhân. Thị trưởng Fenty nhìn nhận khung cảnh là “cực kỳ khủng khiếp”.
Cô Jasmine Gars, một hành khách thoát nạn, mô tả đoàn tàu như thể đâm phải bức tường bêtông. “Mọi người đều bị xô khỏi ghế, rồi đèn tàu tắt ngúm và khói đen bắt đầu tỏa ra dày đặc”. Một nữ y tá đi trên tàu cho biết tất cả hành khách trong toa của cô đều bị thương. “Đôi chân của một cô gái bị xé nát, những mảnh vụn kim loại cắm đầy trên mặt” - cô kinh hoàng kể.
Như lời các nhân chứng, hành khách không hề tỏ ra hoảng loạn. “Rất nhiều người tỏ ra đau đớn và khóc, nhưng không ai gào hét điên dại - cô Wickett kể - Nhiều người dù bị thương nhưng vẫn ở lại giúp đỡ các nạn nhân khác khi chúng tôi lên tiếng kêu cứu”.
Nguyên nhân từ máy hay từ người?
NTSB đã cử nhân viên đến hiện trường điều tra với sự hỗ trợ của Cục Điều tra liên bang (FBI). Người phát ngôn của Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết ở thời điểm này, không có dấu hiệu nào cho thấy đây là kết quả của một vụ tấn công khủng bố. Các đội cứu hộ cũng đang tìm kiếm các thiết bị ghi lại tốc độ và hoạt động điều khiển tàu để làm rõ nguyên nhân tai nạn.
Báo Washington Post dẫn lời một số chuyên gia đường sắt nhận định hệ thống tín hiệu bị lỗi có thể đã gây ra vụ tai nạn. Hệ thống tín hiệu vi tính hóa của tàu điện ngầm được thiết kế nhằm ngăn chặn các tàu đâm nhau. Các tàu được điều khiển bởi máy vi tính trên buồng lái kiểm soát tốc độ và phanh. Một hệ thống điện tử khác cũng được trang bị để phát hiện vị trí của các tàu khác nhằm đảm bảo một khoảng cách an toàn giữa hai tàu. Nếu các tàu quá gần nhau, máy vi tính sẽ tự động nhấn phanh. Trên lý thuyết, các hệ thống này giúp ngăn chặn tuyệt đối 100% những vụ tai nạn kiểu như vụ đâm tàu ở Washington.
Tuy nhiên, hồi tháng 6-2005 một tình huống tương tự cũng xảy ra khi hệ thống tín hiệu bị lỗi ở đường ngầm giữa khu Foggy Bottom và khu Rosslyn cũng ở Washington. Người lái tàu lần đó nhận thấy tàu mình đang ở rất gần một tàu khác trước mặt, nhưng hệ thống tín hiệu vẫn thông báo đường ray không có tàu khác. Cả hai người lái tàu đã kịp thời phanh tàu bằng tay và tránh được vụ va chạm. Các quan chức giao thông Washington khi đó đã cho điều tra nguyên nhân, nhưng vụ việc đã chìm vào quên lãng cho đến nay.
Các chuyên gia cho biết trong vụ tai nạn mới đây, nhiều khả năng người lái đoàn tàu phía sau đã không phanh khẩn cấp bằng tay. Đây là một điều khó hiểu bởi khi đó thời tiết quang đãng, cả hai đoàn tàu đều ở trên mặt đất nên không thể có chuyện người lái tàu không nhìn thấy đoàn tàu phía trước mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận