12/11/2014 09:03 GMT+7

​Tai nạn lao động cướp sinh mạng 700 người mỗi năm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó chỉ là con số chỉ tính riêng trong khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, được Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh - xã hội công bố trước Quốc hội sáng nay 12-11.


Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh - xã hội Phạm Thị Hải Chuyền  - Ảnh: Việt Dũng

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh - xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động.

“Việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước” - bà Chuyền nhận định.

10% lao động sức khỏe loại 4, 5

Bà Chuyền cho biết tai nạn lao động bước đầu đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực có nguy cơ cao.

Trong giai đoạn 2006 - 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm).

Trên 40.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hàng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội do bị tai nạn lao động là trên 37.000 người.

Việc đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động, tổ chức quản lý sức khỏe người lao động tuy được tăng cường nhưng vẫn còn rất hạn chế (số nơi làm việc, số người lao động thuộc diện quản lý chiếm chỉ khoảng 10% tổng số).

Riêng năm 2013, tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại 4, loại 5) chiếm 10% tổng số lao động được khám sức khỏe định kỳ.

Vẫn theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, số lượng người được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động năm sau tăng so với năm trước nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp, còn cách xa so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

Phải đảm bảo sức khỏe người lao động

“Người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, chưa quen với tác phong công nghiệp và bị hạn chế về kỷ luật lao động, thiếu huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động nên chưa hiểu biết đầy đủ về các mối nguy hiểm cần đề phòng” - bà Chuyền nói.

Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Đồng thời, bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động, là những mục tiêu quan trọng của dự luật này.

“Chú trọng hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất; gắn an toàn vệ sinh lao động với  bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng Chuyền nhấn mạnh.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên