Các xe nối đuôi, san sát nhau kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: T.T.D.
Đó là quy định tại thông tư 31/2019-BGTVT quy định tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới khi tham gia giao thông sẽ có hiệu lực thay thế thông tư 91/2015-BGTVT.
Liệu quy định mới có hiệu quả khi tình trạng vi phạm khoảng cách giữa các xe trên đường rất phổ biến như hiện nay?
Tai nạn liên hoàn trên đường cao tốc
Chính việc không giữ khoảng cách an toàn khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn liên hoàn thời gian gần đây. Sáng 8-6-2019, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang làm 7 xe hư hỏng nặng, hàng nghìn xe cộ ùn ứ.
Theo một số nhân chứng tại hiện trường, do xe 7 chỗ chạy trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hướng từ TP.HCM về miền Tây bị nổ vỏ nên thắng gấp. Ngay lúc này, 6 xe khách chạy cùng chiều phía sau đã tông liên hoàn vào các xe phía trước. Vụ tai nạn làm hơn 100 hành khách đi trên các xe này hoảng hốt và rất may chỉ có một số nạn nhân bị thương nhẹ.
Tương tự, lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam - VEC E (đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) cho biết đã có rất nhiều tai nạn liên hoàn xảy ra trên đường cao tốc này vì tài xế không giữ khoảng cách an toàn. "Ôtô được chạy tối đa 120km/h, nếu có xe thắng gấp mà tài xế xe sau không tuân thủ luật giao thông, giữ khoảng cách tối thiểu 100m, rất dễ xảy ra tai nạn liên hoàn" - lãnh đạo VEC E nói.
Theo ông Đỗ Chí Chung - chánh văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC): trong 9 tháng đầu năm 2019, trên 4 tuyến cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã xảy ra 66 vụ tai nạn khiến 14 người chết và 93 người bị thương.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định là do người tham gia giao thông không tuân thủ nghiêm các quy định khi lưu thông trên đường cao tốc, như không duy trì khoảng cách an toàn giữa các xe dẫn đến tai nạn.
Không giữ đúng khoảng cách... càng gần với tử thần
Ngày 7-10, chúng tôi ghi nhận trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn từ cầu Đồng Nai đến vòng xoay An Lạc), xe tải, ôtô, xe khách phóng khá nhanh trên đường vì cho phép chạy tối đa 80km/h. Hầu như các xe chạy bám sát nhau, khoảng cách giữa hai xe không đến 20m và có xe rồ ga, "vượt mặt" hàng loạt xe khác chỉ có vài mét.
Tương tự, trên quốc lộ 13, tình trạng ôtô, xe tải chạy với tốc độ nhanh và áp sát đuôi nhau dễ gây nguy cơ tai nạn giao thông. Trong đó, đoạn từ ngã tư Bình Phước về cầu Bình Triệu các xe chạy với tốc độ hơn 60km/h nhưng hầu như chạy san sát nhau với khoảng cách chỉ tầm 10m.
Rất nhiều người cho rằng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến đường "tử thần" về tai nạn giao thông vì hầu hết xe chạy san sát nhau, không đúng khoảng cách an toàn sau khi tuyến đường này bỏ thu phí. Dù hiện nay trên đường cao tốc này đã giảm tốc độ từ 120km/h còn 100km/h nhưng chúng tôi ghi nhận nhiều xe chỉ chạy cách nhau hai, ba chục mét, thay vì đúng quy định là 70m.
Ông Nguyễn Văn Thành, cục trưởng Cục Đường bộ 4, cho biết số vụ tai nạn giao thông 10 tháng đầu năm nay tăng đến 247% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, theo ông Thành, phần lớn nguyên nhân do các xe không giữ đúng khoảng cách.
Anh Nguyễn Văn Minh - tài xế Grab thường chạy trên đường này - cho biết phần lớn tài xế không nắm rõ các quy định về khoảng cách an toàn xe. Bởi vì trước nay CSGT chỉ xử phạt xe chạy quá tốc độ và sai làn đường, chưa xử phạt về khoảng cách xe. "Làm tài xế cũng đã hàng chục năm nay, tôi chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên hoàn gây hậu quả nghiêm trọng ở các tuyến quốc lộ, đường cao tốc do không giữ khoảng cách an toàn. Theo tôi, bản thân các tài xế phải tự điều chỉnh khoảng cách phù hợp với tình trạng giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và những người cùng lưu thông trên đường" - anh Minh nói.
Có tai nạn mới xử phạt được
Một cán bộ CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC08) cho biết hầu hết ôtô đều không đi đúng khoảng cách quy định. Thực tế xe đi trên đường chỉ giữ khoảng cách 10-20m, do hạ tầng đường sá tại TP.HCM có hạn chế. Cảnh sát cũng khó xử phạt trong những trường hợp này do không có máy hay thiết bị đo khoảng cách.
Trung tá Nguyễn Văn Bình - đội trưởng đội tham mưu PC08 cho biết: mặc dù các thông tư đều có quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn bắt buộc đối với các loại xe lưu thông trên đường, tuy nhiên trước nay tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành chỉ xử phạt lỗi vi phạm tốc độ tối đa cho phép, chưa xử phạt trường hợp nào vi phạm khoảng cách an toàn.
"Chỉ trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, lực lượng CSGT mới phong tỏa hiện trường, ghi nhận khoảng cách các xe để xác định nguyên nhân tai nạn. Trong trường hợp này, xe vi phạm khoảng cách an toàn mới bị xử phạt theo đúng quy định" - ông Bình nói.
Ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng Sở GTVT TP.HCM cũng cho rằng, căn cứ vào hạ tầng TP, lưu lượng lưu thông trên đường, nếu buộc các xe phải chạy đúng tốc độ, giữ đúng khoảng cách e rằng sẽ khiến tình trạng giao thông ùn tắc trầm trọng, gây ra nhiều hệ lụy khác.
* Ông Lê Hồng Việt (phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM):
Không thể lấy hạ tầng kém để biện hộ việc vi phạm luật
Quy định xe cần phải giữ khoảng cách an toàn khi lưu thông trên đường nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về tai nạn giao thông. Bởi khi chiếc xe phía trước gặp sự cố bất ngờ, các xe phía sau kịp thời xử lý để không xảy ra tai nạn liên hoàn với xe trước. Vì vậy, việc xe chạy không đúng khoảng cách hiện nay chủ yếu do ý thức chấp hành luật giao thông kém.
Do đó, không nên đổ lỗi cho hạ tầng giao thông kém để biện hộ cho xe chạy chưa đúng khoảng cách. Để đảm bảo việc thực thi pháp luật nghiêm minh thì các cơ quan chức năng cần tăng cường xử phạt xe vi phạm và không nên chờ đến khi xảy ra tai nạn giao thông rồi mới kiểm tra xử lý người vi phạm chạy xe không đúng khoảng cách vì cách làm này đã đặt ra sự việc đã rồi, trong khi thiếu biện pháp răn đe từ đầu.
* Ông Nguyễn Ngọc Tường (phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM):
Cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và xử phạt nghiêm
Dù hạ tầng TP có hạn chế nhưng bản thân người điều khiển phương tiện cũng phải điều chỉnh tốc độ, khoảng cách an toàn cho phù hợp. Việc yêu cầu giữ khoảng cách an toàn nhằm đảm bảo an toàn giữa các xe, phòng tránh va chạm, tai nạn giao thông và các tai nạn liên hoàn có thể xảy ra.
Muốn người dân chấp hành quy định này, các cơ quan chức năng phải đảm bảo xử phạt nghiêm. Mà muốn phạt nghiêm, TP cần nâng cấp hạ tầng đường sá. Tại các tuyến quốc lộ, trục đường chính cần có kế hoạch mở rộng, thêm làn để tạo điều kiện giãn bớt mật độ xe. Điều này sẽ giúp các xe đi lại thông suốt, đảm bảo khoảng cách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận