02/10/2014 09:45 GMT+7

​Tái cơ cấu kinh tế “hết sức khó khăn”

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Là kết quả giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế được Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1-10

Ảnh: Phương Hoa

Kết quả giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1-10 cho thấy việc đạt được mục tiêu bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế vào năm 2015 là hết sức khó khăn.

Đoàn giám sát nhận định nhìn tổng thể ba năm qua, các cân đối lớn của nền kinh tế đạt được kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, chỉ số tăng giá tiêu dùng được giữ ở mức thấp, chất lượng đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả thực hiện trên ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu thì vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập.

Tôi thấy còn nhiều vấn đề lắm. An ninh tài chính bị đe dọa, bội chi vẫn lớn, trả nợ là vấn đề vì chúng ta phải vay để đảo nợ rồi 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Chậm đổi mới, sở hữu chéo đe dọa ngân hàng

Theo đoàn giám sát, trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư công vẫn đóng vai trò quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cho dù việc huy động đầu tư ngoài ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả.

“Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia khu vực công có sinh lời. Đầu tư vào công nghệ cao, vào những ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình cũng như dự án thấp vẫn chưa được xử lý triệt để” - ông Giàu cho hay.

Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, ông Giàu cho biết: “Tiến độ chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá... Tiến độ thoái vốn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế chậm. Nhiều nội dung quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới”.

Mới đây, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định đã nỗ lực làm rất nhiều việc để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, cứu các ngân hàng yếu kém tránh nguy cơ đổ vỡ, từng bước làm lành mạnh hóa thị trường tài chính - tiền tệ.

Thế nhưng báo cáo giám sát lại đưa ra nhận định rất đáng lo ngại: “Năng lực cạnh tranh của nhiều tổ chức tín dụng chưa cải thiện đáng kể, nhất là áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Một số giải pháp thực hiện quá trình tái cơ cấu còn mang tính hành chính, tình thế. Việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng đang diễn biến phức tạp, vốn điều lệ không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng”.

Ai chịu trách nhiệm?

Đánh giá về bản báo cáo giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói: “Tôi thấy thiếu một nội dung rất quan trọng, đó là việc chỉ rõ trách nhiệm cụ thể”.

Ông đề nghị đoàn giám sát đề cập trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, chỉ ra được những thể chế trong ba năm qua có gì đột phá, đi vào cuộc sống.

“Tập đoàn kinh tế chúng ta thí điểm bao lâu nay rồi nhưng khung pháp lý chỉ mới dừng lại ở quyết định của Thủ tướng. Trong khi bao nhiêu chuyện xảy ra rồi, Vinalines, Vinashin... Nền kinh tế người ta bảo ra ngõ gặp ngân hàng, số lượng nhiều quá, vậy tái cơ cấu đạt được những gì, số lượng như vậy là vừa chưa?” - ông Quyền phân tích. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với ý kiến này và đề nghị đoàn giám sát bổ sung vào báo cáo.

“Tôi cứ tự hỏi mình tại sao mấy nước xung quanh ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia không biết họ có tái cấu trúc nền kinh tế của họ hay không mà kinh tế họ phát triển tốt, tăng trưởng cao 7-8%/năm, lạm phát lại thấp. Các đồng chí giải thích giùm tôi được không?” - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lên tiếng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng bức xúc khi đọc cả bản báo cáo mà “không thấy dòng nào nói về trách nhiệm”. Ông Lý đề nghị phải phân tích thật cụ thể, ví dụ công ty mua bán nợ xấu hoạt động thế nào, thiếu cơ chế gì, tại sao mua 56.000 tỉ đồng nợ xấu nhưng mới bán được có 1.600 tỉ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị cần làm rõ tái cơ cấu đến năm 2015 thì đã làm được đến đâu, đạt được những gì so với mục tiêu mà Quốc hội đặt ra. Sau khi giám sát thì Quốc hội ra nghị quyết phải chỉ rõ trách nhiệm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp cho thời gian tới.

“Tôi thấy còn nhiều vấn đề lắm. An ninh tài chính bị đe dọa, bội chi vẫn lớn, trả nợ là vấn đề vì chúng ta phải vay để đảo nợ rồi. Hiện nay thị trường tiền tệ vẫn đóng vai trò chính, doanh nghiệp vẫn vay ngân hàng, chứ thị trường vốn, phát hành cổ phiếu chưa đáng bao nhiêu.

Trong hệ thống ngân hàng thì tỉ lệ yếu kém là không nhỏ, không trích đủ dự phòng, nợ xấu vẫn phát triển...” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Các bộ nói gì?

Bà Nguyễn Thị Hồng - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - thừa nhận nợ xấu và sở hữu chéo là hai vấn đề rất quan trọng phải xử lý trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. “Ở trên thế giới thì sở hữu chéo là bình thường, vấn đề là mức độ và khả năng kiểm soát đến đâu” - bà Hồng nói.

Bà cho biết Ngân hàng Nhà nước đang từng bước áp dụng các chuẩn mực quốc tế cho tổ chức và hoạt động của các ngân hàng VN, phấn đấu năm 2015 phải có 10 ngân hàng đạt chuẩn Basel 2.

Trong khi đó, đề cập câu chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đề nghị phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty.

“Tâm lý của họ là ngại làm, đặc biệt là vừa qua trong tình trạng sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên lại càng ngại, dù Thủ tướng rất quyết liệt trong chỉ đạo vấn đề này.

Tất cả tập đoàn, tổng công ty phải lên sàn chứng khoán để thu hút vốn, để minh bạch hoạt động, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp” - ông Hiếu nói.

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên