27/01/2013 09:17 GMT+7

"Tái cấu trúc" hình thù thế nào?

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Hôm qua 26-1, hầu hết các chuyên gia kinh tế lớn phía Bắc đã tham gia hội thảo “Kinh tế VN 2012-2013: tái cơ cấu và cân đối vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức.

MFTOP5PG.jpgPhóng to
Bà Trần Thị Lệ Nga (bìa phải) - trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TP.HCM - trả lời thắc mắc doanh nghiệp tại buổi đối thoại giữa cơ quan thuế với người nộp thuế TP.HCM tháng 5-2012. Cơ quan thuế cần giảm thủ tục có lợi cho người nộp thuế nhiều hơn nữa - Ảnh: Thanh Đạm

Trước tình hình kinh tế “bất thường”, “đáng lo”..., nhiều phát biểu không rào đón đã nêu thực trạng kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp.

Doanh nghiệp nộp thuế chiếm 34,5% lợi nhuận

Là người đưa ra các chỉ số đánh giá của Ngân hàng Thế giới, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết ngay đánh giá về hiệu quả nhà nước (thước đo tổng hợp về chất lượng dịch vụ công, chất lượng xây dựng và thực hiện chính sách, độ tin cậy của các cam kết Chính phủ) của VN hiện thấp thứ 10 trên 12 nền kinh tế Đông Á, sau cả Indonesia, Philippines, chỉ trên Campuchia, Lào. Đặc biệt, hai chỉ số rất quan trọng thể hiện quyền lực nhà nước là bảo vệ nhà đầu tư và xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán của VN đều đứng vị trí gần như cuối cùng, thứ 169 và 149 trên 183 nước.

PGS.TS Phạm Hồng Chương - Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội - dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh VN năm 2012, trong đó nêu rõ mức độ thuận lợi trong kinh doanh của VN đang xếp thứ 99 trong 183 nước. Cho biết bài tham luận là tổng hợp ý kiến của tác giả và một số đề tài nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân, số liệu ông Chương đưa ra cho thấy việc cấp phép xây dựng ở VN có tới 11 thủ tục và thời gian cần... 110 ngày. Chi phí phải bỏ ra chiếm tới 67,3% thu nhập trên đầu người. Số thủ tục để tiếp cận điện năng là 6 nhưng thời gian cần để tiếp cận lên tới 115 ngày. Tiêu chí về bảo vệ nhà đầu tư, VN xếp thứ 169 trên 183 nước. Riêng chỉ số mức độ dễ dàng để cổ đông khiếu kiện VN chỉ đạt 2 điểm, chỉ số mức độ bảo vệ nhà đầu tư chỉ được 3 điểm (trên thang điểm 10). Tiêu chí về nộp thuế, VN đứng thứ 138 trên 183 nước với số lần doanh nghiệp phải đóng thuế trong một năm là 32 và một năm doanh nghiệp phải bỏ ra cho thủ tục thuế tới 872 giờ. Đặc biệt, theo công bố của ông Chương, Ngân hàng Thế giới cho biết tổng thuế suất trên lợi nhuận ở VN thực tế đang là 34,5%.

Đánh giá chung về kinh tế năm 2012, PGS.TS Nguyễn Quang Thái - phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN - lo ngại khi nêu trong tháng 1-2013, lần đầu tiên số doanh nghiệp bị phá sản đã nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi đó, năng suất tổng hợp ngày càng đi xuống, thống kê đánh giá “sức khỏe” doanh nghiệp gần như không có, đến Thủ tướng cũng phải hỏi còn Vina nào nữa không. GS.TS Nguyễn Kế Tuấn, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, thẳng thắn cho rằng năm 2012 có điều bất ngờ, trong đó chứa đựng điều bất thường, ngay cả ở những chỉ tiêu có vẻ là thành tích như chỉ số CPI, xuất siêu... Đặc biệt, nói đến tái cấu trúc, ông Tuấn nêu “nói tái mãi mà không thấy chín”. Lo ngại con số nợ của các tập đoàn, tổng công ty đã trên 1,3 triệu tỉ đồng, theo ông Tuấn, nếu cộng số nợ công là 1,4 triệu tỉ đồng nữa thì nợ của VN không còn nằm ở giới hạn an toàn. Ông Tuấn cũng đưa ra nhiều câu hỏi, như: Nói đưa các doanh nghiệp nhà nước ra hoạt động bình đẳng nhưng thực tế có vậy không? Tại sao các nhà khoa học đưa ra quá nhiều kiến nghị nhưng cái được chấp nhận không nhiều? Có cái chấp nhận hình thức còn thực tế thì không?...

Khốn khổ với đề án tái cơ cấu

Được yêu cầu trả lời những câu hỏi, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định: Chính phủ đang đứng trước khó khăn năm 2013 là doanh nghiệp cạn kiệt, thậm chí khó khăn hơn. Tăng trưởng tín dụng tháng 1-2013 âm, giá cả thì tăng trong khi tháng 2 mới là tháng tết. “Tổng cầu cực thấp. TP.HCM là trung tâm kinh tế, tiêu dùng của đất nước nhưng CPI lại rất thấp” - ông Tuyển nói.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng không thể không giải quyết các khó khăn ngắn hạn nhưng giải quyết mà để phá vỡ yêu cầu về dài hạn thì nguy hiểm. Ông Tuyển cho rằng tình hình hiện nay “phải tạo cầu để khơi thông vốn”. Ông Tuyển đề nghị chính sách tài khóa phải tập trung vào mấy tháng đầu năm, đưa nhanh tiền ra để tạo cầu cho nền kinh tế. Ngoài ra, phải giải quyết nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, ông Tuyển nhấn mạnh trong ba lĩnh vực trọng tâm cần tái cơ cấu thì “tái (cơ cấu) doanh nghiệp nhà nước là quan trọng nhất”. “Tôi nói thẳng với Thủ tướng là tôi không đồng ý nói doanh nghiệp nhà nước góp phần ổn định vĩ mô” - ông Tuyển nói và cho rằng doanh nghiệp nhà nước chiếm tỉ trọng lớn trong đầu tư công, chiếm nợ lớn ngân hàng nên không tái cơ cấu, để nó không hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng chung. TS Lê Xuân Bá, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cũng trần tình: “Chúng tôi khốn khổ vì đề án tái cơ cấu, nay giải trình, mai giải trình, mệt mỏi rồi. Giờ vẫn có hai luồng ý kiến rất khác nhau”. Theo ông Bá, có ý kiến còn cho rằng đề án tái cơ cấu chẳng đi đến đâu.

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan băn khoăn về tái cơ cấu khi nêu doanh nghiệp nhà nước có đề án nhưng bộ phận doanh nghiệp phi nhà nước vẫn không biết tái cơ cấu thế nào. Cho rằng Nhà nước cần có hướng chính sách để lái các doanh nghiệp ngoài nhà nước bởi thực tế có doanh nghiệp nói “chả biết ông nhà nước định cái gì”. Theo ông Vũ Khoan, phải đưa chỉ dẫn, như thuế khuyến khích cái nào, lãi suất thế nào... để định hướng. Về tái cấu trúc nền kinh tế, ông Vũ Khoan thẳng thắn: “Lỗ hổng là đến nay không ai biết tái cấu trúc hình thù thế nào. Báo cáo Quốc hội xong rồi thôi. Bây giờ tập trung vào ba trọng tâm, không phản đối. Nhưng trên nền tảng nào, định hướng nền kinh tế đi tới đâu... Không rõ ràng gì cả”... Trong khi đó, những đổi mới rất cơ bản như nghị quyết về nguồn nhân lực thì gác lại. Ông Vũ Khoan cho rằng phải thúc lãnh đạo đừng khẩu hiệu chung chung nữa, chứ lúc nào cũng nói tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng...

Cần tăng cường giám sát độc lập

Về giải pháp cụ thể, GS.TS Nguyễn Kế Tuấn cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nên bắt đầu từ vấn đề quan điểm, như xác định vai trò kinh tế nhà nước. “Khi nào chuyện này còn, việc sắp xếp lại khó có thể thực hiện, dễ trong vòng luẩn quẩn” - ông Tuấn nói.

PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng cũng cần xem lại cơ chế ra quyết định tập thể khi nêu cơ chế này đã mất tác dụng tích cực và thành chỗ dựa của các quyết định sai lầm hoặc vụ lợi cá nhân. “Trong xã hội công nghiệp và nền kinh tế thị trường, người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sai sót, thất bại của cá nhân cũng như của đơn vị mình phụ trách” - ông Chương nói, và theo ông, đây cần được xem là khâu đột phá trong cải cách hành chính. Ngoài ra, ông Chương đề nghị cần tăng cường giám sát độc lập và thay đổi quan điểm về giám sát; công khai thu nhập các cán bộ công quyền để tăng niềm tin, đi đôi với đó là cải cách cơ chế tuyển dụng... Ông Chương cũng kiến nghị cứu thị trường bất động sản cần hỗ trợ người mua chứ không phải các doanh nghiệp bán. Cần nhận thức rõ tầm quan trọng của thúc đẩy doanh nghiệp tái cấu trúc, tránh cổ phần hóa chỉ là danh nghĩa khi Nhà nước vẫn nắm giữ toàn bộ đặc quyền với doanh nghiệp...

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên