11/08/2011 04:07 GMT+7

Tách bạch thi và tuyển sinh

TS PHẠM THỊ LY (phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ĐHQG TP.HCM)H.HƯƠNG - M.GIẢNG ghi
TS PHẠM THỊ LY (phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ĐHQG TP.HCM)H.HƯƠNG - M.GIẢNG ghi

TT - Không những đề nghị tách bạch, các chuyên gia trong số báo này còn đề nghị giải pháp thi nhiều lần trong năm hay thi bằng môn công cụ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH.

Bạn có giải pháp cho thi THPT và ĐH, xin email ý kiến của mình về toasoan@tuoitre.com.vn.

Thi nhiều môn trong tuyển sinh ĐH, nếu để kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh thì sẽ trùng lắp với mục tiêu và nội dung của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu để thúc đẩy học sinh trong quá trình học phải chú ý tới các môn khoa học xã hội thì chúng ta vẫn kích thích tâm lý “học để thi”, trong lúc tâm lý đó không phải là điều nên khuyến khích.

Để tổ chức thi có hiệu quả, chúng ta không nên giao toàn bộ việc tổ chức thi tuyển sinh cho các trường, không phải vì lo ngại tiêu cực, tham nhũng mà chủ yếu vì khảo thí là một việc cần có chuyên môn sâu, không phải trường nào cũng có đủ khả năng thiết kế đề và tổ chức thi thật sự hiệu quả. Cách tổ chức thi sao cho hiệu quả, các nước phát triển đã làm hàng trăm năm nay và không có lý do gì chúng ta không thể làm giống như vậy.

Ở Mỹ chẳng hạn, kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) được thiết kế để đo khả năng tư duy của thí sinh, thông qua những kiến thức cơ bản về toán và ngôn ngữ. Kỳ thi này nên do một trung tâm khảo thí quốc gia tổ chức thực hiện nhiều lần trong năm, học sinh có thể đăng ký thi bất cứ lúc nào các em cảm thấy đã chuẩn bị đủ. SAT không phải là thước đo kiến thức mà là thước đo trình độ phát triển trong tư duy và suy luận, do vậy những kiến thức toán nhất thiết cần có để làm được bài thi này chỉ ở mức kiến thức lớp 9. SAT không phải là một kỳ thi chỉ có đậu hoặc rớt, mà là một bảng điểm từ thấp đến cao.

Các trường sẽ tự tổ chức tuyển sinh cho mình dựa trên nhiều yếu tố. Cần tách bạch việc thi và tuyển sinh. Nhưng điểm thi chỉ là một yếu tố để tuyển sinh. Mỗi trường sẽ có những yêu cầu tuyển sinh khác nhau, tùy theo chuyên ngành đào tạo, tùy theo chiến lược phát triển của nhà trường và từng trường cần được quyền tự quyết định những yêu cầu này của họ. Ngoài điểm thi SAT, các trường có thể yêu cầu thi bổ sung các môn năng khiếu, ví dụ trường kiến trúc thi thêm môn đồ họa; trường nhạc, trường múa thi thêm môn năng khiếu...

Chọn mức điểm sàn bao nhiêu thì nhận là việc của các trường. Nếu các trường nhận vào những em có điểm quá thấp thì họ tự xây dựng hình ảnh của mình là những trường “dưới đáy”. Nếu chỉ nhận những em có điểm rất cao họ có nguy cơ không đủ số lượng để bù đắp chi phí. Giải quyết bài toán đó là việc của từng trường, nhà nước không cần phải can thiệp.

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa (trưởng Ban ĐH và sau ĐH ĐHQG TP.HCM): Thi ĐH chỉ cần thi môn công cụ

Các nước Âu, Mỹ, họ chỉ chọn thi một trong các môn công cụ như toán, logic, ngôn ngữ... để kiểm tra đầu vào. Kỳ thi ĐH không nên quá nặng nề mà cần đơn giản và mềm dẻo hơn. Thực tế các khối thi ĐH hiện nay vừa thừa vừa thiếu. Chẳng hạn thí sinh thi vào kinh tế thì môn hóa không cần thiết. Đối với khối này chỉ cần thi môn toán và một môn khoa học xã hội. Nếu cần thiết thì khuyến khích thí sinh dự thi thêm môn ngoại ngữ để cộng điểm (chẳng hạn thi từ 8 điểm trở lên sẽ được cộng thêm 1 điểm).

Ở VN, Bộ GD-ĐT có thể quy định các môn công cụ để thi ĐH như toán, ngôn ngữ tiếng Việt, môn xã hội, môn khoa học tự nhiên..., từ đó các trường chọn một số trong các môn này để tổ chức thi nhằm tuyển người phù hợp nhất với mục tiêu đào tạo của mình.

Thực tế giáo dục ĐH có cả một quá trình sàng lọc nên quan trọng là đầu ra chứ không phải đầu vào. Do đó thi ĐH cũng chỉ cần thi các môn công cụ chứ không phải kiểm tra kiến thức. Các trường có thể chọn môn thi khác nhau nhưng nếu có một trung tâm hay đầu mối ra đề thi đảm bảo chất lượng, kết quả này có thể liên thông, dùng để xét tuyển vào trường không tổ chức thi tuyển.

TS PHẠM THỊ LY (phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ĐHQG TP.HCM)H.HƯƠNG - M.GIẢNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên