Bệnh nhân T.V.T đang được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ảnh BV cung cấp)
Trước đó, anh T.V.T. (53 tuổi, ở huyện Châu Thành, Hậu Giang) phát hiện 1 tổ ong mật trên đường về nhà, anh có ý định lấy mật ở tổ ong nên lại gần xem thì bị đàn ong tấn công. Anh chạy về nhà, nhưng đến nhà đàn ong vẫn bu theo đốt.
Người nhà giúp xua đuổi đàn ong và đưa ngay anh đến bệnh viện trong tình trạng bệnh nhân lúc này lơ mơ, không tiếp xúc, thở chậm và yếu.
Các bác sĩ đã cấp cứu theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ, đặt ống nội khí quản thở cho bệnh nhân. Sau đó, tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu, huyết áp không đo được, nhịp tim chậm dần nên được tiến hành hồi sinh tim phổi.
Khi bệnh nhân có nhịp tim trở lại, huyết áp đo được tạm thời, thì được đưa đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để điều trị.
Tại đây các y bác sĩ đã lấy từ người bệnh nhân ra khoảng 250 mũi kim ong đốt (ong mật là loài ong duy nhất có gai trên kim, khi đốt sẽ để lại kim rồi chết - PV).
Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy đa cơ quan, chức năng gan và thận suy giảm, tổn thương cơ tim (biểu hiện rối loạn nhịp tim nặng) nên đã được đặt máy tạo nhịp tạm thời. Ngoài ra, bệnh nhân được lọc máu liên tục.
Hiện nay, bệnh nhân đã gần như hồi phục, tuy nhiên nhịp tim vẫn chưa cải thiện.
Theo các bác sĩ, có thể khi tình trạng bệnh nhân hoàn toàn ổn định, sẽ phải đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Bác sĩ Nguyễn Thành Luân - Phó khoa Hồi sức tích cực và chống độc, khuyến cáo: khi bị ong đốt, nên cho bệnh nhân nằm yên, dùng nhíp hay tay khều nhẹ kim của ong ra (không dùng tay nặn ra), rửa sạch vết chích, chườm khăn hoặc túi lạnh để giảm đau; Cho nạn nhân uống nhiều nước, sau đó đưa đến cơ sở y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận