Y bác sĩ Trung Quốc thực tập cách ly điều trị bệnh nhân Ebola tại bệnh viện ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ngày 16-10 - Ảnh: Reuters |
Vậy châu Á đã chuẩn bị những gì?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết Ðông Á được chuẩn bị đối phó dịch Ebola tốt hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khu vực này được chủ quan.
Theo báo The Diplomat, vào năm 2013 các nước Ðông Á làm việc thông qua khuôn khổ ASEAN+3 (APT), trong đó bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã cam kết sẽ sử dụng các cơ chế hợp tác để cải thiện việc giám sát bệnh và tăng cường sự chuẩn bị, đối phó với dịch trong khu vực.
Các cơ chế phòng chống dịch
Ebola và SARS khác biệt lớn Nếu so sánh, Ebola và SARS có những sự khác biệt lớn. Ebola làm tới 70% người nhiễm bệnh tử vong, trong khi tỉ lệ này ở SARS chỉ gần 10%. SARS cũng dễ lây nhiễm qua các giọt dịch tiết và không khí, dễ dàng truyền từ người sang người hơn Ebola. Tuy nhiên, tiến sĩ Thomas Frieden, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ, nói Ebola vẫn có thể được kiềm chế theo cùng cách mà chúng ta đã chống SARS. |
Ðông Á luôn nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm. Bài học từ dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát năm 2003 đã khiến các nước ở Ðông Á thành lập cơ cấu khu vực nhằm đối phó với sự bùng phát của các bệnh dịch lây nhiễm cao.
Với kinh nghiệm từ những dịch SARS và cúm gia cầm, WHO nhấn mạnh Ðông Á được chuẩn bị tốt hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới trong việc đối phó khả năng bùng phát dịch với những cơ chế theo dõi sẵn có và sự minh bạch.
Theo The Diplomat, một trong những cơ chế đó là cơ chế giám sát dịch bệnh khu vực APT.
Cơ chế này có nghị định thư về chia sẻ thông tin và truyền thông đối với các bệnh truyền nhiễm được tiêu chuẩn hóa, khuyến khích các nước thành viên báo cáo tất cả ca nhiễm bệnh được phân loại.
Một cơ chế nữa là khuôn khổ chiến lược sẵn sàng đối phó dịch bệnh đa ngành của khu vực. Cơ chế này kết hợp sự chuẩn bị phòng dịch tập thể với việc quản lý thảm họa đa cấp, dựa trên vai trò trung tâm của Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN.
Thêm vào đó, chuyên môn trong việc kết hợp giám sát bệnh dịch và quản lý cơ sở y tế của mạng lưới huấn luyện dịch tễ học APT có thể được sử dụng để thực hiện các nghiên cứu dịch tễ, chia sẻ các phương pháp điều trị tuân theo các tiêu chuẩn tối thiểu về phản ứng và điều tra dịch bệnh đa ngành của ASEAN.
Bài học từ SARS
Trước khi đại dịch Ebola hiện tại xảy ra, nhân loại đã chứng kiến sự hoành hành của dịch SARS. Hơn một thập kỷ trước, vào năm 2003 SARS bùng nổ khắp Ðông Á và lan sang cả Canada và Mỹ. Theo Los Angeles Times, SARS đã khiến gần 8.500 người nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng 900 người và gây thiệt hại cho các nền kinh tế nơi có dịch khoảng 40 tỉ USD.
Dịch bệnh đầu thế kỷ 21 này đã đem lại rất nhiều bài học cho các bác sĩ và quan chức ngành y trong việc chạy đua với Ebola. Cụ thể, một số biện pháp đã được áp dụng và thay đổi được tiến triển của dịch SARS.
Từ xuất phát điểm là một chợ tươi sống ở Quảng Ðông (Trung Quốc) cuối năm 2002, SARS đã lan sang Hong Kong, Singapore, VN và Bắc Mỹ đầu năm 2003. Bác sĩ Ezekiel Emanuel, ngành ung thư và đạo đức sinh học thuộc Trường đại học Pennsylvania (Mỹ), cho rằng sự bùng phát dịch SARS cho thấy một điều ngay cả hệ thống y tế tại các nước phát triển nhất cũng phải dựa vào khả năng của các nước nghèo hơn để kiểm soát dịch bùng phát.
Báo Los Angeles Times cũng dẫn lời tiến sĩ Jeffrey Koplan, chuyên gia y tế toàn cầu thuộc Ðại học Emory (Mỹ): “Khi được áp dụng cẩn thận, một bệnh rất nghiêm trọng có thể được kiểm soát thông qua xác định các ca nhiễm, cô lập, lần theo dấu vết những người đã tiếp xúc người bệnh, chú ý đến việc bảo vệ các nhân viên y tế”.
Ông Koplan cho rằng đây không phải chuyện dễ thực hiện mà nó yêu cầu một đội theo dõi, các kỹ sư phòng thí nghiệm, binh sĩ được trang bị và hỗ trợ tài chính đầy đủ.
Các bài học từ SARS ở Ðông Á cũng là những kinh nghiệm đáng lưu tâm. Tại Singapore, sau khi hai người trở về từ Hong Kong và nhiễm bệnh, giới chức y tế ngay lập tức lập mạng lưới theo dõi rộng, thực thi chính sách kiểm tra và cô lập.
Chính quyền đã triển khai quân đội lần theo dấu vết những người đã tiếp xúc người nhiễm bệnh, buộc họ cách ly tại nhà. Việc đo nhiệt độ hằng ngày đối với các nhân viên y tế và học sinh là điều bắt buộc.
Tại Trung Quốc, sau khi dịch bùng phát, quân đội đã vào cuộc, xây dựng các cơ sở cách ly và buộc cách ly để kiểm tra 12 ngày đối với bất cứ trường học, chung cư và công sở nào có dù chỉ một người mắc bệnh. Cách làm mạnh tay, thậm chí là độc đoán của Singapore và Trung Quốc được đánh giá là phát huy tác dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận