06/07/2016 09:18 GMT+7

Sửa luật để “hổ có răng và cắn đau”

N.V.HẢI thực hiện (hainv@tuoitre.com.vn)
N.V.HẢI thực hiện (hainv@tuoitre.com.vn)

TTO - Một số chuyên gia nước ngoài ví Luật phòng 
chống tham nhũng 2005 như “hổ không răng” bởi không có những biện pháp, chế tài đủ mạnh.

Ảnh: N.V.HẢI
Ảnh: N.V.HẢI

“Luật trước đây chỉ đề cập đến việc “tố cáo”, nay dự thảo mở ra thêm “phản ảnh”, “kiến nghị” của người dân và tổ chức khi thấy có dấu hiệu tham nhũng. Anh chỉ cần nói cho chúng tôi biết rằng những hành vi đó có dấu hiệu tham nhũng, còn dấu hiệu đó đến đâu, có phải tham nhũng hay không thì chúng tôi - cơ quan có công cụ, có thẩm quyền - mới là nơi có đủ nguồn lực đi xác minh

Ông Nguyễn Tuấn Anh (phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ)

 

Cuối tháng 6, Thanh tra Chính phủ đã công bố dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi để lấy ý kiến các ngành, các giới và nhân dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tuấn Anh - phó vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ, tổ phó tổ biên tập Luật PCTN (sửa đổi) - cho biết: Lần sửa đổi này có nhiều điểm mới, nhiều giải pháp quan trọng trên cơ sở tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật PCTN 2005.

Cụ thể: Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sang khu vực ngoài Nhà nước, cụ thể là các tổ chức xã hội cũng như các doanh nghiệp.

Ngoài xác định trách nhiệm, họ cũng phải thực hiện các biện pháp PCTN trong tổ chức, doanh nghiệp của mình và các mối quan hệ với các chủ thể khác.

Thứ hai, vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản có sự thay đổi rất lớn. Một số chuyên gia nước ngoài ví Luật PCTN 2005 như “hổ không răng” bởi không có những biện pháp, chế tài đủ mạnh.

Qua thực tiễn 10 năm, chúng tôi thấy không nên xây dựng Luật PCTN theo hướng đưa ra những chế tài có trong Bộ luật hình sự để xử lý tham nhũng.

Còn Luật PCTN sửa đổi để “hổ có răng và cắn đau” được cụ thể hóa bằng những biện pháp xử lý hành chính, kinh tế, xử lý về tài sản và các biện pháp về mặt xã hội.

Tóm lại đó là những biện pháp phi hình sự để xử lý tham nhũng. Trong tất cả những biện pháp đó, minh bạch và kiểm soát tài sản là biện pháp rất quan trọng.

Trước đây, Luật PCTN 2005 chỉ quy định kê khai tài sản, còn việc sử dụng thông tin đó để phát hiện tham nhũng gần như chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Dự thảo lần này sửa đổi theo hướng không đặt ra việc kê khai hằng năm mà chỉ kê khai trong ba trường hợp. Đó là, người lần đầu được bổ nhiệm vào ngạch công chức phải kê khai xem anh có những gì.

Tiếp đó, khi được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn thì anh phải kê khai bổ sung, để xem từ điểm khởi đầu đến lúc có chức vụ, tài sản của anh có vượt quá so với thu nhập thường xuyên mà Nhà nước trả anh không.

Tiếp nữa, trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai có những biến động về tài sản (tăng về số lượng đối với bất động sản hoặc tăng thêm từ 200 triệu đồng về thu nhập) thì phải kê khai bổ sung và phải giải trình.

* Mặc dù có những thay đổi về cách thức kê khai và giải trình về tài sản, thu nhập nhưng dường như vẫn chưa đủ mạnh, thưa ông?

- Dự thảo có quy định mới về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo đó, các cơ quan này có vai trò là đầu mối quản lý tập trung bản kê khai.

Trong Luật PCTN 2005, thường là bộ phận tổ chức cán bộ quản lý bản kê khai chứ chưa có một cơ quan, đơn vị độc lập có nhiệm vụ theo dõi biến động về tài sản, thu nhập, yêu cầu giải trình và tiến hành xác minh khi có căn cứ.

Một nội dung nữa là quy định việc xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm cũng như xử lý tài sản. Dự thảo lần này quy định cơ quan kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập sẽ xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, xem việc giải trình đó có hợp lý, có khớp giữa bản kê khai không.

Nếu không khớp mà giải trình được hoặc chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì cơ quan thuế sẽ làm rõ, truy thu thuế và có thể xem xét xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế...

Nếu giải trình không hợp lý, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa để bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và xã hội.

Từ đó tòa sẽ xem xét việc giải trình, nguồn gốc tài sản của bị đơn để làm rõ tài sản của anh hay là của ai để có hướng xử lý.

* Như vậy, hậu quả pháp lý của việc khởi kiện ra tòa dân sự này sẽ như thế nào?

- Trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý, không chứng minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập biến động tăng thêm và tòa tuyên rõ việc này thì Nhà nước tiến hành các thủ tục cần thiết để quản lý tài sản, thu nhập đó.

* Vậy đối với bị đơn - người có nghĩa vụ kê khai mà giải trình không hợp lý tài sản, thu nhập - ngoài trách nhiệm dân sự, họ phải chịu trách nhiệm gì khác?

- Góc độ dân sự là liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Còn hình sự hay hành chính, người đó vẫn có thể bị xử lý nếu trong quá trình xác minh, người ta chứng minh được rằng anh có liên quan đến hành vi tham nhũng và đủ các dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước đây, để thu hồi tài sản tham nhũng phải thông qua một bản án có hiệu lực pháp luật, trong đó nêu rõ người đó phạm tội tham nhũng và tài sản đó từ tham nhũng mà có.

Nếu thực hiện đầy đủ các bước nêu trên thì không còn tài sản để thu hồi vì đã bị tẩu tán, “tẩy rửa”. Chúng tôi vẫn chuyển những vụ việc sang tòa án để xử lý dân sự, nhưng về hành chính, hình sự - nếu chứng minh được - thì vẫn xử lý.

Chỉ đạo của Trung ương Đảng nêu rõ cần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Chúng tôi hi vọng điểm mới này sẽ thúc đẩy công tác PCTN và cần lắm sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân để làm sao hoàn thiện hơn nội dung này trong Luật PCTN.

* Trong dự thảo có quy định “Quốc hội quyết định thành lập ủy ban lâm thời để điều tra về vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm”. Việc thành lập ủy ban lâm thời sẽ tiến hành theo quy trình nào? Vụ việc tham nhũng được xác định đến “ngưỡng” nào thì mới thành lập ủy ban lâm thời để điều tra?

- Luật tổ chức Quốc hội quy định việc thành lập ủy ban lâm thời để xem xét các việc được dư luận quan tâm.

Trong dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định rõ thời gian, trình tự, thủ tục thành lập, thành phần của ủy ban lâm thời, nhiệm vụ... Đây là vấn đề mới nên cần có thời gian để nghiên cứu.

Còn thế nào là vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm để thành lập ủy ban lâm thời?

Theo cá nhân tôi có thể dựa trên các yếu tố sau: mức độ thiệt hại, gây thiệt hại lớn ngân sách nhà nước hoặc quyền lợi của người dân; liên quan đến người giữ chức vụ cao mà nếu để cho các cơ quan theo quy định hiện hành tiến hành điều tra có thể không đảm bảo tính khách quan; hoặc vụ án, vụ việc liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều cơ quan, nhiều cá nhân...

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) gồm 10 chương với 120 điều, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9-2016 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV (khoảng tháng 10-2016).

N.V.HẢI thực hiện (hainv@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên