20/03/2011 19:43 GMT+7

Sữa chua nếp cẩm "Bà già"

NGUYỄN CHI
NGUYỄN CHI

TTO - Cái tên giản dị, thân thương ấy đã được lứa sinh viên chúng tôi gọi với một tình cảm chân thành và đầy yêu thương. Chỉ nhắc đến cái tên ấy thôi, biết bao kỷ niệm lại ùa về trong tôi - về một thời sinh viên đầy lưu luyến.

C1aoMYTc.jpgPhóng to

Sữa chua nếp cẩm quán “Bà già” - Ảnh: Nguyễn Chi

Tôi nhớ mãi, cứ mỗi chiều thứ bảy không hẹn mà gặp, bốn đứa chúng tôi chắc chắn sẽ nhắn tin cho nhau: “Sữa chua nếp cẩm Bà già đê... y... !... ”. Cái tên ấy chính là món ăn vặt khoái khẩu nhất thời sinh viên của tôi.

Quán “Bà già” nằm trong một góc nhỏ gần trường Học viện Tài chính (Hà Nội), quán nhỏ chỉ chừng 15m2, bày mấy cái bàn nhựa san sát nhau, ấy vậy mà lúc nào cũng đông người đến. Và chủ quán không là một ai khác, đó là một bà cụ đã ngoài 60 tuổi, nhưng lại rất minh mẫn, đặc biệt khéo tay.

Quán của bà chỉ có vài món lặt vặt chè thập cẩm, caramen, cacao nóng..., đặc biệt món sữa chua nếp cẩm. Khách đến quán bà chủ yếu để thưởng thức món nếp cẩm đặc biệt mà những quán khác khó sánh bằng.

Chúng tôi vẫn thích đến đó vào lúc 19g. Lúc đó quán khá vắng khách nên bốn đứa tha hồ được nghe bà kể chuyện thời xa xưa, và thú vị hơn cả là được bà truyền lại cách làm sữa chua nếp cẩm ngon tuyệt.

Bà thường dặn sữa chua nếp cẩm ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào nếp cẩm và cách nấu. Trước khi chế biến thành một cốc sữa chua nếp cẩm, bà đã mất rất nhiều công sức cho giai đoạn chế biến.

Nếp cẩm muốn ngon phải lựa thật kỹ, khi mua phải chọn loại nếp cẩm có màu tím sẫm, tròn mẩy, khi cho vào miệng cắn thử phải có vị thơm và ngậy. Trước khi đưa nếp vào nấu cần phải nhặt sạch sạn. Vo nếp cẩm cũng phải vừa phải, không vo quá kỹ sẽ làm mất đi giá trị dinh dưỡng của nó, lúc nấu lên nếp sẽ không được thơm.

Công đoạn chọn khó bao nhiêu thì công đoạn nấu còn khó hơn bấy nhiêu. Nếp cẩm sau khi đã vo sạch cho vào một chiếc nồi, đổ nước chỉ cao hơn nếp một chút xíu, sau đó đổ nước cốt dừa vào nấu. Bà dặn nước cốt dừa đổ sớm sẽ làm nếp thấm vị ngọt ngậy, thơm của cốt dừa. Nếu không có nước cốt dừa nếp cẩm sẽ thiếu đi mùi thơm béo ngậy của sữa.

Bà kiên nhẫn đun lửa đều cho đến khi nồi nếp cẩm cạn sền sệt thì cho lá dứa vào. Không được để nồi nếp cẩm bị cạn khô, mà phải đun vừa lửa và vừa thời gian để nếp cẩm có độ sánh mịn, dẻo thơm. Khi nồi nếp cẩm đã chín đều thì đổ đường vào tùy theo lượng nếp cẩm nhiều hay ít, đảo đều tay chừng một phút và nhanh tay bắc ra. Nếu để quá lâu, nồi nếp cẩm sẽ bị cạn và cháy, màu sắc sẽ không được đẹp mắt.

hXPkXvHP.jpgPhóng to
Nếp cẩm dẻo thơm, đặc quánh - Ảnh: Nguyễn Chi

Nếp cẩm được nấu xong sẽ được bà để gọn vào một chiếc âu nhựa to. Mỗi khi có khách gọi, bà sẽ đổ sữa chua rồi cho nếp cẩm vào, cuối cùng là đá. Và mỗi lần như thế, thể nào bà cũng mỉm cười: "Một món ăn ngon là phải có cả cái tâm trong đó các con ạ"...

Mỗi khi đến đó, tôi thường ngồi ngắm mãi màu tím ngắt quyện mình trong màu trắng sóng sánh của sữa chua và lặng lẽ thưởng thức hương thơm của sữa hòa trong mùi thơm ngậy, béo của nếp cẩm. Mấy đứa bạn tôi đã ăn bao nhiêu lần mà vẫn không hết lời khen bà làm ngon. Còn tôi thích lắm vị lạnh tê tê đầu lưỡi và hương thơm của dứa hòa vào sữa, vị ngậy của nước cốt dừa, vị thơm đặc trưng của nếp cẩm, sóng sánh, dẻo thơm đến lạ kỳ...

Đã qua rồi cái thời sinh viên hay ăn quà vặt ấy, cũng đã qua rồi cái thời bốn đứa chúng tôi có thể đoàn tụ nơi quán nhỏ, với bà cụ già và cốc sữa chua nếp cẩm ấy. Nhưng mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thèm được đến đó, thèm gặp bạn bè và thưởng một cốc nếp cẩm thơm ngon chất chứa cả tấm lòng của bà gửi vào trong đó...

NGUYỄN CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên