Sửa bàn ghế cho vừa từng học sinh

ĐĂNG NAM - BÁCH SEN
ĐĂNG NAM - BÁCH SEN

TT - Khi đến Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) bạn đừng ngạc nhiên khi thấy có một số phòng học, bàn ghế không cùng cỡ với nhau, cái cao cái thấp.

3WJUDy0E.jpg
Những chiếc bàn học sinh THCS dành cho những em có dáng vóc to cao được thầy Nhứt xin về sửa lại cho các em ngồi, giúp ngăn ngừa bệnh cận thị, vẹo cột sống - Ảnh: Bách Sen

Đó là do thầy Nhứt đi xin bàn ghế cũ về “độ” lại để vừa với dáng vóc của từng học sinh.

Lịch học 7g15 học sinh mới vào lớp, nhưng từ 5g30-6g sáng hằng ngày, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn đã có mặt ở trường. Việc đầu tiên mà ông làm là đi thẳng đến các khu nhà vệ sinh của học sinh để kiểm tra tình hình vệ sinh có sạch, đảm bảo không, rồi sau đó mới lên phòng làm việc. Bởi ông quan niệm rằng “nếu nhà vệ sinh sạch sẽ thì đám trẻ con không phải chịu cảnh nín nhịn, từ đó mà phát sinh bệnh tật”.

Xin bàn ghế về “độ” lại

Ông hiệu trưởng đa mang...

Suốt 38 năm trong nghề dạy học của mình, đến nay thầy Đặng Nhứt vẫn chưa hề được tặng thưởng một tấm bằng khen. Nhưng trái lại, các thế hệ thầy, cô giáo trong ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đều rất quý trọng thầy và thường gọi bằng cái tên trìu mến “ông hiệu trưởng đa mang”. Còn ba năm nữa đến tuổi nghỉ hưu, thầy Đặng Nhứt tâm sự: “Ở trường có nhiều học sinh nghèo, mồ côi, khuyết tật. Thời gian công tác, gắn bó với nhà trường không còn nhiều, tôi chỉ mong muốn xây dựng nhà trường thật sự trở thành chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần để giúp đỡ các em học trò nghèo yên tâm học hành”.

Năm học 2006-2007 khi đang làm hiệu phó ở một trường THCS trên địa bàn quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), thầy Đặng Nhứt được trên điều động về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn. Ngày đầu về trường, thấy nhiều học sinh lớn tồng ngồng mỗi lần ngồi học, các em phải cúi gập người xuống do bàn học đóng theo quy cách của Bộ GD-ĐT quá thấp, không phù hợp với thể trạng các em. Quá chạnh lòng!

Vậy là thầy Nhứt tìm đến các trường THCS trên địa bàn quận liên hệ xin những bộ bàn ghế cũ thải ra đem về “chế” lại cho học sinh ngồi. Có được 50 bộ bàn ghế, thầy lại kêu thợ mộc hì hụi cắt, xẻ cho vừa với dáng vóc của từng em. Học sinh thấp nhỏ được bố trí ngồi trước với những chiếc bàn dành cho cấp tiểu học, còn những em dáng vóc to cao thì ngồi phía sau trên những bộ bàn dành cho cấp THCS vừa được chế lại. Vậy nên giờ nếu có đến Trường tiểu học Trần Văn Ơn, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy có một số phòng học, bàn ghế không cùng cỡ với nhau, cái cao cái thấp. “Làm liên tục mấy năm đến nay số bàn ghế sửa lại này đã lên đến con số hơn 200 bộ rồi đấy. Nhờ vậy mà nhiều học sinh đỡ phải cúi khom người” - thầy Nhứt tâm sự.

Trong một buổi họp phụ huynh cấp trường đầu năm học 2013-2014, rất nhiều ông bố bà mẹ đã ồ lên phản ứng khi nghe trường có chủ trương: “Giáo viên, đặc biệt là cán bộ quản lý, phải hạn chế tối đa việc sử dụng nhà vệ sinh dành cho giáo viên mà khuyến khích nên sử dụng nhà vệ sinh dành cho học sinh, đặc biệt là lớp 1”. Hỏi ra mới biết đó là chủ trương của hiệu trưởng. Tìm đến thầy hiệu trưởng để hỏi rõ ngọn ngành mới biết: “Có đi chung nhà vệ sinh với các em thì thầy cô giáo mới quan tâm chuyện sạch dơ hay nhà cầu hết nước... Tôi từng nghe nhiều phản ảnh rằng: Con không chịu đi vệ sinh ở trường đâu vì dơ lắm. Vậy là nhiều cháu nín... chờ đến khi về đến nhà. Nếu tình trạng đó vẫn tiếp diễn thì nguy cơ mắc bệnh tật ắt sẽ đến. Vậy nên tôi yêu cầu các thầy cô trong ban giám hiệu phải đi chung nhà vệ sinh với các em, qua đó giám sát, nhắc nhở tình hình giữ gìn vệ sinh là như vậy đấy”. Riêng bản thân mình, hằng ngày thầy Nhứt cũng sử dụng chung nhà vệ sinh với các em học sinh nam.

Đó là câu chuyện bên trong nhà vệ sinh, còn bên ngoài sân trường - nơi hằng ngày có đến gần 1.800 học sinh vui chơi sau giờ giải lao? Vấn đề bảo vệ môi trường trong khu vực trường học quả là một bài toán khó. Vậy mà với Trường Trần Văn Ơn, bài toán đó đã được “giải” bằng khẩu hiệu “Thấy rác đâu thì nhặt đó” được treo khắp sân trường. Đi kèm với khẩu hiệu là những thùng rác xinh xắn. Và để khuyến khích học sinh, trong giờ chào cờ vào mỗi sáng thứ hai, ban giám hiệu thường xuyên tổ chức tuyên dương, khen thưởng những học sinh thực hiện tích cực việc nhặt rác trong sân trường, lớp học. Đồng thời phê bình những học sinh vi phạm, chưa thực hiện việc bảo vệ môi trường. Nhờ cách giáo dục tích cực này, chỉ trong thời gian ngắn hầu hết học sinh đều có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nhà trường.

Che chở trò nghèo

Những ngày đầu về trường công tác, việc làm đầu tiên là thầy Nhứt nắm danh sách học sinh nghèo ở trường để vận động người quen ủng hộ mua áo ấm, tặng sách vở cho các em. Đến nay đã có hơn 300 học sinh nghèo ở trường được thầy giúp đỡ. Còn đối với học sinh có nguy cơ bỏ học, thầy tìm đến từng nhà tìm hiểu nguyên nhân, vận động gia đình tạo mọi điều kiện để các em đến trường.

Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ ở trường có em Phương Nhi, học sinh lớp 2/5, thường xuyên nghỉ học do ốm đau. Hay tin, thầy Nhứt và các giáo viên trong trường lặn lội tìm đến nhà để tìm hiểu hoàn cảnh. Nghe người nhà kể Phương Nhi không có hậu môn, bị vẹo cột sống, mỗi lần đến trường em phải đóng bỉm. Nhưng hoàn cảnh gia đình quá éo le, mẹ mất từ khi em mới lọt lòng, bố thấy vậy chán nản bỏ đi. Hiện giờ Nhi sống với cô ruột nhưng gia đình lại quá nghèo, không có điều kiện chữa bệnh. Nghe xong hôm sau thầy đứng ra phát động kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ Phương Nhi điều trị bệnh. Sau lời kêu gọi thiết tha của thầy Nhứt, nhiều người hảo tâm đã tìm đến đóng góp với số tiền lên đến hơn 300 triệu đồng. Có tiền, gia đình người cô đã đưa gấp Phương Nhi vào Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM điều trị.

Hạnh phúc là lan tỏa yêu thương

Hằng năm thầy hiệu trưởng “đa mang” này còn phát động các chương trình quyên góp quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Và trong mỗi chuyến đi như vậy, thầy đều dẫn cả cán bộ, giáo viên lẫn học sinh đi theo, với mục đích để họ tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ của người dân, qua đó làm dấy lên lòng nhân ái. Độc đáo hơn, sau mỗi chuyến đi ấy, thầy Nhứt đã yêu cầu học sinh viết bài thu hoạch và phát biểu cảm nghĩ dưới cờ để học sinh cùng trường nghe nhằm tạo sự lan tỏa tinh thần nhân ái trong lòng các em nhỏ. Và như hiểu được tấm lòng của người thầy giáo già, cứ mỗi lần nhà trường phát động, nhiều học sinh trong trường đã tự nguyện ủng hộ sách vở, áo quần cũ, tiền ăn sáng... giúp đỡ học sinh vùng nghèo khó, bão lụt. Hôm ngồi lật cuốn sổ vàng ghi tên học sinh ủng hộ tiền, vật chất trong đợt bão lụt năm 2013 vừa qua, thầy Đặng Nhứt mỉm cười hạnh phúc: “Mầm mống của lòng nhân ái, thương yêu đồng bào đã bắt đầu nhen nhóm, lan tỏa trong lòng các em nhỏ”.

ĐĂNG NAM - BÁCH SEN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên