29/08/2012 07:10 GMT+7

Sự xúc phạm với quá khứ

PHAN CẨM THƯỢNGLINH THOẠI ghi
PHAN CẨM THƯỢNGLINH THOẠI ghi

TT - Nhân loại chỉ có ba cách ghi lại những vấn đề lịch sử - văn hóa của mình: thứ nhất là ghi bằng hình ảnh, thứ hai là bằng văn tự, thứ ba là bằng âm thanh. Âm thanh là cách ghi ra đời muộn nhất, từ thế kỷ 19. Văn tự thì có thể cách đây khoảng 5.000 năm. Chỉ ghi nhận bằng hình ảnh là lâu hơn cả.

Chùa Trăm Gian bị hủy hoại: Loanh quanh trách nhiệm Chùa Trăm Gian bị hủy hoại: Báu vật không người trông coiViết tiếp bài “Chùa Trăm Gian bị hủy hoại”: “Sự việc đáng kinh ngạc!”

Những hang động và tranh vẽ trên hang động có thể tồn tại cách đây từ 30.000 năm. Đối với những hình ảnh có tính chất lịch sử - văn hóa thường được lưu giữ lâu dài, bảo quản theo tình trạng cổ nhất của nó và không thay đổi. Vì nếu thay đổi những hình ảnh lịch sử đó thì bản thân những sự kiện lịch sử ấy cũng bị biến mất. Cho nên với những ngôi chùa, những ngôi đền hay những bức tranh, dù tình trạng hư hỏng đến đâu, người ta sẽ cố gắng giữ nguyên trạng thái cổ nhất của nó còn tồn tại đến nay, bảo quản chứ không sửa chữa gì cả. Nếu ý thức được như vậy, những sự kiện văn hóa, những di sản lịch sử mới có thể được bảo tồn và có thể nói lại với các thế hệ sau những vấn đề của thời đại đã qua.

Chúng ta thử tưởng tượng nếu như Bồ Đề đạo tràng (Ấn Độ) - nơi Phật giảng đạo - bị người ta xây mới, làm những kiểu kiến trúc hoàn toàn hiện đại thì còn gì là di sản của Phật nữa. Hay những hang động ở Ajanta (Ấn Độ), ở Đôn Hoàng (Trung Quốc) mà người ta cũng tô vẽ lên đó, người ta sửa chữa mới giống như cách của các vị sửa chữa những ngôi chùa ở VN thì chẳng còn một di sản Phật giáo nào cả. Hãy cố gắng bảo tồn trong trạng thái nó - đang - là, tức là nó đổ nát đến đâu thì gìn giữ đến đấy chứ không nên sửa chữa, làm mới nó hoặc xây chồng lên nó.

Đây là vấn đề tương đối khó nhận thức và khó thực hành, nhất là trong điều kiện của các di sản tôn giáo VN. Bởi vì các di sản tôn giáo VN vẫn đang ở trong quá trình sử dụng - tức là không được xếp lại như một bảo tàng mà được sử dụng như một trung tâm hành lễ đang hiện hành. Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng của nước ta chủ yếu bằng gỗ, gạch và các tượng Phật bằng đất, gỗ phủ sơn, vì vậy việc bảo tồn trong khí hậu nhiệt đới rất khó. Việc này đặt ra rất nhiều quan điểm về bảo tồn. Quan điểm thứ nhất là giữ nguyên trạng thái của di sản, không thay đổi nữa, cố gắng bảo tồn trong trạng thái cũ nhất - di sản như thế nào giữ nguyên như thế. Quan điểm thứ hai là có sửa chữa chút ít và giữ theo phong cách cổ. Cách thứ ba là đập phá đi hoàn toàn và xây mới. Cách thức thứ ba này làm biến dạng và làm mất đi một di sản văn hóa cổ, vĩnh viễn không bao giờ có thể làm lại được nữa.

Một cây cổ thụ 100 năm, nếu chặt đi thì 100 năm sau có thể có lại được. Nhưng một ngôi chùa cổ từ thế kỷ 17, 18 mà chúng ta đập phá ra làm mới như chùa Trăm Gian (dựng trên một nền móng có từ thời Lý) chẳng hạn thì không bao giờ chúng ta có lại một ngôi chùa Trăm Gian của 300-400 năm trước nữa. Do đó, theo tôi nghĩ, những người trụ trì của các kiến trúc tôn giáo và những người có lòng hảo tâm trước khi tu sửa cần phải suy nghĩ. Trước nhất, mình chỉ là những người quản lý, sống trực tiếp ở đấy chứ không phải là người có thể quyết định thay đổi hình ảnh lịch sử đó được. Thứ hai, nếu có tiền xây dựng mới thì hãy xây một cơ sở khác chứ không nên đụng vào các di tích cổ.

Không chỉ ở chùa Trăm Gian mà rất nhiều ngôi chùa cũng như kiến trúc tôn giáo khác đều được sửa chữa theo kiểu đập ra làm mới hoàn toàn như vậy. Đây là một vấn đề lớn đối với di sản văn hóa chung của đất nước. Có lẽ đã đến lúc những nhà chức trách và giới tôn giáo cần phải thống nhất với nhau: những khu vực nào ai quản lý, ai được làm đến đâu, nên làm như thế nào, và tất nhiên nên mời những chuyên gia về lịch sử - nghệ thuật, chuyên gia về kỹ thuật - phục chế - nghệ thuật tham gia trong quá trình này. Hiện nay những chuyên gia này ngày càng ít, tuy nhiên không phải là không có, nhưng chưa bao giờ được chú trọng, được mời tham gia thật sự vào những công trình trùng tu.

Việc phá bỏ xây mới đó biểu hiện sự xúc phạm đến quá khứ, biểu hiện cho sự thiếu ý thức nhìn về một đời sống đích thực cho tương lai.

PHAN CẨM THƯỢNGLINH THOẠI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên