25/12/2004 06:57 GMT+7

Sự tích đảo Phan Vinh

NGUYÊN NGỌC
NGUYÊN NGỌC

TT - Vẫn là mặt biển xanh mênh mông, phẳng lì ấy. Nhìn kỹ lắm, mãi mới nhận ra, trên sợi chỉ tít tắp chân trời, một vệt nhỏ nhô lên khỏi mặt nước mong manh như một vệt móng tay.

FYnrMdrS.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Phan Vinh, chỉ huy tàu 235 - Ảnh tư liệu
TT - Vẫn là mặt biển xanh mênh mông, phẳng lì ấy. Nhìn kỹ lắm, mãi mới nhận ra, trên sợi chỉ tít tắp chân trời, một vệt nhỏ nhô lên khỏi mặt nước mong manh như một vệt móng tay.

Chong mắt nhìn thật kỹ nữa, hóa ra cái vệt móng tay mong manh trên đường chân trời ấy là một hòn đảo. Một hòn đảo san hô, nhỏ xíu giữa đại dương mênh mông, một hòn đảo đang hình thành, chưa hình thành xong, lúc triều lên thì biến mất dưới mặt nước, lúc triều thấp lại nhô lên... Một chút Tổ quốc ở nơi xa xôi. Một đảo nhỏ, trong số những đảo nhỏ nhất của quần đảo Trường Sa.

Hòn đảo bé tẹo ấy có tên là đảo Phan Vinh. Trên tấm hải đồ lưu giữ ở phòng tham mưu lữ đoàn hải quân 125 có ghi tên đảo ấy.

Trong số hàng nghìn, hay bao nhiêu nghìn hòn đảo lớn nhỏ ở nước ta, có lẽ đây là hòn đảo duy nhất mang tên họ một con người. Theo chỗ chúng tôi dò tìm, hỏi han kỹ nhiều nơi, không có một quyết định nào của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt tên như vậy cho hòn đảo này cả.

Thì ra trong đời sống hiện đại của chúng ta, các truyền thuyết vẫn tiếp tục ra đời và tồn tại. Và cũng như tự ngàn xưa, truyền thuyết là do nhân dân vô danh sáng tạo ra. Các truyền thuyết bao giờ cũng khuyết danh. Tên Phan Vinh được đặt cho hòn đảo nhỏ trong dải Trường Sa phảng phất một không khí truyền thuyết.

Tác giả của nó là những người lính bí mật trên con đường biển Đông. Một người nào đó, trên một chuyến đi biển xa nào đó, có thể là một chuyến đi bến Rạch Gốc, Kiến Vàng, Sông Đốc, Gành Hào Cà Mau, nhưng lại phải đi vòng vo đến tận sát Philippines, Sumatra, Singapore, Malaysia... đã ghé qua hòn đảo nhỏ chơ vơ hoang vắng này. Và nhớ bạn, anh lấy tên người bạn đã hi sinh mà gọi thành tên đảo...

Rồi người ta truyền nhau, người này truyền người kia, và cái cách gọi tình cờ nhưng sâu lắng của người lính biển nọ cứ đi vào lòng người, in sâu ở đấy, ngày càng sâu, không gì xóa đi được nữa.

Nhưng trong số những chiến sĩ biển Đông đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bí mật trên con đường mòn kỳ lạ này thời chống Mỹ, còn có hàng trăm người khác mà có lẽ sự nghiệp và hành vi anh hùng chẳng hề thua kém, sao chỉ có tên một người đã trở thành tên một hòn đảo của Tổ quốc? Hẳn con người này phải có điều gì để được đọng lại sâu hơn cả, đậm hơn cả, sắc hơn cả trong tâm trí mọi người...

Người hôm nay còn có thể nói với chúng ta về Phan Vinh - theo lời chỉ dẫn của anh Tư Thắng - là Nguyễn Long An, chúng tôi đã tìm gặp được anh ở Hải Phòng...

Nguyễn Long An kể:

Một chân dung phác thảo

Đúng như các anh nói, ở đơn vị chúng tôi trong cuộc chiến đấu biển Đông thời ấy không thiếu gì những người anh hùng. Nhưng nếu được phép chỉ chọn một người mà tất cả chúng tôi cảm phục nhất, tôn trọng nhất, lại yêu quí gần gũi nhất thì tôi chắc ai cũng sẽ chọn anh Phan Vinh.

Anh ấy dũng cảm vô song, tất nhiên rồi, tài năng nữa, tất nhiên rồi, nhưng có lẽ điều này đối với tất cả chúng tôi còn ấn tượng đậm hơn: đó là một con người vô cùng hào hiệp, một cách hết sức tự nhiên, như là trời sinh ra vốn vậy, không hề cố tình, cố gắng, sắp đặt, suy tính. Tôi không biết diễn đạt thế nào nữa. Thôi, chỉ xin nói thế này: gặp một người chỉ huy như vậy, lập tức thấy mình có thể giao phó cả sinh mệnh của mình cho anh ấy không chút phân vân. Gặp một người bạn như vậy có thể yên tâm suốt đời...

Cũng có thể nói anh Phan Vinh có một tính cách đặc biệt mạnh mẽ, rõ rệt: bao giờ cũng hết mình. Chơi thì chơi hết mình, làm việc hết mình, đối với bạn hết mình, chiến đấu hết mình, mà trong công tác lại hết sức nghiêm khắc, lại đẹp trai, thông minh.

Anh ấy quê Điện Bàn, Quảng Nam. Tham gia công tác từ năm 16 tuổi, làm liên lạc cho huyện ủy... Năm tôi được gặp anh, anh khoảng 30. Tôi có một may mắn lớn: vào lính, được gặp ngay một người chỉ huy là anh. Tôi thuộc lớp chiến sĩ quê miền Bắc, tức là lớp lính nghĩa vụ quân sự đầu tiên được bổ sung về 125.

Lớp chúng tôi có học hành khá, nhưng kinh nghiệm từng trải thì hoàn toàn chưa có chút gì. Chuyến đầu tiên tôi đi tàu 43, làm báo vụ, vào Cà Mau. Máy bay, tàu chiến địch bám riết, hoang mang thì tôi không đến nỗi hoang mang, nhưng rất lúng túng. Nhờ các anh đi trước chỉ vẽ ân cần.

Chuyến thứ hai của tôi chính là chuyến Vũng Rô.

Rồi đến chuyến tàu 235 do anh Phan Vinh chỉ huy đi bến Hòn Hèo, Hòn Khói, Khánh Hòa, đúng dịp tổng tấn công Mậu Thân.

Bước vào trận đánh lớn

Anh Phan Vinh là người được giao điều khiển chiếc tàu cao tốc đầu tiên do Trung Quốc viện trợ. Thủy thủ đoàn được thành lập gồm 21 người tuyển chọn từ các đơn vị về. Kéo sang Trung Quốc học một thời gian, anh Vinh học rất xuất sắc, cán bộ hải quân Trung Quốc cũng phải phục. Xong lại kéo về VN, cải dạng tàu thành tàu đánh cá gần giống như tàu đánh cá của Nhật, sơn trắng.

Đơn vị còn được bổ sung thêm ba đồng chí ở lữ 126 tức đặc công nước, chúng tôi học cả kỹ thuật đặc công đánh nhau dưới nước, và cả kỹ thuật bộ binh đánh nhau trên bờ. Đặc biệt, tôi chú ý trong suốt thời gian chuẩn bị, anh Vinh có ý thức tạo cho thủy thủ đoàn 21 người chúng tôi gắn bó với nhau như một gia đình, mà anh Vinh là người anh lớn.

Sau này tôi mới hiểu điều ấy cần thiết cho chúng tôi biết chừng nào; khi lâm vào hoàn cảnh chiến đấu quyết liệt, mất còn, chúng tôi đã thành một tập thể thật sự ruột thịt.

Đúng Tết Mậu Thân chúng tôi nhận nhiệm vụ, và cho cơ động tàu sang một bến của Trung Quốc gần biên giới ta, cho tàu ta cập lẫn với một số tàu cao tốc của Trung Quốc để đánh lạc hướng máy bay trinh sát Mỹ.

Ngày 10-2-1968 chúng tôi lên đường. Nhưng đến cách bờ biển Khánh Hòa khoảng trên 10 hải lý, nhận được điện từ chỉ huy sở ở Thủy Nguyên báo đã lộ, phải quay về bến Hải Khẩu, Trung Quốc.

Ngày 27-2 lại lên đường.

Theo dõi tình hình địch, chúng tôi nhận thấy lần này chúng hành động có khác. Máy bay trinh sát chúng bay rất cao, ngày bốn hay năm lần, từ phía Philippines hay Guam sang và quay trở lại. Tàu chiến Mỹ không bám theo ta liên tục mà cứ độ tám tiếng đồng hồ mới đảo qua một lần trước mũi tàu ta, nhưng không chạy gần.

22 giờ đêm 27-2 anh Vinh quyết định từ ngoài khơi xa cho tàu mở tốc lực đâm thẳng vào hải phận miền Nam. 23 giờ thì bắt được đảo Hòn Tre. Thấy rõ tám tàu địch giăng thành hai tuyến trong và ngoài. Nhìn thấy cả đèn điện thành phố Nha Trang sáng trưng. Anh Vinh cho tàu lách qua hàng tàu địch ngăn chặn, đâm vào bến. Rất đúng bến Hòn Hèo. Mười hai giờ khuya, chúng tôi bắt đầu thả hàng. Thả được tất cả 30 tấn, phần lớn là súng và đạn B40, B41. Tất cả anh em trên tàu đều lao vào thả hàng, cố gắng thả cho được thật nhiều.

Lúc này anh Vinh nói:

- Ta len vào đến đây, tàu địch đã giăng hai lớp sau lưng rồi, phải nói thật điều này: khả năng tàu ta thoát ra khơi được rất ít. Chắc đến 90% là phải chiến đấu. Có thể hi sinh lớn, nhưng lúc này chiến trường đang tổng tấn công, cần súng đạn hơn bao giờ hết. Ta thả được càng nhiều hàng cho anh em trong này càng quí...

Đến 1g sáng thả hàng xong. Chúng tôi điện báo kết quả về sở chỉ huy lữ đoàn và nhận ngay được điện của anh Phúc chính ủy:

“Lữ đoàn biểu dương các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Chờ các đồng chí trở ra an toàn thắng lợi”.

Một lát sau lại nhận được điện lữ đoàn thông báo tàu anh Tư Thắng ở Quảng Ngãi và tàu anh Ba Râu ở Trà Vinh đang bị địch đánh.

Anh Phan Vinh bảo:

- Ta cũng sẵn sàng đi thôi.

Chúng tôi bắt đầu quay tàu ra. Biển ở đây luồng lạch rất ác, có một rạch sâu bề ngang đúng 40m, chỉ cần lệch một chút là tàu cưỡi lên bãi san hô ngay. Hai chiếc tàu địch đã án ngữ ngay giữa luồng.

Anh Vinh hét lệnh chiến đấu. Vừa nổ súng vừa tiến. Chuyến này tôi đứng máy số một. Nghe lệnh anh Vinh, tôi vừa đẩy cần ly hợp tiến thì nghe toàn tàu rung lên dữ dội. Địch tập trung bắn ngay vào khoang máy quyết liệt. Trên boong, ta cũng nổ tất cả các cỡ súng... Mười phút, máy tàu ta tê liệt. Anh Trương Văn Mùi, máy trưởng, đứng cạnh tôi, bị trúng một viên đạn vào ngực, hi sinh ngay, ngã vào cần gạt, khiến tàu dạt luôn vào bờ.

Các tàu địch áp lại, lúc này có đến hàng chục chiếc. Đánh nhau suốt một tiếng đồng hồ.

Lúc luyện tập ở nhà, anh Vinh đã dự kiến mấy phương án: thả hàng xong là cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rồi, nếu sau đó lộ, bắt buộc phải chiến đấu, không ra khơi được thì cho tàu lao vào quân cảng của địch ở Nha Trang, cho nổ tàu phá tung cảng. Hoặc không vào được cảng thì đâm thẳng tàu ta vào một tàu địch to nhất, nổ tàu, phá tan tàu địch và hi sinh...

Nhưng bây giờ những phương án ấy không còn thực hiện được nữa: máy tàu đã bị tê liệt, tàu không còn cơ động được. Chỉ còn một phương án cuối cùng: phá tàu, rút lên bờ chiến đấu.

---------------

* Kỳ cuối: Cuộc chiến đấu cuối cùng của người anh hùng

----------------

Tin, bài liên quan:

* Kỳ 11: Cuộc chiến đấu đưa họ lại gần nhau* Kỳ 10: Một câu chuyện tình* Kỳ 9: Bùng nổ sự kiện Vũng Rô* Kỳ 8: Vũng Rô - bến đậu trong lòng địch* Kỳ 7: Bí mật một con đường* Kỳ 6: Phía sau người anh hùng* Kỳ 5: Những con tàu không số* Kỳ 4: Câu chuyện của người lính già* Kỳ 3: Đi về hướng sao Bắc Đẩu* Kỳ 2: Tìm người vô danh* Kỳ 1: Xác minh một truyền thuyết

NGUYÊN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên