Trên tàu điện ngầm ở Hong Kong - Ảnh: AFP
Tin tức gần đây về cái chết của nữ phóng viên người Nhật Miwa Sado do làm thêm 159 giờ trong một tháng đã làm chấn động dư luận nước Nhật cũng như nhiều quốc gia khác. Như tại đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc, nơi mọi người phải "đầu tắt mặt tối" kiếm tiền chi trả những khoản phí đắt đỏ, người ta cũng không khỏi "rúng động" trước câu chuyện này.
Làm, làm nữa, làm… xuyên màn đêm
Tình trạng làm việc quá giờ không còn là chuyện lạ đối với người Hong Kong. Một cuộc khảo sát hồi năm 2015 của Regus - công ty đa quốc gia chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê văn phòng làm việc trên toàn cầu - tiết lộ 20% người Hong Kong làm thêm từ 4-6 giờ mỗi tuần và 19% làm quá giờ từ 6-8 giờ/tuần. Con số này nhiều hơn cả với dân Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Chia sẻ về vấn đề này hôm 9-10, cô Luisa Tam, một biên tập viên cao cấp tại nhật báo South China Morning Post của Hong Kong, cho biết số giờ làm việc mặt bằng chung như vậy còn chưa là gì so với số giờ làm việc của các phóng viên tại Hong Kong.
Tam kể rằng nhiều phóng viên như cô hầu như phải làm thêm từ 4-6 giờ mỗi ngày. Theo cô, có thể nhận định văn hóa làm quá giờ đã trở thành một điều quen thuộc ở một số tờ báo trong thành phố, nơi người ta thường có câu nói: "Yau fan gung, mo fong gung" (tạm dịch: Chỉ có giờ vào, không có giờ ra).
Luisa Tam kể lại rằng vào thời điểm cô còn làm việc cho một tờ báo khác tại Hong Kong, cô phải làm việc theo ca liên tiếp từ 10h sáng ngày hôm trước tới tận 2h sáng của ngày hôm sau. Tam chỉ có thể nghỉ ngơi sau khi số báo ngày hôm đó được gửi tới bộ phận in.
Tam đã làm việc không ngừng nghỉ như vậy trong hơn 6 tháng liền và cuối cùng cô lâm bệnh. Sau đó, nữ phóng viên dành ra hơn một năm không làm việc để thư giãn.
Thực tế cho thấy khi người ta làm việc quá sức trong một thời gian dài liên tục, năng suất và chất lượng sản phẩm sẽ bị giảm đi. Điều này đặc biệt đúng đối với trường hợp của phóng viên Tam, khi mà loại hình công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và tránh mắc dù chỉ một lỗi nhỏ. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng liên miên có thể sẽ dẫn tới các bệnh về tim, huyết áp cao cùng các bệnh nguy hiểm khác.
Hong Kong thuộc trong số những thành phố đắt đỏ nhất thế giới khiến người ta phải vắt kiệt sức để tồn tại - Ảnh: AFP
Nguồn cơn nằm ở đâu?
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao người Hong Kong vẫn bắt bản thân vùi đầu quá sức vào công việc dù biết thực tế đó?
Theo lý giải của Tam, trước hết là bởi những trường hợp bất đắc dĩ. Chẳng hạn, các công ty đang thiếu nhân sự hay các vị trí trống chưa được san lấp đầy đủ, khiến các nhân viên tại Hong Kong phải hoàn thành nhiều trách nhiệm hơn.
Thứ hai, nhiều nhân viên do kỹ năng còn yếu buộc phải làm thêm giờ để tăng mức lương của họ. Tuy nhiên, đây là một câu chuyện hoàn toàn khác đối với những ai làm việc trong ngành tài chính.
Mặc dù mức lương cao ngất ngưởng, họ vẫn chọn hi sinh cuộc sống thường nhật để giàu nhanh chóng. Trong trường hợp này, làm việc quá giờ chính là một lựa chọn tự nguyện vì họ nhìn nhận đây là một con đường dẫn tới sự giàu có.
Cô Tam cho biết nhiều người Hong Kong so sánh với nhau về số giờ làm việc. Nó là một thứ văn hóa, một niềm tự hào dù chỉ khoe nhau về số lượng chứ không còn là chất lượng.
Họ muốn những người khác biết rằng họ làm việc trong một thời gian dài liên tục là bởi có nhiều trách nhiệm, từ đó cho thấy vai trò quan trọng của họ trong công ty. Một số khác xem làm việc quá giờ là biểu hiện của sự siêng năng, cho thấy cống hiến và cam kết của họ đối với nơi làm việc.
Một vụ tai nạn xe buýt hai tầng tại khu Sham Shui Po của Hong Kong hôm 22-9 khiến ba người thiệt mạng. Người ta đặt nghi vấn về tình trạng làm quá giờ, dẫn tới mất tỉnh táo của các tài xế trong thành phố sau vụ việc - Ảnh: AFP
Tiên phong trong vấn đề giảm số giờ làm tại Hong Kong, hiệp hội xe buýt Citybus Limited Employees Union (CLEU) vừa qua đã yêu cầu giảm số giờ làm việc tối đa của các tài xế xe buýt từ 14 xuống còn 12 giờ/ngày sau khi một xe buýt hai tầng lao vào người đi đường khiến 3 người chết và 30 người bị thương.
CLEU nói rằng đã đến lúc chính quyền Hong Kong phải giảm số giờ làm việc quá dài và tình trạng thiếu nhân lực trong ngành công nghiệp này. Một cuộc khảo sát hồi năm 2016 cho thấy 97% tài xế xe buýt tại Hong Kong làm việc quá giờ quy định. 78% số tài xế được hỏi cho biết họ làm việc từ 50 - 60 giờ mỗi tuần.
Theo cô Tam, một điều khó hiểu là cách đây nhiều thập niên tại Hong Kong, những người được trả mức lương hậu hĩ từng làm việc với số giờ thậm chí ít hơn những người có mức lương thấp hơn. Nhưng hiện nay, dù được trả lương cao, người ta vẫn thích làm việc trong nhiều giờ liên tiếp.
Về phần những nhân viên có mức lương thấp, việc họ làm thêm giờ là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng ca để trang trải cuộc sống.
Vậy liệu đối với những ai làm việc thêm giờ "một cách tự nguyện" dưới danh nghĩa hoài bão, thói quen và văn hóa làm việc, thật sự có đáng khi sức khỏe của họ đang dần mai một? Tất cả chúng ta hẳn đều biết câu trả lời.
Kết lại những dòng chia sẻ của mình, nữ phóng viên Tam nhấn mạnh đã đến lúc làm sống lại ý tưởng làm việc thông minh hơn với thời gian ít hơn. Và điều này đặc biệt quan trọng ở một thành phố năng động, giàu có như Hong Kong. Chúng ta cần một sự dẻo dai chứ không phải sự uể ải, chết dần chết mòn trong lòng một thành phố năng động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận