Trong cả hai phần, đề thi đều đưa ra đoạn trích rồi nêu các câu hỏi để học sinh phân tích, bình luận và viết một đoạn văn phát triển ý từ đoạn trích.
Học gì thi nấy
Cách ra đề quen thuộc như thế nên năm nào câu hỏi quen thuộc của học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh luôn là "Đề sẽ ra tác phẩm nào?" (trước khi thi) và "Đề thế làm thế đúng không?". Nghĩa là người ta đoán đề ra và đoán đáp án. Còn xã hội sẽ tập trung vào đề ra mà bàn luận chọn tác phẩm đó đúng chưa, trích đoạn đó hay chưa, khai thác ý thế phải chưa...
Tóm lại đề thi văn năm nay vẫn trong cái vòng học gì thi nấy, vẫn cái kiểu cho học sinh trả bài. Cố nhiên tùy năng lực đọc hiểu và làm văn của học sinh khác nhau sẽ có chất lượng các bài thi khác nhau, do đó điểm số cũng khác nhau. Đó lại là một yêu cầu phân loại chất lượng học sinh sau 12 năm học của kỳ thi, của ngành giáo dục.
Kiểu ra đề thi, làm bài thi, chấm bài thi như thế bao năm đã là cái khung trường quy bắt buộc cho cả giáo viên và học sinh, không thoát được, không làm khác được. Muốn thoát, muốn khác thì quan niệm về dạy và học môn văn trong nhà trường phải khác, từ đó cách ra đề thi và chấm thi phải khác. Nhưng đó vẫn là câu chuyện dài đã bàn mãi chưa có hồi kết.
Cần "lấy văn làm chính"
Phần làm văn trong đề thi tốt nghiệp năm nay đáng nói là ở câu 2: yêu cầu viết đoạn nghị luận văn học về đoạn kết truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Ở đây không bàn chuyện giá trị của tác phẩm văn chương này - nó có giá trị và đã được khẳng định. Nhưng đoạn kết này không phải đoạn hay trong truyện, không nói lên được bút pháp truyện ngắn của nhà văn, việc chọn nó làm đề lại thêm cho thấy việc lấy văn bàn chuyện ngoài văn. Chưa kể chuyện phá kho thóc cứu đói đã thuộc về lịch sử!
Lấy đoạn kết đó yêu cầu học sinh "nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân" là lại quay về một thời thi môn văn theo công thức người đời đúc kết: uất (ức) - căm (thù) - chiến (đấu) - lạc (quan). Mà nhà văn Kim Lân có phát biểu, có nói ra "cách nhìn cuộc sống" của mình đâu mà bắt học sinh "nhận xét". "Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới" là của nhân vật đấy chứ.
Lẽ ra vẫn ở kiểu ra đề này nhưng sau khi yêu cầu phân tích đoạn trích rồi thì nên yêu cầu học sinh cho biết tại sao nhà văn lại kết truyện Vợ nhặt như thế.
Học sinh đã được đọc được học cả truyện trong chương trình thì tự nhiên họ sẽ biết được kết truyện như thế, để cho Tràng thấy ra cờ đỏ như thế, là nhà văn đã hướng nhân vật theo cái sống, không phải theo cái chết, dù đang giữa nạn đói trầm trọng và từ đó thấy được cách nhìn cuộc sống đầy tính nhân văn của nhà văn. Hỏi cách kết truyện tức là hỏi nghệ thuật văn chương, là bám theo văn bản tác phẩm. Còn yêu cầu "nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn" là bắt học sinh bỏ nhân vật và buộc các em dạy đời tác giả.
Đến bao giờ những câu lệnh như "hãy trình bày suy nghĩ...", "hãy rút ra bài học...", "hãy nhận xét..." biến khỏi các đề thi văn? Tôi biết điều này là khó lắm khi việc học văn và thi văn trong nhà trường vẫn không lấy văn làm chính. "Văn chương là văn chương" chứ, trước hết và trên hết, như nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng kêu.
Nếu lấy văn làm chính thì câu 1 trong phần làm văn yêu cầu học sinh từ đoạn trích trong phần đọc hiểu viết đoạn văn nghị luận xã hội về sự cần thiết của việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống là không thể được, mặc dù có thể là hay theo lối đề quen thuộc cũ. Bởi cả bài thơ Đi qua cơn giông của nhà thơ Anh Ngọc học sinh không được đọc, chỉ đọc có trích đoạn lấy ra làm đề, như thế sao biết được ý tưởng toàn bài của nhà thơ là gì.
Mà giả sử có được đọc cả bài thơ đi nữa thì học sinh sẽ có cảm thụ riêng của họ, không chắc câu thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình" là nói về bài học lẽ sống, không chắc bài thơ Đi qua cơn giông là nói về sự cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Chúng ta đã dạy các em đọc văn theo một chiều. Chúng ta đã bắt các em làm văn thi theo một chiều. Chiều đó là chiều của người dạy, không phải chiều của người học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận