Phóng to |
Phóng viên chiến trường Marie Colvin (người Mỹ) làm việc cho báo Sunday Times, Anh - Ảnh: Reuters |
Bà là một trong hai nhà báo phương Tây thiệt mạng khi lực lượng Syria nã pháo vào thành phố Homs hôm 22-2. Suốt 26 năm làm báo, nữ nhà báo người Mỹ này đã lăn lộn qua các cuộc chiến ở nhiều lục địa khác nhau, hai lần nhận Giải thưởng báo chí Anh dành cho phóng viên nước ngoài xuất sắc. Dễ dàng nhận ra bà qua miếng che mắt màu đen như hải tặc mà bà đeo từ sau tai nạn năm 2001.
Bà Marie Colvin luôn tìm kiếm sự thật khốc liệt của những cuộc chiến. Nhà báo 56 tuổi này đã sống trọn vẹn với nguyên tắc của chính mình: “Nhiệm vụ của nhà báo là tường thuật những điều khủng khiếp của chiến tranh một cách chính xác và không định kiến”.
"Phóng viên chiến trường ra trận không phải để chiến đấu. Họ đến để thông tin, để kể lại những điều luôn rất dễ bị lờ đi. Lãng quên họ chính là giết chết thông tin" |
“Tôi đã là một phóng viên chiến trường suốt hầu hết sự nghiệp của mình. Đó là một tiếng gọi khó khăn. Nhưng nhu cầu về đưa tin khách quan từ tuyến đầu chưa bao giờ lại cấp thiết như bây giờ.
Đưa tin về một cuộc chiến đồng nghĩa với việc đi đến những nơi bị tàn phá bởi hỗn loạn, sự phá hoại và cái chết, và cố chứng kiến. Nó có nghĩa là cố gắng tìm ra sự thật trong cơn bão cát những thông tin tuyên truyền trong khi quân đội, bộ tộc hoặc phần tử khủng bố đang đụng độ nhau. Nó có nghĩa là chấp nhận rủi ro, không chỉ cho chính bản thân bạn mà thường là cho những người sát cánh bên bạn.
Tường thuật những điều khủng khiếp
Mặc cho những đoạn phim của Bộ Quốc phòng hoặc Lầu Năm Góc mà bạn xem, và tất cả ngôn từ sạch sẽ mô tả về những quả bom thông minh hay những vụ đột kích mục tiêu, trên chiến trường mọi việc vẫn y như nhiều thế kỷ qua. Những hố bom lổn nhổn. Những ngôi nhà cháy. Những thi thể không toàn thây. Phụ nữ tìm chồng con trong nước mắt. Đàn ông tìm vợ, mẹ và con.
Sứ mệnh của chúng tôi là tường thuật những điều khủng khiếp của chiến tranh một cách chính xác và khách quan. Chúng tôi luôn tự vấn chính mình liệu những rủi ro có đáng cho câu chuyện. Cái gì là sự can đảm và cái gì là giả vờ can đảm?
Những phóng viên đưa tin về chiến trường gánh trên vai những trách nhiệm và đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Đôi lúc họ phải trả một giá khủng khiếp (bị giết, bị bắt cóc...). Chưa bao giờ tình hình lại nguy hiểm như hiện nay đối với những phóng viên chiến trường, bởi họ đang trở thành mục tiêu hoàn hảo trong vùng chiến sự.
Tôi bị mất một mắt trong một đợt phục kích ở cuộc nội chiến Sri Lanka. Tôi đã đến khu vực Tamil ở miền Bắc, nơi các phóng viên bị cấm đưa tin và phát hiện một thảm họa nhân đạo chưa ai biết. Khi tôi lén trở về qua ranh giới chiến sự, một tên lính ném lựu đạn vào tôi và mảnh bom xoáy vào mặt và ngực tôi.
Mới tuần trước, tôi uống cà phê ở Afghanistan với người bạn nhiếp ảnh Joao Silva. Chúng tôi nói chuyện về sự ghê sợ mà một người cảm thấy và phải kìm nén khi di chuyển cùng các lực lượng vũ trang qua những cánh đồng và ngôi làng ở Afghanistan... Sự chờ đợi một vụ nổ giống như ác mộng. Hai ngày sau cuộc gặp đó, Joao giẫm phải một quả mìn và cụt cả hai chân đến tận gối.
Nhiều người ở đây hẳn đã và đang tự hỏi liệu nó có xứng với cái giá phải trả bằng mạng sống, nỗi buồn, mất mát? Liệu chúng ta có thể thật sự thay đổi được gì? Tôi đã đối mặt với câu hỏi đó khi tôi bị thương. Thật sự một tờ báo lúc đó đã chạy tít rằng có phải lần này Marie Colvin đã đi quá xa? Câu trả lời của tôi khi đó, và bây giờ, là nó xứng đáng.
Sứ mệnh nói lên sự thật
Chúng tôi đến những vùng chiến tranh xa xôi để đưa tin về những gì đang diễn ra. Công chúng có quyền biết về những gì chính phủ, lực lượng vũ trang của chúng ta đang làm nhân danh chúng ta. Sứ mệnh của chúng tôi là nói lên sự thật. Chúng tôi gửi về bản thảo thô đầu tiên của lịch sử. Chúng tôi tạo nên sự khác biệt trong việc vạch trần những điều khủng khiếp về chiến tranh và đặc biệt là những hành động tàn bạo lên dân thường.
Lịch sử về nghề báo của chúng tôi là một điều đáng tự hào... Đưa tin chiến trường đã thay đổi lớn chỉ trong vài năm trở lại đây. Chúng tôi đi đến mặt trận với một điện thoại vệ tinh, máy tính xách tay, máy quay phim và áo chống đạn. Tôi hướng điện thoại vệ tinh của mình về phía nam tây nam của Afghanistan, nhấn nút là gửi xong bản tin.
Vào cái thời của tin tức nhảy 24/7, trang mạng cá nhân và Twitter, chúng tôi nghe tiếng gọi không ngừng dù chúng tôi ở đâu. Nhưng đưa tin mặt trận về cơ bản vẫn thế - một người nào đó đi đến đó và nhìn thấy những gì đang diễn ra.
Điều khó khăn thật sự là việc có đủ niềm tin vào sự nhân đạo để tin rằng chính phủ, quân đội hay những người trên đường phố sẽ quan tâm khi bản tin của bạn đến được các trang báo, mạng hay màn hình tivi không. Chúng tôi có niềm tin đó vì chúng tôi tin rằng chúng tôi tạo ra sự thay đổi.
Và chúng tôi không thể tạo nên sự thay đổi đó - cũng như bắt tay vào công việc của mình - mà không có những nguồn tin, tài xế và người thông dịch, những người đối mặt với những nguy cơ tương tự như chúng tôi và thiệt mạng nhiều vô kể. Hôm nay chúng ta vinh danh họ cũng như những nhà báo mặt trận đã hi sinh khi theo đuổi sự thật. Họ đã giữ niềm tin và chúng ta, những người còn sống, phải tiếp tục giữ nó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận