Hệ thống siêu thị VinMart
VCM - một thương vụ M&A rất khác
Thời điểm hiện tại, có lẽ không ai có thể phủ nhận vị thế của Masan Group trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nội địa, thành quả có được từ hơn hai chục năm nghiên cứu phát triển cùng vai trò không thể thiếu của chiến lược M&A những thương hiệu lớn xuyên suốt.
Lần lượt những Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo, Quang Hanh… về cùng một nhà giúp hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm tiêu dùng của Tập đoàn. Các lĩnh vực khác như khai khoáng, thức ăn chăn nuôi với nền tảng cũng đến từ các thương vụ M&A đang cũng đang xây dựng cho mình một con đường riêng với tầm nhìn dài hạn. Gần đây nhất, Masan Group mua 52% Công ty Netco, mở rộng danh mục sang các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.
Đặc điểm chung của những thương vụ đầu tư nói trên đều là mở rộng năng lực sản xuất của Masan Group trên chặng đường để trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng vị thế số một, điều giúp công ty có thể cạnh tranh thành công trong khu vực tư nhân qui mô nhỏ, phân tán và các nhà sản xuất đa quốc gia…
Nhưng cuối năm ngoái, Masan Group thực hiện một thương vụ đầu tư theo cách rất khác – nhận chuyển nhượng cổ phần trong VCM từ Tập đoàn Vingroup (đơn vị đang sở hữu hệ thống bán lẻ có thương hiệu lớn nhất cả nước VinMart, VinMart+).
Điểm khác biệt ở đây là ở việc Masan Group không còn mua lại một công ty sản xuất như thường lệ, mà mua lại hệ thống phân phối qui mô lớn và trực tiếp bắt tay vào vận hành, điều xưa nay không nằm trong thế mạnh của Tập đoàn.
Giới đầu tư đặt nhiều dấu hỏi về việc hệ thống VinMart, VinMart+ vẫn luôn lỗ trong nhiều năm nay, một hệ thống cồng kềnh với chi phí phải trả cho việc thuê mặt bằng lớn, hay việc sử dụng đòn bẩy nợ vay cao có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tài chính của Masan Group.
Điều này hoàn toàn có lý của nó, sáp nhập thêm VCM giúp tổng tài sản của Masan Group lập tức tăng gấp rưỡi lên 97.300 tỉ đồng, nhưng nợ phải trả cũng tăng mức tương tự từ 30.500 tỉ đồng lên 45.400 tỉ đồng. Trong đó, vay nợ và các khoản trái phiếu ngắn hạn tăng gấp đôi lên 18.340 tỉ đồng.
Đại hội cổ đông MSN - MCH - MML 2020..
Kết quả kinh doanh quí I/2020 ghi nhận việc lỗ thuần lần đầu tiên trong nhiều năm (-85 tỉ đồng). Dù doanh thu tăng mạnh, nhưng tăng trưởng lãi gộp không theo kịp chi phí hoạt động (chiếm tỉ trọng cao nhất là chi phí bán hàng), cộng thêm chi phí tài chính đội là nguyên nhân chính dẫn đến việc thua lỗ.
Trong báo cáo gửi lên ĐHĐCĐ thường niên 2020, HĐQT Masan Group cũng cho biết rằng chiến lược M&A có thể khiến dư nợ Tập đoàn vượt quá mức dự kiến trong ngắn hạn, điều này đòi hỏi phải điều chỉnh lại để tối ưu hóa trong 12 - 18 tháng tới.
Kế hoạch sớm đưa VCM về điểm hòa vốn
Nhưng những điểm sáng đã nhanh chóng xuất hiện.
Doanh thu quí I của VCM (sau khi về với Masan Group) tăng trưởng 40%, với biên EBITDA cải thiện từ -10,7% quí trước đó lên -5,1%. Tất nhiên, cần tính đến việc kết quả kinh doanh quí I của VCM có yếu tố tác động của đại dịch COVID-19 khiến thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi. Thậm chí có thời điểm tâm tí gom hàng thực phẩm tích trữ lan rộng, đặc biệt tại kênh bán hàng hiện đại góp phần thúc đẩy doanh số.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan phát biểu tại Đại hội cổ đông năm 2020
Tăng trưởng doanh số bán hàng tại các cửa hàng (SSSG) đạt mức hai chữ số tại Hà Nội và các thành phố cấp 1, cấp 2; bên cạnh đó Masan Group điều chỉnh tốc độ mở rộng điểm bán chậm lại đồng thời thực hiện tối ưu hóa.
Ảnh hưởng của đại dịch trong năm 2020 cũng giúp Masan Group có cơ sở tác động lên các nhà cho thuê mặt bằng về việc giảm giá cho thuê, điều mà nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn khác cũng làm, điển hình là CTCP Đầu tư Thế giới Di động. Chưa rõ sức mạnh đàm phán của Tập đoàn đến đâu, nhưng có thể Masan Group sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành.
Masan Group có một kế hoạch tương đối mạnh bạo là đưa biên EBITDA của VCM về -3% đến 0% ngay trong năm nay và đạt mô hình hòa vốn vào nửa cuối năm. Để đạt được điều này, việc tối ưu hóa các điểm bán hàng hiện tại là điều tất nhiên, quyết liệt đóng cửa các điểm bán hàng không có khả năng hòa vốn và những điểm bán mở mới cũng sẽ phải được nghiên cứu rất kĩ lưỡng để đảm bảo tính hiệu quả.
Bước đi tiếp theo của Masan Group là xây dựng hạ tầng để số hóa toàn bộ nền tảng, qua đó chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn.
CrownX, doanh nghiệp tỉ USD và sứ mệnh xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hoàn thiện
Gần nửa năm sau thương vụ hoán đổi cổ phần không dùng tiền mặt giữa VCM và MCH, Masan Group chính thức thành lập công ty The CrownX nắm giữ cổ phần trong hai doanh nghiệp tỉ USD, đảm nhiệm vai trò phát triển định hướng chiến lược bán lẻ - tiêu dùng trong tương lai.
Trong tiếng Anh, từ Crown nghĩa là vương miện, Masan Group cho biết đây là cách công ty nhìn nhận khách hàng – giống như những vị vua, nữ hoàng. Chữ cái X đi kèm tượng trưng cho sự tuyệt vời, sự đổi mới và vai trò của công nghệ như một nhân tố hỗ trợ.
Nhiệm vụ của CrownX là làm sao ghép nối được hai mảnh ghép MCH và VCM, bài toán ở đây không chỉ là để hai thực thể này ăn khớp với nhau mà quan trọng hơn là tạo được sức cộng hưởng, giúp cả hai tăng trưởng mạnh mẽ, quan trọng hơn là tạo ra những giá trị thiết thực phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Với qui mô của mình, mỗi năm Masan Group nghiên cứu, phát triển, đưa ra thị trường hàng chục sản phẩm mới. Các nhà sản xuất nói chung cần đo đạc phản hồi của người tiêu dùng với những sản phẩm này từ đó đưa các điều chỉnh và chiến lược phát triển cho phù hợp.
Thịt mát đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới về thịt sạch, ngon, an toàn
Masan Group đang sở hữu riêng cho mình trên 3.000 điểm bán hàng hiện đại (VinMart, VinMart+) điều này giúp công ty rút ngắn vòng phản hồi giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng, từ đó giúp tăng tỉ lệ thành công của các sản phẩm cải tiến.
Ví dụ, khi Masan Consumer tung ra một sản phẩm mới, công ty ngay lập tức có thể thu thập ý kiến của khách hàng thông qua hệ thống bán lẻ. Ở chiều ngược lại, việc gia nhập vào sản xuất của nhà bán lẻ sẽ giúp nền tảng phát triển nhãn riêng đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất và tạo lợi thế cạnh tranh so với nhà bán lẻ khác.
Trong chiến lược phát triển, Masan Group cho biết sẽ tận dụng mạng lưới bán hàng kênh GT (kênh truyền thống) của MCH và nền tảng mua sắm của VCM để phát triển mô hình nhượng quyền, nhắm đến mục tiêu có được 20.000 điểm bán. Mạng lưới các cửa hàng nhượng quyền giúp công ty mở rộng sự hiện diện với tốc độ nhanh hơn và tạo điều kiện để chuyển đổi tỉ lệ MT trên toàn quốc.
Cơ cấu tổ chức như thế này cũng cho phép Tập đoàn sử dụng vốn lưu động, tài chính và đưa ra các biện pháp tiết kiệm chi phí khác.
Sau năm bản lề 2019, hành trình mới của Masan Group chính thức bắt đầu. Mục tiêu của Tập đoàn trong 5 năm tới cùng với CrownX là thúc đẩy sự đổi mới thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng Việt Nam thông qua việc phát triển một hệ sinh thái tiêu dùng không chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản hằng ngày mà còn cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt nhất, dựa trên mô hình vận hành sáng tạo và việc áp dụng các công nghệ tiên tiến. Hành trình được Tập đoàn gọi là để đáp ứng những nhu cầu chưa được thỏa mãn của người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận