Mấy mươi năm sau chiến tranh, năm nào bác cả tôi cũng lặn lội đi tìm mộ hai người em trai bằng mọi phương cách.
Ròng rã mãi rồi cũng đến ngày may mắn tìm được một người tại một nghĩa trang xa vắng, và bác tôi được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Người còn lại hy sinh khi mới 19 tuổi vẫn chưa thể tìm thấy, gia đình chấp nhận coi như cậu đã tan vào đất đai trời biển.
Công việc cho tôi cơ hội được đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ. Trường Sơn. Đường 9. Đồi A1. Vị Xuyên... Đứng giữa những hàng bia ngang dọc trùng trùng giữa núi giữa rừng tôi thấy rợn ngợp như mình đang chìm xuống giữa những đoàn quân.
Những đoàn quân mênh mông những chàng trai trẻ khỏe, tràn lý tưởng, đầy năng lượng, tuyệt đối vô tư. Và vô danh, kể cả những người đã có tên tuổi rõ ràng trên bia mộ. Vô danh không chỉ là thiếu một cái tên.
Không ai trong số họ đã đòi hỏi cho mình một danh hiệu, một quyền lợi gì khi nối nhau ngã xuống và thay nhau ngã xuống.
Như nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết: "Tên anh đã thành tên đất nước", và rồi Lê Anh Xuân cũng ngã xuống như vậy. Nằm lại trong lòng đất, và đất nào cũng là đất mẹ là niềm an ủi cuối cùng của cuộc đời. Sự vô danh của liệt sĩ mang theo niềm linh thiêng ấy vào đất mẹ.
Bao nhiêu năm đã qua, bao nhiêu người Việt Nam như tôi đều thấm thía được sự vô cầu tuyệt đẹp ấy mỗi khi có cơ hội được cắm một nén nhang lên mộ người liệt sĩ.
"Liệt sĩ vô danh", mấy chữ ngắn gọn, giản dị mà thâm sâu, mà linh thiêng đến làm cho mộ bia như trong suốt. Trong suốt để làm tấm gương cho người đứng đó soi vào lòng mình.
Chẳng có ai đứng đó lại nghĩ người nằm dưới mộ không tên tuổi không quê quán, họ chắc hẳn là đồng đội, là bạn bè, đồng hương với những chàng trai trẻ đang nằm ngay cạnh mình. Và chắc cũng chẳng ai nghĩ xem câu chữ nào thì xứng đáng với sự hy sinh.
Có chăng người ta sẽ nghĩ: liệt sĩ nằm đây thì vẫn là vô danh, nhưng người mẹ, người vợ ở quê nhà đã cạn nước mắt từ lâu, đã nhận được giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công từ lâu, và thân nhân liệt sĩ đã được chăm sóc, bù đắp như thế nào?
Đến khi nào thì chúng ta có được ngân hàng ADN để có thể xác định thân nhân liệt sĩ cho người dưới mộ?
Và nếu điều đó không thể làm được thì những liệt sĩ vô danh vẫn là một phần thiêng liêng của nước non này, vẫn ấm áp nếu những người đến thăm viếng thật sự sống cho những ước mơ mà họ đã cống hiến bằng đời mình, thân mình.
Thay thế những câu chữ trên bia mộ là điều chưa thấy ai nhắc đến trong số bao cựu binh, bao thân nhân liệt sĩ mà tôi có dịp cùng đi, có dịp trò chuyện.
Và ngân sách để làm việc đó sẽ có thể dùng được cho bao nhiêu việc cần kíp hơn, nhất là trong giai đoạn kinh tế đang gặp cảnh khó khăn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận