Tìm tên cho liệt sĩ vô danh

VŨ TOÀN 30/07/2008 22:07 GMT+7

TTCT - Sau mỗi đợt tìm kiếm di vật liệt sĩ về, trung tá Nguyễn Thị Tiến - cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 - thường ra bưu điện tỉnh nhận thư gửi bảo đảm. Mỗi lần thấy chị bước đến quầy giao dịch, mấy nhân viên bưu điện lại bảo: “Chị Tiến “liệt sĩ” đến rồi kìa”. Ngay sau đó chị nhận một bịch hàng trăm lá thư của các thân nhân liệt sĩ từ khắp nước gửi về...

Phóng to
Mẹ Dương Thị Hiệp nhìn bức ảnh của mình do chị Tiến tìm, phục chế và trao lại sau hơn 33 năm bức ảnh và hài cốt con trai bà năm giữa rừng Lào
TTCT - Sau mỗi đợt tìm kiếm di vật liệt sĩ về, trung tá Nguyễn Thị Tiến - cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 - thường ra bưu điện tỉnh nhận thư gửi bảo đảm. Mỗi lần thấy chị bước đến quầy giao dịch, mấy nhân viên bưu điện lại bảo: “Chị Tiến “liệt sĩ” đến rồi kìa”. Ngay sau đó chị nhận một bịch hàng trăm lá thư của các thân nhân liệt sĩ từ khắp nước gửi về...

Chị đã nhận hơn 5.000 lá thư nhưng chỉ mới trả lời được 3.000 thư. Có những lá thư của đứa con độc nhất tìm cha, của người phụ nữ héo muộn đang trông chờ tin chồng khiến chị không cầm được nước mắt.

Những chuyến đi tìm di vật

Trưa 13-1-2000, từ Bảo tàng Quân khu 4 ở TP Vinh, Nghệ An, biết đoàn qui tập mộ liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa vừa di chuyển 60 hài cốt liệt sĩ từ Lào về, chị Tiến mang balô, đón xe đi ngay. Điểm đến là nghĩa trang Hàm Rồng. Lần đầu tiên chị ớn lạnh khi nhìn những gói nilông bọc hài cốt và sửng sốt vì thấy trong số hài cốt đó chỉ có hai liệt sĩ có tên và quê quán.

Điều duy nhất có thể giúp xác định danh tánh và quê quán của các liệt sĩ này là những di vật chôn kèm theo họ, nhưng rất tiếc vì “có rất nhiều di vật được tìm thấy từ chiếc bút Trường Sơn, chiếc gương Thống Nhất, tảng đá núi khắc đủ loại ký hiệu cho tới cái cối giã trầu làm bằng vỏ đạn, chiếc lược đuyara làm từ xác máy bay... nhưng tất cả đều đã bị bỏ lại nơi cất bốc hài cốt liệt sĩ”. Nghe chị giải thích ý nghĩa của các di vật, lính qui tập hứa “lần sau sẽ đưa hết di vật của liệt sĩ về cho chị”.

Hai ngày sau, chị vừa về đến Bảo tàng Quân khu 4 thì được tin đoàn qui tập Quảng Bình sẽ chuyển 82 hài cốt liệt sĩ từ Lào về. “Không còn cách nào khác là phải vào Quảng Bình ngay”. Lần này, chị xin được một chiếc gương soi cỡ 5x8cm lấm lem bùn đất và vết máu khô - di vật của phần mộ số 18. Mặt sau gương là một tấm kính, ở giữa có tấm ảnh bà mẹ trạc 50 tuổi, đầu chít khăn, mặc áo bà ba.

Thiếu úy Lê Minh Châu - người trực tiếp cất bốc ngôi mộ số 18 tại Lào - cung cấp thêm: “Khi tìm được phần mộ này, dân bản địa cho biết liệt sĩ có tên Hương nhưng không biết họ và quê quán”. Suốt đêm cái tên “Hương” và hình ảnh bà mẹ cứ ám ảnh chị. Chị gói chặt cái gương lại như gói một báu vật rồi đi tìm thợ truyền thần vẽ lại bức ảnh bà mẹ. Nhưng do ảnh quá mờ vì đã nằm cùng hài cốt của người liệt sĩ hơn 30 năm nên các thợ vẽ đều lắc đầu. Rất may chị được một phóng viên ở Hà Nội giúp in trên báo Nhân Dân với bài viết “Thương nhớ hữu hình”.

Đúng mười tháng sau, chị nhận được điện thoại. Cầm máy, chị nghe giọng người đàn ông gấp gáp: “Tôi là người nhà liệt sĩ Hương đây”. Phía đầu dây là ông Bùi Danh Khuê, người cho hay đã nhận ra bức ảnh người mẹ đăng trên báo Nhân Dân. Tại Hà Nội, khi thấy ông Khuê đưa chứng minh thư của bà Dương Thị Diệp và giấy báo tử của liệt sĩ Bùi Danh Hương, miệng chị Tiến như méo đi vì vừa muốn reo lên cười lại vừa muốn khóc...

Chị muốn hét to lên để những người lính qui tập biết rằng phần mộ số 18 đã được xác định tên tuổi và quê quán. Chị Tiến chiêm nghiệm: “Hình như đối với các liệt sĩ vô danh, nếu mình dốc hết tâm sức thì mọi ước mong sẽ được đền đáp”. Sau đó, trung tướng Lê Văn Hân - phó ban chuyên trách công tác đặc biệt của Chính phủ - nghe được câu chuyện mẹ Diệp và phần mộ số 18 mang tên liệt sĩ Hương do chị Tiến kể, ông cảm động khuyên: “Cháu làm được việc ấy thì giỏi lắm, nên kiên nhẫn làm tiếp”.

Cầm tờ báo Quân Đội Nhân Dân là chị Tiến đọc ngay mục “Nhắn tìm đồng đội”. Một lần, chị đọc được tin nhắn: “Cần tìm liệt sĩ Lương Hồng Canh, quê ở Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Sinh 1941. Hi sinh 3-1-1970. Đơn vị C5, D5, E165, F312”. Người viết tin là ông Hà Thanh Xuyên - bí thư Huyện ủy Mai Châu. Đọc xong chị Tiến reo lên bởi chị vừa sưu tầm được 33 mảnh nhôm nằm cùng hài cốt liệt sĩ tại tọa độ 6633 trên bản đồ vùng rừng Noọng Pẹt, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), trong đó có mảnh nhôm khắc chữ Lương Hồng Canh, 29 tuổi, hi sinh 3-1-1970. Đối chiếu với tin nhắn ông Xuyên thì thông tin trên di vật chỉ thiếu quê quán và đơn vị của người liệt sĩ. Chị Tiến gọi điện cho ông Xuyên yêu cầu ông gửi giấy báo tử của liệt sĩ Canh để chắp nối các thông tin.

Tin nhắn của ông Xuyên còn nói đến đơn vị C5, D5, E165, F312. Ký hiệu này trùng với ký hiệu trên một số mảnh nhôm di vật khác trong 33 mảnh nhôm. Một ý nghĩ lóe lên “rất có thể 33 mảnh nhôm này liên quan đến số phận nhiều phần mộ liệt sĩ của sư đoàn 312”. Nghĩ thế rồi, chị nhờ chồng mua vé tàu ra Thái Nguyên tìm đến sư đoàn 312. Lật giở từng trang lý lịch trích ngang trong hồ sơ liệt sĩ của F312, chị Tiến xác định được tên tuổi và quê quán cho 27 phần mộ trước đó là vô danh. Lần này chị Tiến ngậm ngùi khóc vì từ một mảnh nhôm nhỏ bé mà xác định được tên tuổi của 27 liệt sĩ.

Qua Mỹ tìm di vật liệt sĩ

Sau khi nghỉ hưu, tháng 5-2008 chị Tiến được Hội Hợp tác nghệ thuật Đông Dương của Mỹ mời sang Mỹ. Tại Mỹ, chị được nhà báo Lê Phương (công tác tại TTXVN) đưa tìm gặp ông Sedg Wick Tourison (cộng tác viên của Nhà xuất bản Thông Tấn, người giúp nhà xuất bản này mua bản quyền tác phẩm Điệp viên hoàn hảo của nhà văn Mỹ Larry Berman). Ông là người quan tâm đến việc Mỹ đã làm gì để giúp VN sưu tầm những di vật liệt sĩ của họ trên đất Mỹ.

Gặp ông Wick, chị Tiến bất ngờ khi biết ông là một cựu chiến binh từng tham chiến ở chiến trường miền Nam trước năm 1975 và cũng là nạn nhân chất độc da cam. Ông Wick nói tiếng Việt khá sõi. Ông nói sẽ giúp chị gặp những cựu binh Mỹ như ông để chị tìm những di vật của những người lính VN đã ngã xuống trước năm 1975 mà họ đã mang từ chiến trường VN về Mỹ.

Người đầu tiên chị Tiến gặp là một cựu binh ở bang Baltimore. Người này bị chất độc da cam làm mờ mắt. Nghe Wick giới thiệu, ông ta vui vẻ lần từng bước vào mở tủ lấy ra một gói đồ được gói ghém khá cẩn thận trao cho chị Tiến, trong đó có một lá cờ Tổ quốc, một lá cờ giải phóng và một lá cờ Đảng cùng tấm bản đồ chiến dịch. Dưới bản đồ có câu thơ chúc tết của Bác Hồ: “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” được người lính Trường Sơn viết bằng mực tím.

- Những lá cờ này ông lấy được ở đâu, thưa ông? - chị Tiến hồi hộp hỏi.

Người cựu binh Mỹ cởi áo, quấn lá cờ quanh ngực của mình rồi nói:

- Tôi thấy những lá cờ này quấn quanh ngực những người lính VN như thế này này khi họ vừa ngã xuống cánh đồng lúa tại Cần Giuộc (Long An). Đó là hình ảnh kỳ lạ khiến tôi không thể không mang chúng về Mỹ.

Chị Tiến ứa nước mắt nhìn những lá cờ loang vết máu sau hơn 30 năm.

- Cũng tại Cần Giuộc, tôi còn lấy được một khẩu súng CKC - người cựu binh Mỹ gây thêm một bất ngờ.

Nói xong, ông lấy trong bọc nilông ra từng bộ phận súng rồi lắp thành khẩu CKC. Rồi ông hào hứng mở cuốn sổ tay của mình, trong đó có chép những bài thơ viết bằng tiếng Việt khá đẹp. Ông đọc:

Nếu khóc thầm

Mà biến đổi được tất cả

Thì dòng lệ của tôi

Sẽ đổ xuống, không ngừng...

Chị Tiến mở máy tính xách tay cho tôi xem hình ảnh những di vật liệt sĩ được bày trong Bảo tàng National Cryptologic, trong đó có hình ảnh một chiếc mũ cối đứt quai, cũ sờn. Chị kể: “Nei Burke là lính thủy quân lục chiến ở chiến trường miền Nam từ 1968-1969. Sau khi về Mỹ, ông ta sống độc thân rồi chết vì ung thư. Trước khi nhắm mắt, ông trăng trối với người bạn James Sparrow rằng: “Tôi nhờ bạn đưa trả chiếc mũ này về nơi nó đã ra đi, từ Quảng Trị”. Trong vành mũ chỉ khắc vỏn vẹn dòng chữ “Phạm Văn Lực. Hải Nhiên 1-7-1968”. Chị giải thích: “Những di vật như thế này sẽ cung cấp thêm thông tin giúp xác định được tên tuổi và quê quán của các liệt sĩ vô danh - điều mà những bà mẹ VN và thân nhân các liệt sĩ đau đáu mong chờ”.

Công trình

Sau buổi thuyết minh về hơn 2.000 di vật liệt sĩ do chị sưu tầm được cho hàng trăm cựu chiến binh và học sinh các tỉnh, chị Tiến dẫn tôi đến nhà tưởng niệm liệt sĩ trong Bảo tàng Quân khu 4, trầm ngâm nói: “Người nào sinh ra cũng được cha mẹ đặt cho một cái tên. Vì sao những người lính hi sinh cuộc đời mình cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc lại là người vô danh? Hiện vẫn còn hàng ngàn mộ liệt sĩ chưa được qui tập và số liệt sĩ có tên tuổi và quê quán chỉ chiếm 3-4% trong hàng vạn hài cốt liệt sĩ đã được qui tập. Mỗi di vật đều có những liên quan mật thiết đến một hài cốt liệt sĩ. Giá như hàng chục năm nay ta đừng bỏ mất những di vật của liệt sĩ thì tốt biết chừng nào”.

Từ sự day dứt này, chị Tiến quyết đi săn lùng di vật liệt sĩ khắp sáu tỉnh Bắc Trung bộ để viết công trình khoa học mang tên “Phương pháp xác minh lý lịch liệt sĩ chưa biết tên qua di vật nằm cùng phần mộ”. Sau ba năm vừa đi vừa viết, năm 2003 công trình của chị được Tổng cục Chính trị đánh giá xuất sắc và in thành sách phổ biến trong toàn quân. Từ công trình này, Bộ Quốc phòng cấp hơn 3 tỉ đồng xây dựng nhà tưởng niệm để lưu giữ hơn 2.000 di vật liệt sĩ từ khắp các chiến trường Lào.

Phóng to
- Trung tá Nguyễn Thị Tiến sinh năm 1955 tại Nghệ An. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 1977 là giáo viên dạy văn Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt. Sau đó xuống Đồng Tháp thành lập Trường CĐ Sư phạm Đồng Tháp rồi chuyển ra dạy tại Trường CĐ Sư phạm Nha Trang. Đi bộ đội năm 1984, làm công tác bảo tàng tại Quân khu 4. Năm 1994 chuyển công tác ra Bảo tàng Quân chủng phòng không tại Hà Nội. Năm 1998 chuyển về Bảo tàng Quân khu 4.

- Đã xuất bản truyện ký Chuyện kể của người đi tìm liệt sĩ (NXB Văn Học - 2005), sách ảnh Nghĩa tình đồng đội (NXB Nghệ An - 2007).

- Nhân vật chính trong phim tư liệu Không ai là vô danh (phim đoạt giải nhất báo chí toàn quốc năm 2001).

- Được Bộ Quốc phòng tặng hai bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm liệt sĩ, được Tổng cục Chính trị tặng bằng khen về đề tài khoa học xuất sắc.

- Năm 2002, được Viện Sinh học thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên quốc gia mời tham gia trực tiếp đề tài “Sử dụng công nghệ mới vào giám định hài cốt liệt sĩ”. Chị đã giúp viện này lần đầu tiên giám định thành công một trường hợp liệt sĩ bằng phương pháp sử dụng gen. Đây là trường hợp một hài cốt liệt sĩ bị nhầm tên rất khó xác định qua di vật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận