Và thật ra đó không chỉ là chuyện so tài trên sân đấu. Asiad được ca ngợi "sự kiện thể thao quy mô thứ 2 thế giới" kể cả khi đặt dưới góc độ về kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ hay cả tầm vóc chính trị.
Tiến bộ từng ngày
Trước tiên, hãy nói đến thể thao thuần túy.
Lần đầu tiên thế giới thể thao phải đưa ra một cái nhìn khác về thực lực của các VĐV châu Á có lẽ là ở Olympic 1964 - kỳ Thế vận hội mang tính lịch sử với người Nhật. Trước đó, cuộc chơi thể thao hầu như chỉ nằm trong tay người phương Tây. Tại Olympic 1960, bốn cường quốc Liên Xô, Mỹ, Ý và Đức đã cùng nhau giành đến 67% số HCV và 55% tổng số huy chương của cả kỳ đại hội.
Năm đó, Trung Quốc chưa tham dự Olympic. Hàn Quốc cử đi 36 VĐV nhưng tất cả đều trắng tay. Nhật Bản nhờ tập trung vào môn thể dục dụng cụ (TDDC) coi trọng sự khéo léo, dẻo dai đã giành được 4 HCV (toàn bộ đều ở TDDC). Nhưng chừng đó là không đủ để các nước phương Tây phải ngoái nhìn.
Phải đến khi Nhật đăng cai Olympic, người châu Á mới bắt đầu được vị nể trên đấu trường thể thao thế giới. Năm đo,́ Nhật giành 16 HCV và đứng thứ 3 chung cuộc trên bảng tổng sắp huy chương. Lợi thế chủ nhà: có. Nhưng ở ngay kỳ Olympic tiếp theo, người Nhật vẫn giữ được vị trí thứ 3 dù Mexico là chủ nhà. Và 50 năm tiếp theo đó, Nhật vẫn giữ vững một vị trí trong nhóm top 10 của Olympic.
Người Nhật duy trì đà tiến bộ vững chắc, còn Trung Quốc và Hàn Quốc nhảy vọt trong 30 năm trở lại đây. Trung Quốc chỉ mất đúng 6 lần tham dự Olympic (từ 1984) để trở thành cường quốc thể thao số 2 sau Mỹ. Còn Hàn Quốc cũng giữ chắc một chân trong top 10 kể từ Olympic Los Angeles 1984. Ở Tokyo 2020, ba nước Đông Á đã đoạt tổng cộng 21% số HCV của đại hội.
Và ở Asiad, tất cả những cái tên xuất sắc nhất của Nhật, Hàn, Trung đều sẽ góp mặt. Ở nhiều nội dung thi đấu, nhiều môn thể thao như bóng bàn, cầu lông, TDDC, cử tạ..., cuộc đấu ở Asiad thật ra cũng là cuộc so tài tầm thế giới.
Không còn là "Đông Á bệnh phu"
Song hành cùng thành tích thể thao là khả năng đăng cai các kỳ đại hội. Về chuyên môn của cuộc chơi, người châu Á (cụ thể là Đông Á) nói chung vẫn chưa áp đảo được các VĐV phương Tây vốn cao to, cường tráng. Nhưng nếu nói đến năng lực tổ chức, trong nhiều năm trở lại đây, châu Á lại nắm đa số.
Cụ thể, 2/4 kỳ Olympic mùa hè gần nhất do châu Á đăng cai (Bắc Kinh 2008 và Tokyo 2020). Và cả hai kỳ Olympic mùa đông gần nhất là ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Các nước phương Tây ngày nay có xu hướng né tránh các kỳ Olympic vì sợ lãng phí. Trái lại, ba nước Đông Á lại xem các sự kiện thể thao hàng đầu là biểu trưng cho sức mạnh về kinh tế, du lịch và công nghệ.
Năm 1988, Hàn Quốc đã thông qua Olympic Seoul để quảng bá rộng rãi về văn hóa của mình. Sau kỳ Olympic này, khắp thế giới biết đến món ăn kimbap và kim chi. Rất nhiều món ăn Hàn Quốc dần được đưa vào thực đơn dành riêng cho giới VĐV. Trong khi đó, taekwondo từng bước trở thành một môn võ quốc tế.
Tương tự, kinh tế và du lịch Trung Quốc bùng nổ sau Olympic Bắc Kinh 2008. Và đến Tokyo 2020, người Nhật thêm một dịp mở mang tầm mắt cho thế giới thấy "kỷ nguyên công nghệ" của mình.
Không chỉ Olympic, kể cả ở Asiad, ba nước Đông Á cũng tỏ rõ sự nghiêm túc. Tại Incheon 2014, chủ nhà Hàn Quốc đã xây dựng nhiều tuyến tàu điện ngầm để phục vụ đại hội. Và dù chỉ là thành phố lớn thứ 3 ở Hàn Quốc, Incheon đem đến đầy đủ tiện nghi, những nhà thi đấu đẳng cấp. Và ở Hàng Châu 2022, lĩnh vực công nghệ lại càng được đẩy mạnh. Chủ nhà Trung Quốc đang quyết tâm khiến thế giới phải trầm trồ về một kỳ Asiad mang tầm vóc Olympic.
"Đông Á bệnh phu", cách gọi miệt thị một thời người phương Tây dành cho người dân Đông Á đã là chuyện quá khứ. Ngày nay, nhìn từ các sự kiện thể thao, ba cường quốc Đông Á đều đã đứng vào đẳng cấp cao nhất về khả năng tổ chức, về chuyên môn thi đấu, và cả các lĩnh vực kinh tế, khoa học…
Thời của Đông Nam Á
Nếu ở đẳng cấp cao nhất, Hàn, Nhật, Trung khiến các nước phương Tây dè chừng tại Olympic, thì ngày nay, nhiều nền thể thao đến từ Đông Nam Á cũng không còn bị xem là "thấp cổ bé họng" khi bước ra sân chơi châu lục.
Ở Asiad 2018, Indonesia vươn lên hạng 4 nhờ lợi thế chủ nhà. Nhưng Thái Lan - thường được xem là anh cả làng thể thao Đông Nam Á - từ lâu đã ổn định một vị trí trong top 10 thể thao châu lục. Malaysia, Việt Nam và Singapore cũng lần lượt giữ các vị trí thứ 14, 16 và 18 trên bảng tổng sắp của Asiad 18.
SEA Games là kỳ đại hội thể thao mà đông đảo VĐV Đông Nam Á có thể giành huy chương nhất và hướng đến việc nâng cao thành tích ở tương lai. Do đó, theo dòng thời gian, Asiad ngày nay mới thực sự là trọng tâm bởi đây là cơ hội thuận lợi nhất để các VĐV khu vực có thể tiếp cận, cạnh tranh với những ngôi sao tầm cỡ thế giới.
Đừng quên khoảnh khắc Huy Hoàng tranh đua từng giây với Sun Yang ở Asiad 18 - được xem là khoảnh khắc biểu tượng của thể thao Việt Nam. Dù không đoạt HCV, Huy Hoàng đã có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với một nhà vô địch thế giới (đặc biệt là ở môn bơi lội).
Sau trận thua Iran 0-4 của Olympic Việt Nam, HLV Hoàng Anh Tuấn khuyên nhủ các học trò: "Thời của thầy, thi đấu ở Asiad còn là chuyện mơ cũng không được". Thật vậy, ngày nay, Asiad là cơ hội để các VĐV Đông Nam Á cạnh tranh với những nhà vô địch thế giới. Đồng thời để tất cả những người hâm mộ chúng ta chiêm ngưỡng những bữa tiệc về công nghệ, về tính tổ chức của các siêu cường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận