04/10/2015 09:38 GMT+7

Dùng chất cấm trong chăn nuôi là đầu độc đồng bào mình

TR.D. tổng hợp
TR.D. tổng hợp

TTO - Bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã bày tỏ quan điểm như vậy xung quanh vụ việc thêm một trang trại chăn nuôi tại TP.HCM sử dụng thức ăn chứa chất cấm salbutamol (chất tạo nạc, tăng trọng), vừa được phát hiện.

 

Những con heo được nuôi bằng chất tạo siêu nạc bị ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch, chỉ có nằm hoặc ngồi - Ảnh: HÀ MI

Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan chức năng phát hiện có chất cấm trong chăn nuôi.

Để tăng trọng cho vật nuôi, trước đó vào trung tuần tháng 8-2015 ở Tiền Giang sau một đợt kiểm tra đã cho thấy có tới 5/9 trại dương tính với chất salbutamol, tập trung ở hai ấp Tân Ninh và Tân Thuận. Tất cả các mẫu được lấy đều là heo lớn sắp xuất chuồng.

Về tác hại của các chất tạo nạc trong chăn nuôi, GS Nguyễn Lân Dũng - chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam - cho rằng các chất này bị cấm sử dụng vì thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng, ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch. 

Còn tại TP.HCM vào ngày 19-8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C49), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (C46), Bộ Công an phối hợp với thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đột kích bắt quả tang Công ty TNHH sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (901 Âu Cơ, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM) đang sản xuất hàng trăm mặt hàng thuốc kháng sinh cấm sản xuất.

Đặc biệt, trong đó có chất cấm họ beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine) - chất tăng trọng, tạo nạc nghiêm cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Theo cơ quan điều tra, các sản phẩm này sẽ được công ty phân phối ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Thái Bình, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Bày tỏ thái độ của mình về tác hại của "kẻ giết người giấu mặt" này, bạn đọc Lưu Thanh Tung nhận xét: "Tội này tuy không trực tiếp giết người nhưng đã gieo rắc những căn bệnh chết người”. 

Gay gắt hơn, bạn đọc tên Thuận viết: "Mấy tội dạng này mình thấy tương tự nạn diệt chủng thì đúng hơn, vì cái này ảnh hưởng đến sức khỏe và di truyền các thế hệ người VN mình".

Từ Mỹ, bạn đọc Thu Lan đặt ra câu hỏi đầy bức xúc: "Kiếm tiền thì có rất nhiều cách qua việc cống hiến và phát triển xã hội. Sao lại có những người coi thường sự tồn vong của dân tộc kiểu này? Có phải nhất thiết làm giàu khi xem thường mạng sống của người và hành hạ gia súc tàn nhẫn mới được hay sao?".

Để ngăn ngừa tận gốc việc làm ăn bất chính này, bạn đọc nick name Nhat đề nghị: "Thay vì phạt hành chính hãy xử lý hình sự, đây rõ ràng là cố ý gây hại sức khỏe người khác".

Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Anh Hiển bổ sung: "Xin quý cơ cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm của mình, đừng nhận phong bì mà bỏ qua tội ác. Cần đưa tội này vào tội hình sự. Sử dụng chất cấm đầu độc con người là tội ác không thể tha thứ".

Bạn  đọc Minh Toàn kiến nghị: "Phạt nhẹ như gãi ngứa thì không đủ sức răn đe vì lợi nhuận lớn hơn tiền phạt. Cần nghiên cứu bổ sung theo hướng tăng nặng hình phạt hoặc khởi tố thì tình trạng này mới có thể giảm được. Nếu không thì chắc phải xây thêm nhiều bệnh viện trị ung thư".

Là người tiêu dùng, bạn nghĩ gì khi bản thân và gia đình của mình một ngày nào đó phát hiện dùng sản phẩm có chất tạo nạc? Giải pháp của bạn trong việc chấm dứt kiểu làm ăn "tạo nạc trong chăn nuôi" là gì? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những câu chuyện mắt thấy tai nghe của bạn qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

 

 

 

 

TR.D. tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên