09/08/2019 15:27 GMT+7

Sự cố đập thủy điện Đắk Kar: trường hợp xấu nhất là nổ mìn xả lũ

ĐÌNH CƯƠNG - TRUNG TÂN
ĐÌNH CƯƠNG - TRUNG TÂN

TTO - Ông Lê Viết Thuận, chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, cho biết với sự cố đập thủy điện Đắk Kar, các đơn vị đã thực hiện phương án khoan lỗ chờ, trường hợp xấu là nổ mìn để xả lũ.

Ghi nhận tại đập thủy điện Đăk Kar ngày 9-8 - Video: ĐÌNH CƯƠNG

Theo ông Thuận, trước nguy cơ lo lắng vỡ đập thủy điện Đắk Kar, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông, chính quyền địa phương hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã đưa trên 5.000 người trong vùng ảnh hưởng đi sơ tán.

"Đến thời điểm hiện tại, sự cố kẹt van xả trên công trường thủy điện Đắk Kar đang tiếp tục được khắc phục. Hiện tại nước đang được xả qua đường ống áp lực. Chiều nay chờ mực nước rút để tiếp tục khắc phục van xả. Hiện tại các đơn vị đã có phương án là khoan lỗ chờ, nếu trường hợp xấu xảy ra thì nổ mìn để xả lũ", ông Thuận nói.

Chiều 9-8, ông Chu Văn Quyền, giám đốc Công ty thủy điện Đắk Kar (xã Đăk Ru, huyện R’lấp, Đăk Nông), cho biết mức nước tại đập hiện đã giảm, tuy nhiên vẫn có nguy cơ vỡ đập nếu còn mưa lớn như những ngày qua.

Sự cố đập thủy điện Đắk Kar: trường hợp xấu nhất là nổ mìn xả lũ - Ảnh 2.

Nước đang được nhà máy cố gắng xả ra từ nhiều cửa - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Theo ông Quyền, suốt những ngày qua, 40 cán bộ, công nhân nhà máy đã tiến hành xả nước tràn về đập qua 3 đường gồm: ống xả kiệt, ống dẫn nước ngang và phần trên van xả tràn.

Đến 13h trưa 9-8, lưu lượng nước đổ về hồ vào khoảng 80m3, mực nước đo được đã giảm từ 478,2m xuống chỉ còn 476,3m, dung tích nước hiện là hơn 12 triệu m3. Đập nước đã tạm thời an toàn.

Tại hiện trường, cán bộ, công nhân đang nỗ lực dùng palăng tay và điện kết hợp xe cẩu nâng 2 cửa xả tràn bị kẹt từ đêm 7-8. Nguyên nhân chính khiến 2 cửa xả tràn kẹt được xác định do lượng nước về quá lớn kéo theo cây cối làm kẹt, không thể mở van xả tràn.

Nếu nước về hồ chứa tiếp tục dâng quá cao trình 479m, nhà máy sẽ tiến hành tạo kênh thoát lũ bên vai phải đập với kích thước 3 - 5m, dài 15m.

"Tôi đã làm việc với các xã, huyện ở địa phương, thống nhất sẽ có thông báo sớm trước 30 phút nếu có nâng lượng xả tại đập", ông Quyền cho biết.

Sự cố đập thủy điện Đắk Kar: trường hợp xấu nhất là nổ mìn xả lũ - Ảnh 3.

Một đường ống dẫn nước bị vỡ đêm 8-8 - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Theo lãnh đạo công trình thủy điện, trong 3 ngày qua, lưu vực lòng hồ Đắk Kar đã chứng kiến lượng mưa chưa từng có. Lượng mưa đổ xuống lưu vực lòng hồ do được đã lên đến hơn 700mm. Trong khi đó lượng mưa trung bình cả năm chỉ là 2.300 - 2.500mm.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Bốn - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - đã trực tiếp đến kiểm tra tại công trình.

Tại đây, chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công và các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp phải hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Các lực lượng liên quan tập trung theo dõi, khắc phục sự cố.

Sự cố đập thủy điện Đắk Kar: trường hợp xấu nhất là nổ mìn xả lũ - Ảnh 4.

Cửa xả tràn bị kẹt do lưu lượng nước đổ về lớn, kéo theo cây cối và đất đá - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Sự cố đập thủy điện Đắk Kar: trường hợp xấu nhất là nổ mìn xả lũ - Ảnh 5.

Máy phát điện được sử dụng để kéo 2 cửa xả đập - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Công trình thủy điện Đăk Kar xây dựng trên suối Đăk Kar, nằm giữa ranh giới huyện Đăk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) và huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Đập nước Đăk Kar có dung tích thiết kế 11 triệu m3, cao trình đỉnh đập 480,5m.

Bình Phước sơ tán khẩn 200 hộ dân vì lo vỡ đập thủy điện Đắk Kar Bình Phước sơ tán khẩn 200 hộ dân vì lo vỡ đập thủy điện Đắk Kar

TTO - Ngày 9-8, thông tin từ UBND huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho hay các cơ quan chức năng huyện vừa sơ tán khẩn 200 hộ dân thuộc 4 xã nằm gần đập thủy điện Đắk Kar lên khu vực cao nhằm đảm bảo an toàn cho người dân,

ĐÌNH CƯƠNG - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên