17/02/2012 07:30 GMT+7

Sự bạo hành của ngôn từ

VĂN VIỆT
VĂN VIỆT

TT - Chuyện “bé xé ra to” một lần nữa lại bị truyền thông mạng khuấy động. Đó là phần thi hát của cô bé 15 tuổi Q.A. và “phản biện” của mẹ cô trước ban giám khảo cuộc thi Tìm kiếm tài năng, khi cô bị loại.

Mẹ phản pháo ban giám khảo để bênh con, nên không?Vietnam’s Got Talent tập 7: nhiều niềm vui và khám phá mớiBTC Vietnam’s Got Talent có "ác" với con trẻ?

kmgKgjRm.jpgPhóng to
Khán giả tại trường quay vòng loại sân khấu Vietnam’s Got Talent - Ảnh: Gia tiến

1. Xem phần thi này phát sóng trên VTV3 tối chủ nhật (12-2), đoạn gia đình cô bé phát biểu trước cuộc thi và đoạn người mẹ xin “được nói” sau phần đánh giá ôn tồn của ban giám khảo, khán giả có thể thấy gia đình đã quá tự tin và đặt kỳ vọng lớn vào chiến thắng của người thân mình.

“Tôi thấy có nhiều giọng ca thật sự không bằng cháu vẫn được vào vòng trong... Thật sự tôi rất buồn và tôi bất ngờ... Tại sao không thể cho cháu một cơ hội vì cháu chỉ 15 tuổi và cháu hát được sáu thứ tiếng rất chuẩn...” - mẹ Q.A. bước ra sân khấu cầm lấy micro phát biểu khá dõng dạc - điều khá bất ngờ, bởi các phụ huynh khác đôi khi chỉ chia sẻ trong hậu trường với MC.

Nhưng theo dõi chương trình, khó có thể hình dung lời phát biểu ấy - là bức xúc của một người mẹ muốn “bảo vệ” con... - ngay ngày hôm sau đã trở thành “mồi lửa” để các báo mạng “phóng” lên thành hàng loạt tít bài giật gân, mà lại tấn công vào cô bé 15 tuổi: Sốc với clip cô gái “nổ” tại Vietnam’s Got Talent, Cô gái “quăng bom” làm “nóng” sân khấu Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Got Talent: Cư dân mạng sôi sục vì thảm họa, Cô bé 15 tuổi hát Tình mẹ bị “ném đá” tơi tả...

Bên cạnh đó là những bài viết tấn công vào mẹ của cô bé lẫn ban tổ chức. Có thể thông cảm với dư luận về việc... dành quá nhiều hơi sức để xoáy vào những chuyện bên lề, phẫn nộ với phát biểu của người mẹ. Nhưng câu chuyện về những lời khen ngợi con trước đông đảo khán giả gây tác dụng ngược và vô tình “trừ điểm” thêm cho con chỉ nên dừng lại ở chỗ các nhà tâm lý học bàn luận về tâm lý phụ huynh và chuyện cha mẹ nên bênh vực hay ủng hộ con như thế nào.

Khán giả có thể buồn cười với ứng xử này kia của thí sinh và người thân, nhưng báo chí đưa lên giật tít là “chuyện nực cười”, “gây sốc” hay “thảm họa”... để thu hút sự tò mò thì quả là bất nhẫn. 15 tuổi - độ tuổi quá nhạy cảm - để bất cứ ai có thể làm những điều dại dột vì một cú sốc nào đó. Ở độ tuổi đó, những tổn thương không có thật cũng thành có thật, huống chi là búa rìu dư luận.

Chị Hạnh - một phụ huynh ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) - chia sẻ sau khi xem clip về “cô bé 15 tuổi” hiện đã tràn ngập trên mạng: “Tôi thấy phát biểu của người mẹ trong trường hợp này không đáng bị tấn công và chỉ trích với những lời lẽ nặng lời. Chuyện các bà mẹ hay nghĩ con mình hay, con mình giỏi, thậm chí con mình tuyệt vời cũng là điều dễ hiểu.

Là một khán giả, xem clip này, nếu phải rút kinh nghiệm điều gì, tôi chỉ dừng lại ở việc tự nói với mình phải biết kiềm chế, khách quan hơn khi nghe người khác nhận xét về khả năng của con mình không giống như mình nghĩ...”. Đó có lẽ cũng là cảm nhận của bất kỳ một khán giả tỉnh táo nào trước những phát ngôn không đáng bị báo chí “dẫn dắt” thành sự kiện nóng như vậy.

2. Thực hiện một chương trình truyền hình thực tế, ai cũng biết mỗi sự cố, mỗi chuyện lỡ lời và mọi tranh cãi ầm ĩ dù cố tình tạo ra hay vô tình mà có đều có thể là những “gia vị” để chương trình thu hút sự quan tâm của khán giả. Nhưng nếu “gia vị” ấy gây hại cho một đứa trẻ? Ban tổ chức có lường trước được việc thí sinh nhỏ tuổi của mình trở thành một nạn nhân? Một nạn nhân của người lớn hơn thua, người lớn hung hăng, người lớn vô tình...!

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, mẹ Q.A. cho biết cô bé đã vượt qua cú sốc. Nhưng cuộc thi không hạn chế độ tuổi, còn rất nhiều các thí sinh nhỏ tuổi sẽ xuất hiện trên sóng truyền hình, trước sự... chăm chỉ tìm “mồi” của báo mạng, sự “bạo hành” bằng ngôn từ của nhiều người dễ dàng bị dẫn dắt, liệu sẽ còn bao nhiêu nạn nhân nhỏ tuổi khác có thể suy sụp khi không đủ kỹ năng đối phó với làn sóng chỉ trích của dư luận?

Nếu lường trước dư luận dễ bị châm ngòi thế nào, nếu lường trước người này dễ bị người khác gièm pha, giễu cợt và hạ nhục đến thế nào thì hẳn với những tập phát sóng tiếp theo, ban tổ chức sẽ có nhiều điều để cân nhắc khi biên tập nội dung chương trình.

Báo chí, rồi mạng xã hội, rồi các diễn đàn... cùng chăm chăm vào những sự kiện không đáng ồn ào khiến môi trường thông tin thật sự bị bội nhiễm. Trước đó, chuyện áo dài... quá mỏng của hoa hậu Mai Phương Thúy cũng bị từng ấy “nhân sự” thổi phồng, “gài bẫy” cả người có thẩm quyền để chụp giật những phát ngôn không chính thức qua điện thoại.

Chuyện bé cứ cố xé ra to để tạo kịch tính khiến Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phải vội vã gửi một văn bản không chữ ký, không đóng dấu để đính chính thông tin “Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đồng ý tước danh hiệu hoa hậu Mai Phương Thúy” không phải là quan điểm chính thức của bộ.

3. Ai cũng có quyền nói điều mình nghĩ. Nhưng những lời bình phẩm dễ dàng kết tội và đổ lỗi cho bất cứ ai liên đới (có khi chỉ là a dua) thật sự làm những người vô can cũng thấy xót xa và e ngại.

“Bạn thấy trên tay mình thiệt tình là có đá. Thiệt tình là bạn đang lăm le chực chờ ném vào người khác, giống hệt cái cách người đời hăng hái ném nhau [...] Đôi khi bạn bĩu môi lườm nguýt ai đó, mắng xiên chửi xéo ai đó... mà thấy rõ ràng là mình vừa ném đá vào người ta. Đôi khi viết một đoạn chữ mà thấy lổn nhổn nặng nề như đá. Đôi khi chỉ nói nửa câu mà thấy người nọ rúm ró vì đau [...]. Những hòn đá đó không bao giờ rơi xuống đất, bởi không người này cất thì người kia cũng cầm. Vì nó mà mình đau nhưng người ta vẫn giữ để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ”. Một lần trên Tuổi Trẻ (ngày 9-5-2010), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã viết một bài chua xót như thế.

Thời buổi này, tay ai cũng có sẵn đá để ném vậy sao? Và thời buổi này, người ta lãng phí thời gian cho những mối quan tâm và bàn tán vô bổ thế sao? Những câu hỏi này rất cũ, và sẽ còn là câu hỏi đầy ngán ngẩm trước cái ác diễn ra hằng ngày... trên các trang tin.

* Quanh tiết mục thi của thí sinh Q.A. đang tạo nên quá nhiều chuyện ồn ào, chương trình có thể sẽ có thêm khán giả, nhưng ban tổ chức có lường hết những hậu quả mà cô bé đã phải gánh chịu?

● Công ty BHD - nhà sản xuất chương trình Vietnam’s Got Talent: “Câu chuyện của Q.A. cũng như của các thí sinh khác đều được thực hiện như nhau, nghĩa là có phần ghi hình trước, trong và sau khi tiết mục diễn ra. Chúng tôi chỉ kể lại câu chuyện. Tuy nhiên, Vietnam’s Got Talent là một chương trình truyền hình thực tế, vì vậy về mặt nghề nghiệp, chúng tôi bắt buộc phải tôn trọng những gì mà thực tế đã diễn ra trong buổi ghi hình. Trong lời cuối cùng của phần biểu diễn của Q.A., ban tổ chức cũng đã nhắn nhủ: “Ban giám khảo đã có những nhận xét thẳng thắn về giọng hát của Q.A. và hẹn gặp lại cô bé vào năm sau nha. Chắc hẳn khi đã bình tâm trở lại và đặc biệt khi xem chương trình này, Q.A. sẽ lưu ý đến những nhận xét và góp ý của ban giám khảo để hoàn thiện hơn giọng hát của mình”.

Trong các thông cáo báo chí trước và sau khi tập 7 được phát sóng, chúng tôi không hề nhắc tới trường hợp của Q.A. Và quả thật chúng tôi không nghĩ rằng sau khi phát sóng xong cộng đồng mạng lại quá khắt khe như vậy. Chúng tôi mong mọi người sẽ có một cái nhìn tích cực hơn với Q.A. vì ai cũng có ước mơ và tự tin thực hiện ước mơ của mình chẳng có gì là sai cả”.

● Mẹ của thí sinh Q.A.: “Gia đình tôi bỗng chốc trở thành một gia đình kệch cỡm, “nổ” và bị “ném đá” dữ dội trong khi tôi, chồng tôi đều là những người công tác trong môi trường sư phạm. Chúng tôi đều là những người có học thức. Phải dùng từ nhẫn tâm khi trên các diễn đàn mạng, người ta thậm chí còn lập cả nickname của ông nội cháu, rồi vào chửi bới người đã khuất... Họ nói tôi sáng thứ hai chào cờ đầu tuần kêu gọi học sinh trong trường nhắn tin ủng hộ cho Q.A. trong khi lúc ấy tôi đang ở Nha Trang. Nếu hỏi tôi bây giờ tôi mong điều gì nhất, tôi chỉ mong bình an cho con tôi”.

MINH TRANG ghi

SxXyDNgi.jpgPhóng to

Giám khảo - nghệ sĩ Thành Lộc - Ảnh: Gia Tiến

Cuộc thi Vietnam’s Got Talent cũng như tất cả những cuộc thi khác là cơ hội để mỗi thí sinh rèn luyện kỹ năng sống, để trưởng thành và vững vàng hơn. Đây là điều quan trọng nhất!

Mục đích của cuộc thi nào cũng vậy thôi, đó là giúp bạn nhận ra một điều: thắng không kiêu bại không nản, thất bại luôn là mẹ của thành công. Mình phải biết mình là ai, mình đang ở vị trí nào trong cuộc đời này. Mẹ Q.A. dạy con theo phương cách đó thì sẽ tốt cho cháu. Cháu sẽ hiểu được một điều: à, mình có thể là người giỏi nhất trong môi trường của mình, nhưng khi bước ra một môi trường lớn hơn chắc chắn sẽ có người giỏi hơn.

Một điều nữa là cuộc thi này đâu phải là tất cả đối với Q.A., đâu phải là cuộc thi duy nhất trong cuộc đời cô bé.

Trước đây, ở vòng loại phía Bắc, tôi cũng đã gặp một trường hợp: một thí sinh có thể hát rất nhiều ca khúc của ca sĩ Đan Trường đến dự thi. Dĩ nhiên giọng hát của anh chàng không có gì đặc sắc và chúng tôi buộc phải loại khỏi chương trình.

Sau đó phụ huynh cũng phản ứng rất dữ dội trước máy quay ở hậu trường. Nói thế để hiểu có rất nhiều bậc cha mẹ hay bị ảo tưởng về con mình, không phải chỉ riêng mẹ của Q.A., và đó là điều các bậc phụ huynh khác nên nhìn lại.

Còn riêng đối với cư dân mạng, tôi chỉ muốn nói một điều: lỗi này không phải của Q.A., đừng “ném đá” Q.A., và cũng không nên “ném đá” vào ai cả. Việc cô bé giới thiệu mình có thể hát được sáu thứ tiếng là chuyện bình thường, là điều mà một sân chơi như Got Talent cần có.

Đây là chương trình thực tế để tìm kiếm tài năng mà, chúng tôi cần những người như thế chứ! Đó không phải là điều khoe mẽ hay “nổ” như một số người nhận xét...

Khán giả hãy công tâm nhìn lại, đó chỉ là một cô bé 15 tuổi, là một học sinh cấp II, cô bé còn cả một con đường rất dài phía trước, hãy thương lấy Q.A. và đừng công kích cô bé.

VĂN VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên